Dạy tiếng Anh cho làng
Những câu thoại giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài giờ đây đã không còn xa lạ với người dân thôn Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) kể từ khi nơi đây được chọn xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng.
Người làm nên sự thay đổi đó chính là cô gái trẻ Cơ Tu - Đinh Thị Thìn (24 tuổi), con dâu của làng. Năm 2010 sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học trường Cao đẳng Đông Á (Tam Kỳ), chị Thìn về quê chồng với ước mơ làm du lịch tại địa phương. Tháng 6.2013, dự án du lịch cộng đồng làng Bhơ Hôồng khai trương, chị Thìn được bầu làm Tổ phó tổ hợp tác du lịch cộng đồng và được chọn tham gia các khóa tập huấn tiếng Anh du lịch do Văn phòng ILO phối hợp với những tình nguyện đến từ Anh và Canada tổ chức. Với giáo trình là cuốn “Tiếng Anh căn bản cho du lịch cộng đồng” được dự án cung cấp, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, học viên đủ mọi lứa tuổi trong làng lại tập trung về gươl để nghe cô Thìn dạy tiếng Anh giao tiếp. Đến nay, đa số người dân trong thôn đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với những câu thông dụng mỗi khi tiếp du khách nước ngoài. “Bà con nhiều người tuy đã lớn tuổi nhưng cũng háo hức đi học, mình vui lắm. Ban đầu bà con học tiếng Anh còn gượng, bây giờ đỡ hơn rồi. Chỉ có điều, khi gặp khách nước ngoài bà con vẫn chưa mạnh dạn giao tiếp” - chị Thìn tâm sự.
Ngoài việc dạy tiếng Anh cho đồng bào Cơ Tu, chị Thìn còn tham gia dẫn khách mỗi khi có đoàn đến tham quan làng với vai trò như của một thuyết minh viên. Giao tiếp với khách nước ngoài không chỉ giúp chị nâng cao trình độ tiếng Anh mà còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể. “Tiền dẫn khách một lần được 150 nghìn đồng, sau khi trích lại 10% cho làng, số còn lại cũng đủ chi tiêu trong nhà” - chị Thìn cho biết. Theo chị Thìn, từ khi làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng khai trương đến nay, bình quân mỗi tuần có từ 1 - 2 đoàn khách (số lượng từ 7 - 20 người) đến tham quan nên thu nhập cũng tạm ổn.
Theo anh Lương Văn Long - cán bộ Văn phòng dự án ILO tại Quảng Nam, mục đích chính của dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ theo hướng tập trung gắn với công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thông qua việc trang bị, đào tạo các kỹ năng du lịch như lưu trú, kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp... sẽ tạo cơ sở để người dân trong làng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Chị Thìn là một trong những điển hình cho sự thành công mà dự án du lịch cộng đồng tại Bhơ Hôồng mang lại” - anh Long nói.
Dù mới chỉ là bước đầu, mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu thôn Bhơ Hôồng đã hứa hẹn mang lại những thay đổi cho cộng đồng nơi đây, nhằm từng bước hướng đến cải thiện sinh kế, thay đổi nhận thức người dân góp phần biến những tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thật sự trở thành nguồn lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững.
KHÁNH LINH