Tích cực chuẩn bị ứng phó với bão số 12
Sáng qua 3.11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành và 18 huyện, thành phố triển khai các biện pháp ứng phó bão số 12. Theo dự báo, bão số 12 đang có hướng di chuyển vào khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên, khả năng Quảng Nam hứng chịu trực tiếp.
Dự báo hướng đi bão số 12. Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. |
Từ chiều 3.11, vùng biển Hoàng Sa có gió mạnh dần lên với vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 13, 14. Từ sáng 14.11, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, biển động rất mạnh. Từ chiều ngày tối nay, trên địa bàn tỉnh sẽ mưa to đến rất to.
Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, đến sáng 3.11 toàn tỉnh còn 85 phương tiện tàu thuyền với 2.204 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 69 tàu xa bờ với 2.087 lao động và vẫn giữ được liên lạc thường xuyên với bộ đội biên phòng. Trong số tàu xa bờ có 49 phương tiện đang ở khu vực quần đảo Trường Sa, 20 tàu với 272 lao động của các xã Tam Quang và Tam Hải (huyện Núi Thành) hoạt động ở khu vực phía nam đảo Hoàng Sa, tương đối an toàn. Công điện của UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và bộ đội biên phòng cần hướng dẫn cho ngư dân sắp xếp neo đậu tàu thuyền nhằm tránh va đập, hư hỏng và chìm ngay tại bờ, các phương tiện nhỏ cần kéo lên bờ. Tuyệt đối không cho người ở trên tàu thuyền khi bão vào.
Hiện nay trong tổng số 73 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh có 45 hồ đã tích đầy nước (tập trung tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn và Hiệp Đức) cần được điều tiết xả nước hợp lý. Về thủy điện, hồ A Vương còn cách ngưỡng tràn hơn 2m và có lưu lượng nước về hồ 47,5m3/s, đang xả ra qua phát điện với lưu lượng 78m3/s; hồ Đăk Mi 4 lưu lượng về hồ gần 54,5m3/s, xả ra 102,4m3/s, Hồ Sông Tranh 2 đang còn cách ở cao trình ngưỡng tràn gần 11,1m, nước về hồ gần 97,75m3/s và đang xả qua phát điện với lưu lượng 230m3/s.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh lưu ý lãnh đạo các địa phương và nhân dân không được chủ quan trước bão số 12. Các địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc các phương tiện tàu thuyền. Thường xuyên vận động và tăng cường lực lượng xung kích hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa tạm bợ, nhà có nguy cơ bị tốc mái; tăng cường thông báo, cảnh báo mưa lũ, vận động người dân không được chủ quan đi lại và làm rừng, vớt củi, không một người nào leo lên nhà khi có gió mạnh cả trước và sau bão để tránh thương vong. Các cơ quan chú ý chằng chống trụ sở làm việc, bảo vệ trang thiết bị, chằng chống cây xanh, tránh ngã đổ. Rút kinh nghiệm từ bão số 11 vừa qua, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong công tác ứng phó với bão. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh lưu ý ngành giáo dục vẫn cho học sinh đi học vào sáng 4.11, buổi chiều ngày 4.11 thì tùy từng địa bàn có thể quyết định cho học sinh nghỉ học
* Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã chỉ đạo các phòng ban chức năng, các đồn biên phòng triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão và sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn trên các địa bàn ven biển nhằm chủ động phòng tránh và giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Các đài canh liên tục phát bản tin về vị trí hướng đi của bão cho các tàu cá đang hoạt động trên biển không đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi, hướng dẫn, neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định tại các đồn biên phòng Cửa Đại, Kỳ Hà và đảo Cù Lao Chàm.
* Ngày 3.11, UBND huyện Núi Thành họp khẩn cấp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp phòng tránh bão. 17/17 xã, thị trấn của huyện chủ động triển khai phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ; kiểm tra, rà soát, bổ sung việc dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở những vùng dễ bị cô lập. Các xã Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Anh Nam hướng dẫn tổ chức ngư dân đưa tàu thuyền vào các khu neo đậu tránh bão, tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, đảm bảo an toàn. Các xã miền núi chú ý di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.
* Huyện Bắc Trà My cho biết, hiện các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka (hay bị cô lập do ngầm Sông Trường trên tuyến ĐT616 tại xã Trà Sơn chia cắt khi có lũ lớn) đã chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ để phục vụ người dân trong trường hợp xảy ra cô lập dài ngày. Theo bà Huỳnh Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, rút kinh nghiệm những thiệt hại tài sản do chủ quan tại các công trường đang thi công, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các doanh nghiệp, nhà thầu, ngay trong chiều và tối ngày 3.11, phải tổ chức tập kết vật tư, thiết bị máy móc phục vụ thi công đến nơi an toàn và tổ chức che đậy bảo quản cẩn thận. Theo ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, từ cao trình 149m đến ngưỡng xả tràn (cao trình 161m, đang được mở sẵn toàn bộ 6 cửa xả để nước lũ tự tràn qua) dung tích khoảng 159 triệu khối nước. Trong trường hợp có mưa lớn, lưu lượng nước đổ về hồ chứa khoảng 2.000m3/s, thời gian mưa kéo dài liên tục trong vòng 20 tiếng đồng hồ thì hồ chứa mới vượt ngưỡng xả tràn. Công ty đang phối hợp chặt chẽ, giữ liên lạc 24/24 giờ với huyện Bắc Trà My để cung cấp thông tin và phối hợp phòng chống thiên tai.
* Lực lượng Biên phòng Cửa Đại và Cù Lao Chàm (Hội An) đã kêu gọi và hướng dẫn cho hơn 500 phương tiện tàu thuyền các loại vào trú tránh tại rừng dừa Cẩm Thanh và âu thuyền Cù Lao Chàm an toàn. Ngoài ra, Cù Lao Chàm chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng giúp người dân thôn Bãi Hương dọn cát nếu xảy ra mưa to, cát sẽ vùi lấp nhà dân tổ 3 thôn này.
* Trưa ngày 3.11, tại khu vực âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) đã có hơn 220 tàu thuyền các loại của ngư dân xã Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và một số phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân huyện Điện Bàn, Thăng Bình, TP.Hội An vào đây neo đậu an toàn. Được biết, hiện gần 200 phương tiện đánh bắt còn lại của ngư dân huyện Duy Xuyên cũng đã tìm nơi tránh trú tại các luồng lạch thuộc phường Cẩm An của TP.Hội An và những khu vực an toàn khác.
* Sáng 2.11, tàu cá mang số hiệu BĐ 93318 của ông Lê Thanh Trúc (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) có công suất 225CV, gồm 7 thành viên đang trên đường chạy tránh bão số 12 thì bị hỏng máy, trôi dạt ở tọa độ 140,4 độ vĩ bắc - 109,15 độ kinh đông. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng của tỉnh cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã tích cực hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. Đến sáng 3.11, tàu cá của ông Lê Thanh Trúc và tất cả thuyền viên đã được cơ quan chức năng lai dắt vào neo đậu an toàn tại khu vực cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành).
Nhóm PV-CTV