Cấp thiết kè biển Cửa Đại

QUỐC HẢI 22/10/2013 08:14

Thành phố Hội An hiện có hơn 7km bờ biển nhưng từ năm 2009 đến nay, tình trạng mất đất do biển xâm thực đã liên tục xảy ra. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp bảo vệ bờ biển ngày càng trở nên cấp thiết.

Nỗ lực kè tạm chắn sóng tại bờ biển Cửa Đại. Ảnh: QUỐC HẢI
Nỗ lực kè tạm chắn sóng tại bờ biển Cửa Đại. Ảnh: QUỐC HẢI

Năm nào cũng lở

Năm năm qua, phường Cửa Đại có 3km bờ biển thì đã có hơn 1km lở sâu vào đất liền. Ngoại trừ khu vực các khách sạn Victoria và Cát Vàng đã đưa vào sử dụng, khu vực các dự án xây dựng khu du lịch sinh thái biển của Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An, Công ty Đông Dương, IOC, Vinpearl đều bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, đất dự án của Công ty CP Du lịch-dịch vụ Hội An trên 7ha, dự án Đông Dương 5,5ha đã bị biển xâm thực gần hết. Đặc biệt, biển đã ăn sâu, phá nát vỉa hè trục đường Âu Cơ, từng có nguy cơ mở ra một cửa biển mới. Ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết: “Năm nào mùa biển động người dân cũng thật sự lo sợ tình trạng này. Với khả năng của mình, địa phương vận động các lực lượng dùng bao tải kè tạm các khu vực xung yếu”.

Hai năm trước, một đoạn dài hơn 1km dải bờ biển Cửa Đại bị nước biển “liếm” sát khu đất xây dựng các dự án du lịch. Tại dự án IOC, chủ đầu tư phải dùng bao cát loại lớn chất chồng cao hàng chục mét, dài hơn 100m để chống sóng biển và làm rọ đá hộc bao bọc xung quanh nhằm che chắn cho công trình. Dự án Vinpearl đang xây dựng các hạng mục khách sạn và căn hộ, chủ đầu tư xây dựng kè bê tông bằng đá hộc để ngăn sóng biển đã vỗ mạnh vào sát chân công trình. UBND TP.Hội An và chủ đầu tư các khu du lịch ven biển đã từng huy động trên 1.000 lượt người cùng hàng chục phương tiện gia cố những điểm xung yếu bằng các tấm bê tông ngăn sóng, các ống cống và bao cát để giảm lực cản của sóng nhằm hạn chế bờ kè tiếp tục xói lở thêm. Thành phố đã yêu cầu các chủ dự án phải triển khai thi công đồng bộ với kỹ thuật kè mềm bảo vệ khu đất, đồng thời có phương án khai thác cát sử dụng, không hút cát biển tại chỗ.

Trước đòi hỏi cấp thiết về việc bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại 2 phường Cẩm An và Cửa Đại với tổng chiều dài tuyến kè 7.600m, chia thành hai đoạn. Đoạn Cửa Đại dài 3.370m gồm 224 phân đoạn chính, mỗi phân đoạn dài 15m và một phân đoạn lẻ dài 10m. Đoạn Cẩm An dài 4.230m, gồm 282 phân đoạn, mỗi phân đoạn dài 15m. Tính đến tháng 9 năm ngoái, đã có 542m kè biển tại phường Cửa Đại được thi công hoàn thành với kinh phí đầu tư 35 tỷ đồng. Tháng 7 năm nay, thành phố cũng đã hoàn thành, nghiệm thu giai đoạn 2 khu vực xung yếu công trình kè bảo vệ bờ biển Cửa Đại có chiều dài 184m với kinh phí thi công 12 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển đông hải đảo.

Phải kè kiên cố

Theo người dân địa phương, do cả tuyến bờ biển Cửa Đại chưa được kè đồng bộ nên nguy cơ tiếp tục bị biển xâm thực và sóng đánh hỏng tuyến kè đã làm là rất lớn. Thực tế, chỉ sau 2 cơn bão số 10 và 11 vừa qua, hơn 130m bờ biển nằm giữa 2 dự án du lịch đang thi công là Fusion ALYA và Vinpearl đã bị biển xâm thực vào sâu trong đất liền hơn 15m. Tại khu du lịch Fusion ALYA đang thi công, hàng trăm mét tường kè bị sụt lún do sóng lớn quật vào. Thậm chí, có đoạn tường kè bị sạt lở nặng, đơn vị thi công đã cấp tốc chèn tạm bằng bao tải. Riêng đoạn bờ biển dài hơn 100m nằm giữa 2 khu du lịch Cát Vàng và Sunrise, khu vực dự kiến sẽ xây dựng bãi tắm đã bị biển xâm thực 15 - 20m từ sau cơn bão số 10. Sau cơn bão số 11, đoạn này tiếp tục bị sạt lở, chỉ còn cách đường Âu Cơ 40m.

Ngay trước cơn bão số 10, TP.Hội An huy động hơn 500 đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 5 đã đóng và vận chuyển 15.000 bao tải cát để chắn sóng tại đoạn bờ biển sát với dự án du lịch Fusion ALYA. Có mặt tại đây trong chiều 14.10, trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền, ông Nguyễn Long - cán bộ Phòng Kinh tế, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.Hội An cho biết: “Lực lượng phối hợp với thanh niên ra quân kè đoạn 137m. Chỉ tạm thời, trước mắt thôi, lâu dài cấp trên cần đầu tư làm kè kiên cố mới chắn sóng được”.

Ngay từ đầu năm 2013, Phòng Kinh tế Hội An đã lập một phương án kè chắn sóng cho đoạn bờ biển dài hơn 130m nằm giữa 2 dự án Fusion ALYA và Vinpearl với kinh phí gần 900 triệu đồng. Dự kiến sẽ tiến hành đóng cọc tre, bỏ rọ đá, rải vải lọc với 30 nghìn bao tải cát. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí nên phương án chưa được triển khai. Trực tiếp chỉ đạo công tác gia cố, kè chắn sóng tại đoạn xung yếu này trong những ngày qua, ông Kiều Cư - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An, nói: “Cái này rất quan trọng, là điểm xung yếu. Tình trạng bây giờ hết sức bị động. Hiện chưa có kinh phí chứ nếu có vừa rồi kè luôn thì tốt biết mấy. Chỉ một cơn bão thôi đã sạt lở vô mười mấy hai mươi mét nên chỗ này hết sức nguy hiểm, nếu không khéo cả dãy khách sạn ni “đi” hết. Lâu dài thành phố phải tìm nguồn kinh phí kè chắc đoạn này”. Hy vọng với nỗ lực của cả cộng đồng, đặc biệt là việc lập dự án, tranh thủ các nguồn đầu tư để xây dựng toàn bộ tuyến kè bờ biển còn lại sẽ ngăn chặn tình trạng biển xâm thực thường xuyên tại Cửa Đại.

QUỐC HẢI

  • Đề nghị bố trí 150 tỷ đồng cho kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An
  • Hoàn thành công trình kè biển Cửa Đại

QUỐC HẢI