Khắc phục hậu quả bão số 11: Giá vật liệu thiết yếu không tăng

H.LIÊN - VĂN SỰ 21/10/2013 12:28

Bão số 11 đi qua địa bàn Quảng Nam khiến hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Mặc dù nhu cầu sử dụng các loại tôn lợp, dây kẽm, đinh rất lớn nhưng những loại mặt hàng thiết yếu này không tăng như các năm trước,  một số cơ sở kinh doanh còn giảm giá để chia sẻ một phần khó khăn cho người dân…

Sau bão, nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng giá tôn không tăng khiến người dân đỡ phần gánh nặng.
Sau bão, nhu cầu tiêu thụ rất lớn nhưng giá tôn không tăng khiến người dân đỡ phần gánh nặng.

Nhu cầu lớn

Do nằm gần nhánh sông Thu Bồn, lại có ít cây cối chắn gió nên ngôi nhà của ông Nguyễn A ở thôn Thi Lai (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) bị thiệt hại rất nặng. Ông A nói: “Gió bão mạnh quá khiến toàn bộ 14 tấm tôn phờ rô xi măng trên mái nhà của tôi bị vỡ nát, rơi vãi khắp nơi. Mấy ngày nay, vừa chạy đôn chạy đáo mượn người sửa nhà, tôi cũng phải lo đi mua tôn về lợp lại mái chứ nếu chậm trễ lỡ hết hàng thì cả gia đình không có chỗ ăn ở. Hơn nữa, nếu bão và lũ lại tiếp tục ập đến thì chẳng biết tránh trú nơi mô”. Không riêng vợ chồng ông Nguyễn A, cơn bão số 11 càn qua, ngoài 476 ngôi nhà bị sập đổ nghiêm trọng thì tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn có 27.355 ngôi nhà khác bị tốc mái nặng, trong đó có gần 9.800 căn nhà tốc mái hoàn toàn. Ngay sau khi bão tan, nhân dân khắp nơi khẩn trương khắc phục hậu quả.

Hàng chục nghìn gia đình đang khẩn trương sửa lại nhà cửa.
Hàng chục nghìn gia đình đang khẩn trương sửa lại nhà cửa.

Trong 2 ngày cuối tuần qua, dạo quanh các nhà máy tôn, xà gồ lớn ở huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn, Thăng Bình, Đại Lộc như Trường Thịnh 2, Nguyễn Đình Chi, Năm Đê, Lan Truyền... chúng tôi thấy rất nhiều người dân đứng xếp hàng chờ mua tôn về sửa lại mái nhà khi thời tiết đang thuận lợi. Sáng qua 20.10, hì hục lôi 6 tấm tôn lạnh loại 2,5m ra khỏi nhà máy tôn xà gồ Trường Thịnh 2 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) đưa lên xe bò kéo về, ông Trần Hữu Quang (thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) nói: “Sáng nay tôi thức dậy từ lúc 5 giờ, vội vã kéo xe bò ra đây chứ mấy ngày qua người ta mua quá nhiều nên không chen chân nổi. Chừ đưa tôn về là tôi mượn người lợp lại ngay để có chỗ cho gia đình sinh hoạt”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần một tuần sau bão Nari, cơ sở tôn xà gồ Trường Thịnh 2 và nhiều điểm kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh đã bán ra hàng trăm nghìn mét tôn các loại, trong đó tôn màu là loại được người dân ưa chuộng nhất...

Nhiều doanh nghiệp vẫn bán tôn theo giá đã niêm yết cách đây hơn 3 tháng.                                         Ảnh: Thành Sự
Nhiều doanh nghiệp vẫn bán tôn theo giá đã niêm yết cách đây hơn 3 tháng. Ảnh: Thành Sự

Không sốt giá

Nhiều suất quà cho nhân dân bị ảnh hưởng bão số 11

Sáng 19.10, tại UBND xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh Đoàn hỗ trợ 500 suất quà cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 11. Mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng, bao gồm tiền mặt và thuốc men điều trị các bệnh đau mắt, ngoài da. Ngoài ra địa diện Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh và Tỉnh Đoàn cũng trao 700 suất quà cho 700 hộ gia đình vùng B Đại Lộc bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhằm bước đầu hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả bão lũ.

