Thiếu nhân lực ngành y tế: "Bài toán" đã có hướng giải

PHƯƠNG GIANG 30/10/2013 07:57

Ngành y tế đang có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó, tập trung giải “bài toán thiếu nguồn nhân lực” là ưu tiên hàng đầu. Mới đây UBND tỉnh cũng đã ban hành cơ chế “thoáng” giúp ngành giải quyết vấn đề này.

Cùng với chính sách của tỉnh, ngành y tế đang nỗ lực giải “bài toán thiếu nhân lực”. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Cùng với chính sách của tỉnh, ngành y tế đang nỗ lực giải “bài toán thiếu nhân lực”. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Đâu cũng thiếu

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 6.400 cán bộ y tế, trong đó lao động y tế công lập gần 5.500 người. Năm 2013, biên chế sự nghiệp y tế được UBND tỉnh giao gần 5.900 người, trong đó các đơn vị trực thuộc tiếp nhận theo phân bổ gần 91%, số biên chế còn lại được dự phòng để tiếp nhận bác sĩ hoặc đại học chuyên ngành khác theo biên chế đã giao. Tuy nhiên theo đánh giá của ngành, nguồn nhân lực y tế công lập hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tính riêng nguồn nhân lực trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chỉ mới có 487 bác sĩ, với tỷ lệ 6,06 giường bệnh/bác sĩ. Tại các bệnh viện tuyến huyện hay bệnh viện lao, tâm thần, y học cổ truyền, tỷ lệ có thể lên đến 20 giường bệnh/bác sĩ. Tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực y tế dự phòng còn phổ biến hơn, với 23 bác sĩ tuyến tỉnh và 39 bác sĩ tuyến huyện, mới chỉ đảm bảo xấp xỉ 90% yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện tại vẫn còn thiếu bác sĩ và ê kíp có trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực như phẫu thuật thần kinh, tim mạch, sản phụ khoa, nội tiết chuyển hóa... Tại bệnh viện tuyến huyện, các trung tâm y tế, tình trạng thiếu bác sĩ chuyên sản, chuyên nhi khá phổ biến. Một số địa phương miền núi như Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn... bệnh viện tuyến huyện hoàn toàn không có bác sĩ chuyên sản hoặc chuyên nhi. Bác sĩ Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, kế hoạch của ngành đặt ra đến năm 2015 cần bổ sung khoảng 883 cán bộ y tế, trong đó có ít nhất 275 bác sĩ mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực của ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu nhân lực cần có để đảm bảo phục vụ khám chữa bệnh trong tình hình mới tại các tuyến còn cao hơn nhiều so với con số dự kiến. Bà Liên nói: “Thực trạng thiếu bác sĩ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề khá bức xúc, cần được đặc biệt quan tâm. Công tác đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ y tế cần được đầu tư hơn nữa, hoặc có chính sách đưa công tác đào tạo trên đại học, đào tạo chuyên sâu vào đề án đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú. Các đối tượng là y sĩ đang được đào tạo bác sĩ hệ tập trung 4 năm cũng cần được hỗ trợ kinh phí đào tạo để kịp thời giải quyết số lượng bác sĩ thiếu hụt hiện nay”.

Mở hướng

Trước nhu cầu bức thiết về nhân lực ngành y tế, mới đây, UBND tỉnh đã có động thái rất tích cực khi ban hành cơ chế khá “thoáng” để thu hút các bác sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ có trình độ sau đại học về làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh. Theo dự kiến, chính sách này sẽ giúp thu hút khoảng 200 bác sĩ trong thời gian từ nay đến năm 2015. Đây được xem là “cú hích” cần thiết trong giai đoạn hiện tại khi nhu cầu nhân lực đang là “bài toán” nan giải của ngành y tế. Theo thống kê, đến năm 2015, cứ 10 nghìn dân cần trung bình 45 nhân lực y tế, trong đó có ít nhất 6 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 7 cán bộ y tế có trình độ sau đại học. Do đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là nguồn bổ sung đáng kể đáp ứng yêu cầu tối thiểu về nhân lực của ngành y.

Cùng với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác đào tạo cán bộ viên chức ngành, đặc biệt là đào tạo về chuyên môn đã và đang tiếp tục được chú trọng. Từ năm 2007 đến nay, đã có 202 nhân lực ngành y được đưa đi đào tạo liên thông, đến nay đã hoàn thành và tiếp nhận trở lại 94 bác sĩ, đang tiếp tục đào tạo 90 bác sĩ tuyến y tế cơ sở. Ngoài ra, còn có các chương trình đào tạo bác sĩ chính quy hợp đồng theo địa chỉ sử dụng, đào tạo bác sĩ liên thông hợp đồng theo hình thức liên kết đào tạo với các trường đại học... “Nhu cầu đào tạo đại học, sau đại học cho nhân lực ngành y tế theo kế hoạch đến năm 2015 là 336 người và khả năng cần phải tăng thêm. Do đó, về lâu dài, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ để thu hút, phát triển và nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế” - bà Nguyễn Thị Liên cho biết.

UBND tỉnh vừa ban hành quy định tạm thời về chính sách thu hút đối với bác sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ có trình độ sau đại học (tuổi đời dưới 45; có thể trên 45 tuổi đối với: chuyên gia đầu ngành, người có nhiều kinh nghiệm…) về làm việc tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Quy định này không áp dụng đối với bác sĩ được hỗ trợ đào tạo từ ngân sách tỉnh và bác sĩ đào tạo hệ chuyên tu, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng.

Mức hỗ trợ một lần như sau: Bác sĩ  tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá: 200 triệu đồng; khá: 230 triệu đồng; giỏi: 250 triệu đồng; chuyên khoa cấp I, thạc sĩ: 300 triệu đồng; bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II: 350 triệu đồng; tiến sĩ: 500 triệu đồng. Bác sĩ về làm việc tại bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế các huyện Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, được tăng thêm 0,1 lần; Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang tăng 0,2 lần; Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang tăng 0,4 lần so với mức trên. Các đối tượng nêu trên cũng sẽ được hỗ trợ tiền mua một lô đất theo giá Nhà nước quy định (không qua đấu giá) để làm nhà ở tại địa phương nơi công tác (một lần/người) với mức 100 triệu đồng.

Chính sách này được áp dụng từ ngày 11.10.2013, cho đến khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua đề án về Cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ giai đoạn 2013 - 2015.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG