Du lịch "nhà quê"
Du lịch Hội An thời gian gần đây đã xuất hiện không ít sản phẩm dịch vụ hấp dẫn khách quốc tế nhờ những nét dân dã đời thường của người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó tại các vùng quê.
Ở thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà có mô hình tổng hợp của anh Trần Quốc Tuấn được nhiều du khách tìm đến. Đón bắt thời cơ ngay khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (tháng 12.1999), anh Tuấn đã dành thời gian tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của làng rau Trà Quế quê nhà; sưu tầm, nghiên cứu từng món ăn đặc trưng, dân dã mà người dân chế biến... Anh Tuấn cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, cải tạo nhà ở, không gian đón tiếp, tổ chức các hoạt động phục vụ du khách. Năm 2001, anh Tuấn cùng gia đình mạnh dạn thế chấp nhà để vay tiền đầu tư cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi công năng các phòng sinh hoạt của ngôi nhà, tổ chức đón khách, phục vụ khách lưu trú, ăn trưa tại chỗ và trải nghiệm cuộc sống lao động cùng người nông dân Trà Quế.
Du khách tham quan làng rau Trà Quế và làng quê sông nước Cẩm Thanh.Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Vợ chồng ông Jilly và bà Les đến từ Vương quốc Anh rất thích thú chỉ sau lần đầu ngắn ngủi ghé thăm nơi này. Ông Jilly nói: “Lần đầu tiên tôi tới đây. Thật tuyệt vời. Vùng quê thật đẹp. Rau quả do người nông dân làm ra thật tươi ngon. Con người quá tuyệt vời. Vợ chồng tôi sẽ trở lại”. Còn bà Les cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng dành phần lớn thời gian quanh chiếc bàn, với máy tính, internet, còn người nông dân ở đây thì trên đồng ruộng. Chúng tôi cũng từng làm như họ nhưng lâu lắm rồi. Thật thú vị khi tìm lại ngày xưa”.
Không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức phục vụ, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến và phục vụ nên “tiếng thơm” dịch vụ du lịch của gia đình anh Tuấn ngày càng bay xa, hoạt động kinh doanh của gia đình ngày càng phát triển. Doanh thu của gia đình anh nhờ vậy cũng tăng lên hằng năm. Từ năm 2001 đến 2004 bình quân đạt 40 triệu đồng/năm. Nhưng từ 2005 đến 2008 đạt xấp xỉ 160 triệu đồng/năm. Còn con số 400 triệu đồng mỗi năm, đạt ổn định từ 2009 đến nay.
Ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà cũng có một nông dân trẻ đam mê tạo sản phẩm cho du lịch. Sinh ra và lớn lên tại làng gốm truyền thống danh tiếng, Lê Quốc Tuấn mang cả tình yêu của “đất và lửa” thổi hồn vào các sản phẩm quê nhà. Các loại mặt nạ, phù điêu, tượng, hộp đèn trang trí... các công trình dân dụng hay nghỉ dưỡng du lịch, các mẫu quà lưu niệm do Tuấn chế tác được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, đặt mua với số lượng lớn. Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hội An - Phan Văn Liêu nhận xét: “Cùng với các nghệ nhân và bà con trong làng, Lê Quốc Tuấn đã đóng góp một phần không nhỏ để “giữ lửa” nghề cho quê hương và làm nức tiếng sản phẩm gốm quê nhà”.
Có thể kể thêm gương nông dân trẻ Lê Công Thắng với nghề làm tre, tranh dừa truyền thống ở thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh. Nhờ có nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư vừa mở mang sản xuất vừa dạy nghề cho lao động trẻ của địa phương. Với phương châm lấy thực hành làm thước đo hiệu quả học tập, chỉ trong một thời gian ngắn anh Thắng đã đào tạo thạo việc cho 20 lao động, doanh thu sản xuất mỗi năm của cơ sở đạt hơn 500 triệu đồng, riêng anh thu nhập hơn 150 triệu đồng. Hơn thế, anh Thắng đã và đang góp phần đáng kể làm sống lại một nghề đặc thù của quê hương, thu hút khách thập phương.
Một chuyên gia ngành du lịch chia sẻ, đừng nghĩ rằng, nông dân - “nhà quê” là không làm được du lịch. Ngược lại, càng giữ được chất “quê mùa”, đời thực chừng nào, càng có giá trị chừng ấy. Du khách ở các nước phát triển không thể có những hình ảnh thực tại “đời thật” như vậy. Họ đến Việt Nam là muốn hòa nhập, khám phá cuộc sống người dân, nhất là người nông dân. Không ít trong số họ còn ước ao được làm một chút, một ít, hoặc một việc nhỏ nào đó do những “bậc thầy” nông dân thực thụ truyền đạt, chỉ dẫn ngay tại chỗ.
Trong thực tế, các tour du lịch như “Một ngày làm cư dân Trà Quế”, “Một ngày làm cư dân sông nước Cẩm Thanh”, “Làm thợ gốm Thanh Hà”, “Cày ruộng cùng nông dân”, các tuyến du lịch khám phá làng quê - sông nước - biển đảo, các dịch vụ lưu trú homestay, các loại hình du lịch cộng đồng... đang ngày càng hấp dẫn du khách đến với Hội An bởi những giá trị đời thường ấy. Về với nông thôn, với những vùng ngoại ô của Cẩm Hà, Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm hôm nay... rất dễ nhận thấy những đổi thay, chuyển biến của lớp nông dân mới Hội An. Họ đang trở thành những nhà nông làm du lịch với nhiều dịch vụ sinh động, đa dạng...
Mô hình du lịch “nhà quê” ở Hội An sẽ ngày càng phát triển nếu được các cấp chính quyền và tổ chức Hội nông dân quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt. Nhất là về thủ tục đầu tư, tiếp cận chính sách ưu đãi, tăng cường liên kết để quảng bá, giới thiệu, đưa đón khách. Ngoài ra, nông dân cũng cần được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng có liên quan đến lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
ĐỖ HUẤN