Làng nghề về đâu? - Bài 1: Qua rồi thời hưng thịnh
Trong định hướng phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2011-2015 của Sở Công Thương, “đúc đồng và ươm tơ dệt lụa là một trong những ngành nghề được khôi phục tốt, đang duy trì hoạt động và có xu hướng phát triển”. Tuy nhiên, lắng nghe người dân làng nghề tâm sự mới thấy nỗi lòng của người làm nghề đúc đồng ở Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) và dệt lụa Mã Châu (Nam Phước, Duy Xuyên) thắc thỏm như thế nào…
Bỏ nghề
Những cửa hàng bán đồ đúc đồng nổi tiếng mang thương hiệu làng nghề Phước Kiều đã không chỉ quy khu riêng ở xã Điện Phương. Đi dọc quốc lộ 1 từ Điện Phương, Điện Minh, Vĩnh Điện đều thấy nhiều cửa hàng bày bán sản phẩm đúc đồng nhưng vắng bóng người mua. Làng đúc đồng Phước Kiều một thời phát triển mạnh nay lụi tàn dần. “Làng nghề này ngày xưa giàu có nổi tiếng. Ai gánh hàng thịt, hàng cá cũng mang vào Phước Kiều vì dân ăn xài rất sang” - ông Trần Đình Trí (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương) nói. Những năm 1980-1987, làng nghề Phước Kiều được xem là hưng thịnh nhất. Lúc này cả làng đều sinh sống bằng nghề đúc đồng với đơn đặt hàng ở các huyện miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và vùng Tây Nguyên. Vậy mà hiện nay, các xưởng sản xuất cổ truyền hầu như đã đóng cửa. Chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mặt hàng đúc đồng mới mở xưởng sản xuất. Nhiều người sống trụ với nghề thu hẹp xưởng sản xuất, chỉ hoạt động khi có đơn đặt hàng.
Nghề đúc đồng Phước Kiều và dệt Mã Châu ngày càng sa sút. |
Ông Dương Ngọc Long (SN 1969, ngụ thôn Thanh Chiêm), một trong những người thợ trẻ hiếm hoi còn trụ lại với nghề đúc đồng cho biết, nếu không có bước đột phá thì chắc chắn trong vòng 10 năm nữa, làng nghề Phước Kiều sẽ không còn tồn tại. Ông Long là con trai út của cụ Dương Nhi (SN 1925), một lão làng, có tay nghề điêu luyện ở Phước Kiều. Ông Long còn kể thêm, vào năm 1980, gia đình ông có một xưởng sản xuất và thuê thêm 4 thợ cùng nhân công trong nhà gia công cả ngày lẫn đêm khi có đơn đặt hàng. “Lúc đó, lãi mỗi ngày lên đến vài trăm nghìn đồng (giá trị lớn thời đó). Đến nay, xưởng thu hẹp lại còn mình tôi làm thì hoạt động cầm chừng, mỗi ngày bình quân chỉ lấy công làm lời” - Ông Long tâm sự.
Một nguyên nhân chính dẫn đến việc làng nghề Phước Kiều chết mòn, theo nhiều người là sản phẩm từ đúc đồng truyền thống không còn được ưa chuộng nữa. “Ngày trước, khách mua hàng chủ yếu là dân tộc vùng núi nhưng nay nhu cầu của họ rất ít. Thỉnh thoảng mới đặt bộ cồng chiêng hay thanh la có giá vài chục triệu đồng” - ông Long phân tích. Từ việc nhu cầu mua không có dẫn đến sản phẩm làm ra ế ẩm nên xưởng sản xuất thu hẹp dần. Một nguyên nhân chính nữa, theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiển là số lao động theo nghề giảm dần. “Nhà nhà ở làng này không muốn con theo nghề đúc đồng mà phần lớn cho đi học. Lao động không có thì xưởng sản xuất mở ra nhiều lấy ai làm” - Ông Tiển cho hay.
Kém cạnh tranh
Nhiều cơ sở sản xuất đầu tư hàng tỷ đồng rồi phá sản. Khung cửi dệt trong tình trạng “đắp chiếu” vì hoạt động không có hiệu quả. Làng nghề Mã Châu cũng đứng bên bờ vực bị xóa sổ sau một thời vang bóng. Đến làng dệt Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), không khó để tìm ra những xưởng sản xuất đã dừng hoạt động lâu ngày, khung cửi nhện bám đầy.