Đại diện Báo Tiền phong trao quà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 11 ở xã Duy Hải.                                                   Ảnh: VĂN SỰ
Đại diện Báo Tiền phong trao quà cho các hộ dân bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 11 ở xã Duy Hải. Ảnh: VĂN SỰ

* Đại diện Báo Tiền Phong vừa đến xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) trao 10 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho các hộ dân bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 11 vừa qua nhằm giúp đồng bào sớm ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, đêm 14 và sáng 15.10 bão số 11 đổ bộ khiến địa phương này bị thiệt hại rất lớn. Theo thống kê toàn xã có gần 800 ngôi nhà bị sập, tốc mái. Ngoài ra, Trường Tiểu học, trường Mầm non và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu khác cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.

H.LIÊN - VĂN SỰ

Mặc dù người dân đổ xô đi mua tôn và các loại vật liệu thiết yếu khác rất nhiều nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì những ngày qua giá vẫn không tăng. Theo ông Lê Văn Hưng - một người dân ở xã Đại Cường (huyện Đại Lộc), dù nhu cầu đang rất lớn nhưng điều đáng mừng là hiện nay giá tôn phờ rô xi măng vẫn giữ nguyên như thời điểm cơn bão số 11 chưa hoành hành. Cụ thể, tấm tôn phờ rô xi măng loại có chiều dài 1,8m giá vẫn 58 nghìn đồng, loại dài 1,2m là 42 nghìn đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Anh Khoa - chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Phượng Khoa (thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) nói: “Hiện nay, tôn và các mặt hàng vật liệu xây dựng rất khan hiếm bởi sức mua quá lớn. Tôi đã liên hệ với những nhà máy ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đặt hàng nhưng đều nhận được thông tin phải chờ thêm một thời gian nữa. Tuy rất khan hàng nhưng tôi vẫn giữ nguyên giá bán như trước, vừa tạo uy tín với khách hàng vừa chia sẻ bớt khó khăn cho bà con nhân dân”. Không riêng tôn phờ rô xi măng, các mặt hàng tôn lạnh, tôn màu vẫn giữ ở mức giá cũ. Ông Phạm Xuất (thôn Hòa Giang, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn) cho biết: “Cứ nghĩ, sau bão, giá cả sẽ tăng vùn vụt như các lần trước, trong lúc nhà tôi bị tốc mái toàn bộ, thấy giá không sốt là tôi mừng lắm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bắt đầu từ chiều 18.10, giá các loại tôn tại những cơ sở tôn xà gồ thuộc Công ty TNHH Nguyễn Đình Chi giảm 2 nghìn đồng/mét nhằm chia sẻ một phần khó khăn với hàng chục nghìn hộ dân đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề sau cơn bão số 11. Ông Huỳnh Văn Nhơn - một người dân ở thôn Triều Châu (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết, nếu doanh nghiệp giữ nguyên giá bán cũ thì số tiền mà gia đình ông bỏ ra mua tôn phải mất hơn 4,9 triệu đồng, nhưng với việc giảm giá như vậy thì ông Nhơn đỡ tốn 100 nghìn đồng. Ông Nhơn bày tỏ: “Đối với những người dân nghèo như tôi, khoản tiền đó không phải là con số nhỏ, nhất là trong thời điểm hết sức khó khăn này”.

Không chỉ giá tôn, khảo sát nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy giá dây thép, kẽm, đinh ở các cửa hàng kinh doanh vẫn giữ mức cũ.

MAI NHI - HOÀI PHI

H.LIÊN - VĂN SỰ