Đưa bơi lội vào trường học
Điện Bàn là địa phương có địa hình thấp trũng, hàng năm đến mùa mưa lũ thường xảy ra tai nạn đuối nước, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Đưa bơi lội vào giảng dạy như một hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để có thể tự cứu mình khi gặp nạn là cách làm hay của huyện Điện Bàn thời gian qua.
Điện Bàn là một trong số ít địa phương đưa môn bơi lội vào giảng dạy trong trường học như một môn ngoại khóa.Ảnh: V.LỘC |
Cuối năm 2010 huyện Điện Bàn khánh thành đưa vào hoạt động bể bơi đầu tiên tại Trung tâm VHTT huyện (thị trấn Vĩnh Điện). Bể bơi có độ sâu 1,1 - 1,8m, chiều dài 25m, gồm 5 làn bơi, kinh phí xây dựng gần 3 tỷ đồng, trở thành một trong số ít hồ bơi trong tỉnh đạt chuẩn theo quy định. Đầu năm 2011, với nguồn kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng từ Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm VHTT huyện đã phối hợp với trường THCS Võ Như Hưng (xã Điện Nam Trung) mở lớp đào tạo bơi lội cho 400 học sinh của trường. Đều đặn 4 buổi/tuần, học sinh trường Võ Như Hưng được huấn luyện viên đến từ trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng và Trung tâm VHTT huyện hướng dẫn các kỹ thuật bơi ếch, tường, sấp và “kỹ năng sống sót trong môi trường nước khi gặp nạn”. Kết quả, sau 3 tháng tập luyện, hầu hết học sinh đã nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản của bơi lội và có thể “tự nổi” được trên mặt nước trong khoảng thời gian nhất định.
Theo ông Phạm Văn Ba - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Điện Bàn, việc triển khai khóa học không chỉ giúp các em học sinh cách tự bảo vệ mình mà còn đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của phụ huynh và ngành giáo dục huyện nhằm sẵn sàng ứng phó với thiên tai lũ lụt hằng năm. Tính đến nay, Trung tâm VHTT Điện Bàn đã phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài tỉnh như Văn phòng Chống biến đổi khí hậu Quảng Nam, Tổ chức Swim Việt Nam… dạy bơi cho hơn một nghìn học sinh các khối từ lớp 3 đến lớp 7 của 10 trường nằm ở các địa phương thấp lụt trên địa bàn huyện như xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Thọ, Điện Phước… “Sở dĩ chúng tôi chỉ tập trung luyện tập bơi lội cho học sinh 2 khối tiểu học và THCS vì đây là những lứa tuổi đối diện với nguy cơ tai nạn đuối nước cao nhất” - ông Ba giải thích.
Qua gần 3 năm triển khai, nhiều học sinh sau khi tham gia các khóa học, không chỉ biết bơi mà còn đạt được kết quả cao tại các Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh như Lê Văn Trường (học sinh trường THCS Phan Châu Trinh, Điện An) Huy chương Vàng nội dung 50m bơi ếch năm 2011; Nguyễn Hữu Hải (trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Điện Thắng) Huy chương Vàng 50m tự do, Huy chương Bạc 100m bơi ếch tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2012, tham gia đội tuyển tỉnh tham dự Hội khỏe Phù Đổng khu vực miền Trung tại Huế năm 2012... |
Ông Dư Văn Bình - chuyên viên phụ trách công tác hoạt động ngoài giờ, Phòng GDĐT huyện Điện Bàn cho rằng, trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh cấp tiểu học và THCS là vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục huyện thời gian qua nhằm phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành phổ cập bơi lội cho thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, đến nay Điện Bàn đã đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi tại 3 khu vực trọng điểm của huyện. Ngoài bể bơi tại Trung tâm VHTT Điện Bàn, 2 bể bơi còn lại được đặt tại xã Điện Thắng Trung và xã Điện Trung. “Bể bơi Trung tâm VHTT huyện sẽ đảm trách vai trò huấn luyện, dạy bơi cho thanh thiếu niên và học sinh lớp 3 - 7 của các xã Điện Phương, Điện Minh, Điện An và thị trấn Vĩnh Điện. Bể bơi trong khuôn viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Điện Thắng Trung) sẽ dành cho thanh thiếu niên và học sinh các xã Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam và một bộ phận học sinh của xã Điện Ngọc tập luyện. Còn bể bơi khuôn viên trường THCS Lê Đình Dương (Điện Trung) dành cho học sinh tiểu học và THCS 3 xã Gò Nổi là Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang” - ông Bình cho biết.
Các bể bơi ngoài việc bố trí giáo viên, cộng tác viên có chuyên môn giảng dạy bộ môn bơi lội còn có nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế… thường xuyên túc trực, đảm bảo hồ bơi hoạt động an toàn. Ông Bình cho biết, do môn bơi lội vẫn chưa được đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, các trường chỉ tổ chức dạy bơi cho học sinh trên cơ sở vận động phụ huynh tự nguyện cho con em tham gia, nên ngoài những lớp học có tài trợ kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ, việc thu phí là điều cần thiết để duy trì hoạt động. “Ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo chi lương đối với giáo viên, nhân viên cứu hộ, bảo vệ, còn các khoản như duy tu bảo dưỡng, thay nước, mua sắm, bổ sung trang thiết bị… phải lấy từ nguồn đóng phí của người học” - ông Bình nói.
Việc huyện Điện Bàn “phổ cập” bơi lội và xem như môn học ngoại khóa bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, không chỉ góp phần hạn chế tai nạn đuối nước trong học sinh mà còn phù hợp với chủ trương chung của UBND tỉnh trong chiến lược phát triển của ngành thể dục thể thao và ngành GDĐT những năm đến.
VĨNH LỘC