Chủ nhân giải thưởng văn học Đông Nam Á 2013
Nhà văn Thái Bá Lợi (Việt Nam) vừa được Hoàng gia Thái Lan trao tặng Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 2013 (S.E.A Write Award 2013) với cuốn tiểu thuyết: “Minh sư” (còn có phụ đề Chuyện Nguyễn Hoàng Mở Cõi).
Nhà văn Thái Bá Lợi. |
“Minh sư” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Thái Bá Lợi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Phương Nam phát hành vào năm 2012. Cuốn sách dày 400 trang được tác giả viết trong thời gian 5 năm (từ 2004 - 2009) tại một trang trại dưới chân núi Bà Nà (Đà Nẵng). Cuốn tiểu thuyết xoay quanh một giai đoạn lịch sử bi hùng của nhà Nguyễn, khi chúa Nguyễn Hoàng mở cõi về phương Nam, khởi đầu triều đại kéo dài 9 đời chúa và 13 đời vua. Theo chân nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng, tác giả Thái Bá Lợi đã “hồi cố” lại những sắc màu văn hóa của một dải đất dài nhất trên bản đồ địa lý Việt Nam thuở còn sơ khai. Kể chuyện lịch sử nhưng Thái Bá Lợi lồng “Minh sư” vào không gian hiện đại. Đó là không gian mà ông, một cử nhân sử học tham gia kháng chiến ở chiến trường B2 đầu những năm 1970, để từ đó dựng lại thời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Quảng Nam ở thế kỷ XVI.
Theo Thái Bá Lợi, minh sư nghĩa thông thường là người thầy sáng suốt. Theo Phật giáo, bậc minh sư là những người tu hành có đủ phương tiện để giáo huấn đệ tử và những người đến học đạo một cách rành rẽ, chính xác, minh bạch, không sai lạc. Trong tiểu thuyết này, qua Nguyễn Hoàng, khái niệm minh sư được mở hơn. Không chỉ có những người gần gũi, người nói hợp với lòng ta mà cả những ai nói điều trái ý, người muốn hại hay kẻ thù của ta đều có thể là bậc thầy sáng suốt. Ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều...Ví như, tiểu thuyết có chi tiết Nguyễn Hoàng nói với hai tên lính gác đang bàn tán về ông với những lời bất kính: “Các anh đã nhắc ta biết một sự thật ta có thể quên thì đó là minh sư của ta”.
Phát biểu tại lễ nhận thưởng, nhà văn Thái Bá Lợi đã nói: “Nhân loại luôn hướng đến các giá trị chân thiện mỹ trong dòng tiến hóa của mình, cho dù người ta sống ở thời đại và không gian địa lý nào… Với tư cách là người cầm bút, nhà văn phải tin tưởng vào điều này để tạo ra cảm hứng sáng tạo. Trên hành trình đó, những nhà văn bằng công việc của họ sẽ góp phần làm giảm đi cái ác, và xiển dương điều thiện. Đó là hạnh phúc của mỗi nhà văn”. Còn theo các nhà phê bình văn học, với nhân vật nòng cốt của tiểu thuyết “Minh sư”, Nguyễn Hoàng được xem như vĩ nhân, luôn xem độc lập dân tộc là nền tảng tư tưởng. Cùng nhiều tác phẩm văn học khác, “Minh sư” chảy trong dòng văn học suy nghiệm lịch sử (cả những truyền thuyết dã sử trong nhân gian) mà nhân vật, sự kiện lịch sử được tái hiện, cắt nghĩa và lý giải với trường liên tưởng rộng vô cùng, làm nên sức hấp dẫn cho tiểu thuyết. Hiện tại các đối tượng đó cùng với các sự kiện quốc gia đại sự không chỉ là mối quan tâm của các tiểu thuyết gia lịch sử, mà còn là đối tượng quan tâm của toàn xã hội Việt Nam đương đại.
QUỐC HƯNG