Vùng cao chủ động lương thực

BÍCH HẠNH 24/10/2013 13:14

Mấy năm gần đây, nhờ chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ, các địa phương vùng cao không còn xảy ra tình trạng đứt bữa ngay cả mùa giáp hạt, bão lũ hoành hành.
“No tại chỗ”

Cơn bão số 11 càn qua các xã vùng cao của huyện Nam Trà My. Những xác xơ vẫn còn hiện hữu trên con đường dẫn vào trung tâm các xã và nhiều nóc, làng hẻo lánh. Vào mưa bão, các xã Trà Nam, Trà Linh, Trà Vân, Trà Don (Nam Trà My) thường bị chia cắt do sạt lở núi, đất đá tràn ra đường, gây ách tắc giao thông. Trước đây, để có cái ăn hằng ngày, đồng bào sống biệt lập ở các làng phải băng rừng vượt suối mới có thể gùi gạo, thực phẩm từ nơi khác về. Rút kinh nghiệm, ngay từ đầu tháng 9, tất cả các xã thuộc huyện đã hoàn tất việc xây dựng kho thóc, gạo tại địa bàn. Thời điểm này, kho dự trữ của mỗi địa phương chứa ít nhất 3 tấn, chủ yếu ứng cứu khẩn cấp cho những gia đình nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa. Tuy nhiên, vì không muốn phụ thuộc quá nhiều vào kho gạo của xã, nhiều thôn ở các xã Trà Vân, Trà Linh, Trà Don còn vận động nhân dân tiết kiệm, tích góp thóc gạo để “ấm cái bụng” vào mùa đông giá rét. Tại thôn 3 – xã Trà Don, ngoài “kho thóc tình thương” của dân, tại nhà thôn bồ chứa thóc gạo đã đầy. Ở xã Trà Linh, Trà Nam, các đoàn thể, hội còn vận động xây dựng “kho thóc tình thương” riêng. Bà Hồ Thị Ba (thôn 3, xã Trà Don) nói: “Mấy mùa giáp hạt trước, khi hết gạo ăn, mình phải cắt rừng, lội hơn nửa ngày qua nhiều con suối chảy xiết mới đến được trung tâm thị trấn Tắc Pỏ đổi mua gạo, thực phẩm về, nhưng từ ngày có kho thóc tại chỗ, nhà mình không còn sợ cảnh đứt bữa nữa”.

Đến thời điểm này, gạo cứu trợ đã chuyển lên hết các địa phương vùng cao. Ảnh: B.H
Đến thời điểm này, gạo cứu trợ đã chuyển lên hết các địa phương vùng cao. Ảnh: B.H

Ông Lê Thanh Hưng – Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy phòng chống bão lụt huyện Nam Trà My khẳng định: “Hai năm trở lại đây, đồng bào hầu như đẩy lùi cái thiếu đói, hoặc ăn sắn thay cơm. Trường hợp nào khốn khó, chính quyền thôn, người dân địa phương nắm rất rõ nên đến ứng cứu, hỗ trợ kịp thời”. Theo ông Hưng, hiện nay học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đang theo học thuộc diện nội trú trên địa bàn đều được tạo điều kiện tốt nhất, tuyệt đối không để một trường hợp nào phải đứt bữa. “Việc đưa gạo đến cơ sở đã triển khai hoàn thành từ cuối tháng 8. Đến nay, trường THPT Dân tộc nội trú của huyện đã cấp 4 tấn gạo, 7 trường nội trú còn lại bình quân được nhận 1,2 tấn gạo. Các kho gạo, kho thóc tình thương đã thực sự giúp bà con giữ no tại chỗ rất tốt” – ông Hưng thông tin.

Hiện nay đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Cơ Tu tại các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn đều xây dựng “kho thóc tình thương”. Tại trung tâm huyện lỵ Nam Trà My, công trình chứa lương thực xây dựng hơn 1 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay.

Tương tự, các kho dự trữ lương thực ở các xã khu 7 Tây Giang (sát biên giới Việt - Lào) cũng đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết an ninh lương thực tại chỗ. Tháng 10, liên tiếp 2 cơn bão và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhưng đồng bào Cơ Tu vẫn thừa gạo ăn. Cuối mùa rẫy, mỗi hộ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang thường mang trên dưới 10kg thóc đến Cr’lăng haroo cr’miêh (kho thóc tình thương) đóng vào “quỹ thóc gạo”. Ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, việc dự trữ lương thực của địa phương đã triển khai trước mưa bão, các “kho thóc tình thương” chứa 12 tấn gạo. Ngoài ra, các cơ sở, đại lý kinh doanh buôn bán trên địa bàn còn dự trữ lượng hàng hóa lớn dư sức đáp ứng cho đồng bào ngay trong điều kiện mưa lũ chia cắt nhiều ngày.

Hạn chế rủi ro

Dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm ngoài mục đích đảm bảo cái ăn còn giúp đồng bào hạn chế thấp nhất rủi ro về thiệt hại tính mạng. Thực tế, những năm trước đây đã có những vụ tai nạn thương tâm khi đồng bào cắt rừng đến địa bàn khác mua lương thực trong điều kiện thời tiết xấu. Ông Phạm Thế Quyền – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trên địa bàn có hàng nghìn công nhân khai thác vàng, xây dựng các công trình thủy điện, đường giao thông nên việc ăn ở, đi lại trong mùa mưa bão cũng đặt ra nhiều mối lo cho địa phương. Trong 9 tháng đầu năm, chính quyền đã trực tiếp cấp phát 85 tấn gạo cứu đói về cho các xã, thị trấn. Toàn bộ số gạo hiện đã chuyển đến cơ sở. Tại các xã vùng cao như Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim (Phước Sơn), số thóc gạo dự trữ trong nhân dân, cộng với các điểm kinh doanh buôn bán đủ đáp ứng cho người dân ngay cả mưa bão cô lập hàng tuần.

Trong khi đó, theo Ban Dân tộc tỉnh, mô hình “kho thóc tình thương” sắp đến sẽ được đơn vị nghiên cứu, khảo sát, hỗ trợ đầu tư cho các xã có địa bàn hiểm trở, dễ bị cô lập khi xảy ra mưa bão. Ngoài mở rộng số lượng kho thóc, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương đánh giá lại hiện trạng của các công trình cũ xuống cấp để có biện pháp xử lý. Thêm vào đó, vận động những người có uy tín ở địa phương tập hợp nhân dân có ý thức tích cóp lương thực đề phòng các tình huống bất trắc xảy ra.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH