Lại "sốc" vì bị nghe lén

Q.H 23/10/2013 14:16

Chính phủ các nước ở châu Mỹ như Brazil, Venezuela, Ecuado và kể cả nhiều chính phủ châu Âu (mới đây nhất là chính phủ Pháp và Mexico) đã tỏ ra giận dữ, đòi Washington giải thích trước thông tin họ đã bị nghe lén.  

Thông tin vừa được loan tải trên tờ Der Spiegel của Đức, tài liệu do “người thổi còi” Edward Snowden - cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ hiện đang lưu vong tại Nga cung cấp về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) xâm nhập thư điện tử (e-mail) của cựu Tổng thống Mexico, Felipe Calderon và nghe lén điện thoại của đương kim Tổng thống Enrique Pena Nieto khi ông còn là ứng viên tổng thống. Bộ Ngoại giao Mexico cho đây đây là hành động “không thể chấp nhận, bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp của Mexico cũng như luật pháp quốc tế”, yêu cầu Mỹ phải giải thích hành động này, đồng thời thúc giục Tổng thống Mỹ Barack Obama điều tra đầy đủ vụ việc.

Ngoại trưởng Pháp tức giận vì công dân Pháp bị nghe lén.                               Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Pháp tức giận vì công dân Pháp bị nghe lén. Ảnh: AFP

Trong khi đó, theo tiết lộ của báo Le Monde, một tờ báo rất có uy tín tại Pháp đã xác nhận: Cơ quan NSA đã chặn giữ một cách có hệ thống các dữ liệu mà công dân Pháp trao đổi qua điện thoại. Dữ liệu gây “sốc” thông tin trong vòng 30 ngày (10.12.2012 - 8.1.2013) đã bị NSA ngăn chặn và sao chép, lưu trữ đến 70,3 triệu dữ liệu liên quan đến các trao đổi này. Thậm chí, NSA tự động dò tìm các cuộc điện thoại cụ thể ở Pháp, xem lén tin nhắn điện thoại trong chương trình có mật danh US-985D. Vụ việc cho thấy cơ quan tình báo Mỹ không chỉ quan tâm đến những người bị tình nghi có quan hệ với các thành phần khủng bố, mà còn chú ý đến cá nhân trong các địa hạt kinh doanh, chính trị, hoặc viên chức chính quyền Pháp. Ngoài ra, Edward Snowden đã tiết lộ rằng NSA và Cơ quan tình báo Mỹ đã do thám một cách có hệ thống trên quy mô toàn cầu.

Lập tức, chính phủ Pháp lên tiếng phản đối. Trong lúc bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Manuel Valls yêu cầu Washington phải giải thích thì Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu mời đại sứ Mỹ lên để phản đối. Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố nếu quả đúng như những gì mà tờ Le Monde đăng tải thì “Cách hành xử như vậy giữa các nước là đối tác với nhau, xâm phạm đến đời tư cá nhân là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, cần phải nhanh chóng đảm bảo không được tái diễn”. Trong một cuộc điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định “đó là chuyện không thể chấp nhận giữa những người bạn và các đồng minh”.

Xưa nay, Edward Snowden vẫn được xem như “kẻ tội đồ” của Mỹ, đã phanh phui ra sự việc gây sốc cho các nước. Theo các nhà phân tích, những người thật sự phẫn nộ là dân chúng Pháp, bởi chính phủ Pháp cũng từng bị cáo buộc hành động giám sát điện thoại và internet tương tự đối với Mỹ. Đã thế, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại biện minh rằng: “Hiện nay có rất nhiều nước tham gia hoạt động giám sát với mục đích bảo vệ người dân, đó là một công việc rất phức tạp và đầy thách thức... bởi vì có rất nhiều người ngoài kia đang tìm cách gây hại cho người dân”.

Còn nhớ, cũng chính vì tức giận bị nghe lén, nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến công du đến Washington vào tháng 10 này trong bối cảnh 2 nước đang có căng thẳng xung quanh cáo buộc NSA nghe lén, đọc trộm thư điện tử và tin nhắn được gửi đi từ bà Rousseff, các trợ lý của bà và Công ty Dầu khí quốc gia Petrobras.

 Q.H

Q.H