Theo ông Nguyễn Kỳ – Tổ trưởng tổ 1 (khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước), từ sau năm 1975, làng nghề dệt đã chết đi sống lại nhiều lần. Vào thời điểm hiện tại thì làng nghề chỉ còn hoạt động cầm chừng. “Dân làng dệt Mã Châu vốn sống bằng nghề dệt, không có đất sản xuất nên bỏ nghề thì chết đói. Xưởng có sẵn thì cũng phải bỏ công ra làm lời, mưu sinh qua ngày thôi” - Ông Kỳ cho hay. Theo lời ông Kỳ, vào năm 1980, cả làng dệt có hơn 7.000 máy dệt bằng gỗ nhưng hiện nay con số này chỉ còn lại 500. Từ năm 1990 - 2000, xưởng sản xuất của gia đình ông Kỳ mỗi ngày lãi bình quân khoảng 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện nay, tiền lãi mỗi ngày của vợ chồng ông dệt trong 8 tiếng chỉ còn 70 nghìn đồng, chỉ đủ mua thức ăn sống tạm.
Còn ông Trần Túc (khối phố Hòa Mỹ, thị trấn Nam Phước) hiện phải nợ ngân hàng số tiền 500 triệu đồng. Ông Túc cho biết phải cố gắng lắm gia đình ông mới gồng gánh để giữ lại được ngôi nhà sau khi vỡ nợ vì đầu tư xưởng dệt. Năm 2000, ông Túc vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở xưởng dệt lớn. Từ khi mở đến năm 2007, xưởng của ông sản xuất ổn định, lãi đủ trả lãi suất ngân hàng. Đến giai đoạn 2008-2011 thì xưởng bắt đầu gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng quá cao. Ông nói: “Sản xuất ra bấy nhiêu chưa đủ nuôi lãi ngân hàng nên năm ngoái tôi quyết định bán xưởng để trả nợ”. Sau khi bán xưởng và thu vén số của cải dành dụm được, ông trả được một ít nợ và đầu tư vào tiệm internet. Từ đó đến giờ tiền gốc vẫn còn nợ là 500 triệu đồng. “Không biết đến khi nào mới trả hết số nợ này đây” – Ông Túc thở dài.
“Mạnh ai nấy kinh doanh” Ông Trần Đình Trí (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương) cho rằng, làng nghề mai một và kém hưng thịnh cũng do làm ăn cá nhân, hoạt động không đoàn kết. Ông Trí đưa ra ví dụ là nhà truyền thống của làng Phước Kiều nằm ngay quốc lộ 1, thuộc thôn Thanh Chiêm nhưng quanh năm cửa đóng then cài. “Mạnh ai nấy kinh doanh. Ai hoạt động được thì sống còn không thì chết” - ông Trí nói. Ngoài ra, cũng theo ông Trí, một số cơ sở tư nhân trong làng nghề còn có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Cửa hàng bán sản phẩm thì đề danh Phước Kiều nhưng thực chất là mua lại từ nguồn hàng ở Thừa Thiên Huế, Bắc Giang hay TP.Hồ Chí Minh. Vậy là Phước Kiều chỉ còn một cái tên để “đánh bóng” sản phẩm làm ra, từ đây có thể hiểu, uy tín và chất lượng sản phẩm sẽ dần bị xuống cấp. |
Không chỉ riêng ông Túc, một số người mở xưởng sản xuất lớn ở Mã Châu đều lâm vào tình trạng vỡ nợ, phải bán nhà. Khốn khổ nhất phải kể đến là doanh nghiệp tư nhân Thái Dương. Chủ doanh nghiệp này hiện tại đã bán tất cả tài sản hiện có ở Duy Xuyên để vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Theo ông Túc, số nợ doanh nghiệp này phải trả ngân hàng lên đến gần 5 tỷ đồng. Ông Túc nói, nguyên nhân dẫn đến sự lụi tàn ở làng dệt chủ yếu là không có sự hỗ trợ của nhà nước. Ngành dệt đòi hỏi vốn lớn để mở rộng nhưng phải chịu lãi suất quá lớn khi vay khiến doanh nghiệp kiệt sức. Thêm vào đó, nhân công ngành dệt hiện nay rất khó kiếm bởi do thu nhập ít nên thợ đã chuyển sang làm công nhân may mặc. “Doanh nghiệp mở xưởng sản xuất những tưởng giải quyết việc làm cho lao động nhưng đến nay phải nói là lao động đang giải quyết việc làm cho doanh nghiệp” – ông Túc phân tích. Đỏ mắt tìm không ra lao động nên các doanh nghiệp dệt cũng chết dần, chết mòn.
Còn theo ông Nguyễn Kỳ, sản phẩm từ làng dệt ít được ưa chuộng trên thị trường bởi không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Trong khi hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, giá thành lại rẻ hơn khiến mặt hàng của Mã Châu bị ế ẩm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa được nhiều người ở làng nghề nhận định là nguyên liệu nhập về để sản xuất là sợi thì phải mua với giá thành cao, mua xong trả tiền tươi. Ngược lại, sản phẩm bán ra thì trao hàng trước rồi chờ lấy tiền sau nên ngành dệt vì thế mà đuối sức.
LÊ QUÂN - THỤC ANH