Người thầy khuyến học
Cách đây hơn mười năm, tôi biết đến thầy với cái tên mà mọi người trong làng hay gọi - thầy Thường khuyến học. Khi ấy, tôi chỉ là một cô học trò bé nhỏ với nước da đen sạm kèm mái tóc cháy nắng vàng hoe...
Thầy Võ Thường trong buổi lễ trao thưởng của Hội khuyến học tộc Võ Như năm 2013. |
Còn nhớ những ngày đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đường làng được phủ bê tông, tụi học trò chúng tôi không còn mang áo vá đến trường, sách vở hay bút thước đều đủ cả… Ấy cũng là lúc thầy Võ Thường rời khỏi bục giảng trường THCS Võ Như Hưng (Điện Bàn) nghỉ hưu. Tuy không còn làm công việc gieo chữ, nhưng thầy vẫn ngày ngày thắp niềm mơ ước cho các lớp học trò của mình. Thầy tích cực tham gia Hội khuyến học tộc Võ Như, Hội khuyến học xã Điện Nam Trung, tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học tập tốt. Thầy đã dày công vun vén, tìm nguồn hỗ trợ ở khắp nơi. Năm nào cũng thế, hễ sắp đến ngày tựu trường, thầy lại tất bật với việc chuẩn bị những phần quà, suất học bổng. Từ việc tìm đến các trường lấy danh sách tên học sinh đạt thành tích khá, giỏi, các tân sinh viên đỗ vào cao đẳng, đại học rồi đến việc đi in giấy khen, giấy mời; liên hệ chính quyền địa phương, các mạnh thường quân gần xa quan tâm, ủng hộ quỹ khuyến học.
Nhờ thầy Thường, nhờ quỹ khuyến học mà từ thuở đó cho đến bây giờ, tôi và các học sinh ở địa phương có thêm động lực phấn đấu trong học tập. Bao nhiêu năm ngồi ở ghế nhà trường là bấy nhiêu lần tôi nhận được những phần quà ý nghĩa. Những bằng khen treo kín góc học tập như từng kỷ niệm của tôi về thầy. Kỷ niệm lần đầu tiên là lúc tôi lội bộ qua xóm đồng tìm đến nhà thầy chỉ để gửi giấy khen ở trường cấp và xin thầy ghi tên nhận quà từ Hội Khuyến học tộc Võ Như. Kỷ niệm thứ hai là lần được Hội Khuyến học cấp phát cho xấp vải để may trang phục đến trường. Kỷ niệm thứ ba… thứ tư và nhiều kỷ niệm khác nữa! Nhớ nhất, vẫn là khoảng trời kỷ niệm đầy buồn đau, nước mắt nhưng cũng đầy niềm tin yêu và hy vọng. Năm 2011, lúc tôi vừa hoàn thành xong việc học ở cấp THPT, cũng là lúc tôi biết căn bệnh ung thư tuyến giáp đang hành hạ cơ thể mình. Đánh đổi tuổi mười chín với bao đau thương chất chồng cùng các vết mổ, nạo, khoét, cuối cùng tôi cũng tìm thấy hơi thở sự sống.
Bắt đầu cuộc đời mới trên hành trình tiếp bước tuổi hai mươi, đó là việc ôn thi lại đại học trong những tháng ngày điều trị bệnh. Bao công sức tôi bỏ ra rồi cũng kết thành quả. Con đường của sự học lại mở ra với tôi khi ấy. Không ai khác, chính thầy Thường là người thắp lửa niềm tin, soi sáng tôi đi suốt cả hành trình. Thầy chạy vạy khắp các nơi, tìm hỏi chỗ nào có chương trình học bổng để xin cho tôi có thêm điều kiện ra thành phố học tập. Nhà tôi nghèo, ba mẹ tôi không có nhiều tiền để nuôi tôi ăn học, rồi chữa bệnh. Hiểu điều đó, thầy đã giúp tôi bằng những suất học bổng đầy tình thương. Thầy dạy tôi nhiều bài học ý nghĩa, thiết thực với trường đời. Nhiều lúc, tôi trách cái số phận trớ trêu, cùng cực gắn với căn bệnh tôi đang mang. Nhiều lúc, tôi như muốn buông xuôi tất cả, khi lúc nào cũng phải đối diện với cảnh thiếu trước hụt sau, giữa cơm áo gạo tiền với thuốc men ở bệnh viện… Nhưng nhờ thầy, tôi đã không còn nuôi cái ý nghĩ yếu đuối và đầy nhu nhược ấy nữa. Tôi biết, thầy luôn lo lắng cho tôi. Thầy sợ cuộc đời không bằng phẳng với những xô bồ, bon chen sẽ xô bước chân tôi vấp ngã. Và hơn hết, tôi hiểu rằng tình thương của thầy dành cho tôi là vô điều kiện.
Tôi bây giờ đã là một cô sinh viên năm hai dưới mái trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Tôi vẫn ngày ngày học tập, dạy thêm, đi bệnh viện. Thời gian về quê thăm thầy không nhiều, nhưng những cuộc điện thoại giữa tôi và thầy vẫn đều đặn. Quên sao được chất giọng trầm ấm của thầy mỗi lần hỏi thăm tôi, nào là: “Sức khỏe con sao rồi?”… “Con học có tốt không?”… “Tuần này con có tham gia nấu cháo từ thiện chứ?”… Câu chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng lời nhắn nhủ: “Không về được thì lâu lâu nhắn tin báo con vẫn khỏe, như thế để thầy yên tâm!”. Những lời lẽ mộc mạc của thầy với tôi sao chân thành quá đỗi.
Mỗi dịp về quê, tôi lại mang những bài viết được đăng báo dành tặng thầy. Khi là bài phóng sự, khi thì truyện ngắn, cái tản văn… tất cả những gì do tôi viết nên thầy đều nâng niu, trân trọng. Ngày hôm nay, tôi dồn hết tình cảm, cảm xúc bấy lâu để viết về nỗi lòng mình. Tôi viết chỉ để nhắc nhớ tâm khảm của mình về những công ơn của thầy. Hơn hết, tôi muốn gửi lời tri ân đến thầy, mong thầy luôn vui khỏe và mãi là người thầy khuyến học đi gieo niềm tin cho những lứa học trò.
VÕ THỊ NHƯ TRANG