Cho thôn xóm yên vui

DIỄM LỆ 30/10/2013 08:11

Làm hòa giải cơ sở giống như làm một người canh giữ trật tự xóm làng, phân định đúng - sai, giúp người dân sống hòa thuận, yên vui. Những người thực hiện chức trách này ở TP.Tam Kỳ bao năm qua đã âm thầm cống hiến, tuyên truyền, đưa pháp luật đi vào đời sống.

Các đợt tập huấn nghiệp vụ, tổ chức hội thi... giúp hòa giải viên nâng cao nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Ảnh: D.L
Các đợt tập huấn nghiệp vụ, tổ chức hội thi... giúp hòa giải viên nâng cao nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Ảnh: D.L

Giải quyết bằng cái tình

Thôn Đồng Nghệ (xã Tam Ngọc) có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua, với hơn 10ha đất của người dân nằm trong diện bồi thường giải tỏa. Vấn đề này kéo theo mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Tổ hòa giải cơ sở gồm 4 thành viên của thôn Đồng Nghệ trở nên bận rộn hơn. Vụ việc khiến tổ hòa giải khó xử nhất là tranh chấp khoản tiền bồi thường giữa cô cháu bà P.T.Y. và P.T.B.H. Mồ côi cha mẹ, từ nhỏ chị H. sống với cô và được bà Y. xem như con ruột. Khi chị H. có chồng con, bà Y. cho thửa ruộng để canh tác. Trước đây, dù đã ra ở riêng nhưng chị H. vẫn chăm lo cho bà Y. chu đáo. Đến khi thửa ruộng được bồi thường hơn 70 triệu đồng, chị H. mang qua cho cô 2 chỉ vàng nhưng bà Y. không lấy, nói để chị H. lo cho con cái, chỉ cần lo cho bà tuổi già là được rồi. Sau đó, bị tác động từ bên ngoài, bà Y. gửi đơn khiếu nại chị H., với lý do mảnh ruộng bà có “sổ đỏ” nên phải được chia ít nhất 50% khoản tiền bồi thường. Lúc này tổ hòa giải vào cuộc. Trưởng thôn Đinh Văn Tiết - Tổ trưởng tổ hòa giải cho biết: “Tổ hòa giải phải liên tục đến nhà bà Y. và cô H. để vận động bằng tình cảm, đồng thời gặp người thân của bà Y. phân tích để họ không nên tác động bà khiếu nại. Sau 2 lần mời 2 bên lên nhà thôn họp giải quyết, bà Y. đồng ý lấy 2 chỉ vàng và thêm 10 triệu đồng, chị H. cũng thuận theo ý cô, vì thế vụ việc được hòa giải thành tại cơ sở”.

Theo quy định, mỗi vụ hòa giải thành, có biên bản sự việc, tổ hòa giải được thanh toán 100 nghìn đồng thù lao. Trưởng thôn Đinh Văn Tiết - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Đồng Nghệ chia sẻ: “Khoản tiền thù lao chẳng đủ thiếu vào đâu cả, người làm hòa giải cơ sở cần có cái tâm mới làm được. Hơn 10 năm làm công tác hòa giải tôi chưa hề quan tâm đến tiền thù lao, chủ yếu vì giữ cho thôn xóm bình yên”.

Hôn nhân gia đình cũng là vấn đề các tổ hòa giải cơ sở ở Tam Kỳ vào cuộc nhiều. Như vụ vợ chồng ông H.V.V. và bà L.T.D. (khối phố Phú Sơn, phường An Phú) đã gửi đơn ly hôn đến tòa, sự việc tưởng chừng như không thể cứu vãn, nhưng giờ họ sống hạnh phúc trở lại nhờ vào tổ hòa giải cơ sở. Bà Nguyễn Thị Kim Ân - Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải khối phố Phú Sơn, nói: “Chúng tôi đến gặp gia đình hai bên của vợ chồng ông V., nhờ họ phân tích đúng - sai cho con họ hiểu. Bên cạnh đó, thành viên tổ hòa giải gặp vợ chồng họ phân tích thiệt hơn, chủ yếu xoáy vào vấn đề con cái để họ thương con mà quay lại với nhau. Nhờ thế mà thành”.

Đưa pháp luật vào đời sống

Những câu chuyện trên chỉ là hai trong nhiều vụ việc được giải quyết êm xuôi nhờ các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn TP.Tam Kỳ, góp phần ổn định trật tự xã hội tại các địa phương, giảm các vụ khiếu nại khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động của 109 tổ hòa giải ở 109 thôn, khối phố của Tam Kỳ với 777 hòa giải viên đã phát huy hiệu quả, giúp thôn xóm yên vui, gia đình hòa thuận. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 179 vụ việc, trong đó hòa giải thành 156 vụ, đang tiếp tục hòa giải 10 vụ, chuyển 13 vụ đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thông qua các vụ việc, tổ hòa giải cơ sở là kênh hiệu quả đưa pháp luật đến với người dân.

Ngày 20.6.2013, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (luật số: 5/2013/QH13) quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong đó, nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở có nội dung quy định: “Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi”... Luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2014. (L.V)

Ông Nguyễn Hồng Lai - Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ cho biết: “Đội ngũ hòa giải viên cơ sở luôn được bổ sung kiến thức pháp luật với mỗi năm 2 đợt tập huấn nghiệp vụ. Ngoài phổ biến luật, các tình huống hòa giải không thành được mang ra mổ xẻ, tìm hướng giải quyết với sự trợ sức của cán bộ tư pháp. Sau đó, vụ việc được in thành tài liệu, gửi các tổ hòa giải khác tham khảo, vận dụng để giải quyết vụ việc tại cơ sở”. Thời gian qua, Phòng Tư pháp thành phố đã phối hợp với các ngành tuyên truyền hàng trăm buổi về những nội dung mới của luật để người dân biết và thực hiện. Ngoài ra, phối hợp với Đài Truyền thanh - truyền hình Tam Kỳ và các trạm phát thanh tuyến xã, phường thực hiện hàng trăm chuyên mục truyền thanh pháp luật; tổ chức các hội thi tuyên truyền viên, hòa giải viên giỏi cấp thành phố để nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở. Để nâng cao hiệu quả, ông Nguyễn Hồng Lai còn đề xuất thí điểm thành lập tổ hòa giải trong các tộc họ, đội xe thồ tự quản. Khi ông Lai đưa ra đề xuất trên, các tộc họ ở phường An Phú rất đồng tình và đã có 4 tộc họ chuẩn bị đủ mọi điều kiện thành lập tổ hòa giải. Được biết, năm 2013 này, lần đầu tiên TP.Tam Kỳ sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng tổ hòa giải tiêu biểu cấp thành phố.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