Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Cần xem xét, đánh giá toàn diện chính sách giảm nghèo

NHO TUẤN 02/11/2013 09:47

(QNO) - Trong các ngày 31.10 và 1.11 vừa qua, Quốc hội tiến hành thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu đến năm 2015).

Đại biểu Lê Văn Lai  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Lê Văn Lai - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phát biểu tại hội trường.

Theo báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp, kinh tế - xã hội năm 2013 có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,4% so với kế hoạch đề ra 5,5% và tạo việc làm cho 1,54/1,6 triệu lao động) và 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra (bội chi ngân sách 5,3% và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ đạt khoảng 29,1% so với GDP).

Một trong những điểm sáng của kinh tế - xã hội năm 2013 là kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn, lạm phát được kiềm chế (so với tháng 12.2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua); nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Các đại biểu đồng tình với kết quả đạt được như trên và cho rằng đây nỗ lực rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay như kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; nguy cơ lạm phát tăng trở lại; đời sống của bộ phận dân cư còn khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế…, nhiều đại biểu Quốc hội còn mổ xẻ, làm rõ hơn thực trạng của đất nước trong năm 2013 như: sản xuất công nghiệp, xây dựng vẫn còn hết sức khó khăn; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên một số mặt còn chậm và chưa thấy được quyết tâm Chính phủ; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm làm cho niềm tin của nhân dân suy giảm...

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị: cần phải xem xét hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát; trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhà nước cần phải khoan thư sức dân, làm tốt công tác dân vận; huy động các nguồn vốn trong nước (nhất là từ các quỹ nhàn rỗi) để đưa vào lưu thông; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong tái cơ cấu nông nghiệp phải chú ý đến lợi ích của người nông dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Lê Văn Lai - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh thuộc đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đề cập đến việc thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo đại biểu Lê Văn Lai, chương trình giảm nghèo là một trong những chương trình mục tiêu đạt được nhiều thành công, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, góp phần ổn định chính trị, xã hội; song, đã đến lúc cần phải xem xét lại toàn diện cách làm của công tác giảm nghèo. Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách tác động trực tiếp đến người nghèo đã mang lại những cái lợi nhất định, nhưng những cái không mong muốn cũng đã xuất hiện cần được quan tâm, bởi lẽ nó làm đảo lộn các giá trị đạo đức xã hội; bây giờ nhiều địa phương, nhiều hộ dân muốn vào diện hộ nghèo; việc xét hộ nghèo ở địa phương cũng hết sức phức tạp vì không ai muốn thoát nghèo.

Đại biểu Lê Văn Lai đề nghị trong thời gian tới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cần được xem xét, đánh giá lại toàn diện, đặc biệt là những mặt chưa được, những vấn đề còn tồn tại. Theo đó, việc xét đối tượng người nghèo phải đúng thực chất, không thể chấp nhận những người đủ điều kiện nhưng lười lao động để được hưởng chính sách hộ nghèo; thay vì hỗ trợ trực tiếp, chính sách giảm nghèo nên tập trung hỗ trợ gián tiếp cho người nghèo bằng cách đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội.

NHO TUẤN

NHO TUẤN