Tăng giá sau bão
Giá cả thực phẩm tươi sống trên thị trường hiện nay đang tăng giá đáng kể với lý do không có hàng để bán.
Hiếm hàng
Từ chiều đến tối ngày 14. 10, trước cảnh báo về bão số 11, chị em nội trợ ở TP.Tam Kỳ đã tranh thủ chạy vào siêu thị Co.opMart Tam Kỳ “gom” thực phẩm dự trữ. Chị Nguyễn Thị Tâm - nhân viên siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết: “Tối 14. 10, đến 20h là siêu thị đã đóng cửa để chuẩn bị ứng phó với bão, cũng vừa lúc hết sạch hàng, nhất là mặt hàng thực phẩm”. Được biết, ngay trong chiều tối 14. 10 và sáng hôm sau 15.10 - khi xe chở rau củ quả từ Đà Lạt vừa nhập kệ, người tiêu dùng đã tranh nhau mua. Chị Nguyễn Thị Diễm (kiệt 145, đường Phan Châu Trinh, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Do siêu thị vừa có nguồn rau khá phong phú nhập từ Đà Lạt nhập về, giá cả lại ổn định nên sáng 15.10 nhiều bà nội trợ chọn mua hàng tại siêu thị. Không có chuyện săm soi từng bó rau như mọi ngày, thấy có rau là lấy thôi”. Thế nên, cũng theo chị Tâm, gần 3.000 thùng mì tôm, 800kg rau củ Đà Lạt và rau địa phương, 150kg thịt heo các loại, 400 vỉ trứng được bán sạch trong ngày 15.10. Giá cả ở siêu thị không bị “té nước theo mưa” như thị trường tự do.
Sau bão một hai ngày, thực phẩm tươi sống cung không đủ cầu. Ảnh: T.ANH |
Trong khi đó, giá cả của các loại thực phẩm tươi sống tại các chợ trong tỉnh đã lên giá đáng kể. Theo khảo sát của chúng tôi tại chợ Trung tâm thương mại và chợ tạm Tam Kỳ vào sáng 17.10, nhiều loại thực phẩm đã có sự tăng giá chóng mặt. Những ngày trước bão, cá hố chỉ khoảng 110.000 đồng/kg thì nay là 150.000 đồng/kg, cá ngừ trước bão là 45.000 đồng/kg, nay 55.000 đồng/kg, cá nục trước bão 20.000 đồng/kg nay tăng gấp đôi 40.000 đồng/kg… Cá biển với lý do biển động không ra khơi được nên tăng giá, tuy nhiên, với một số loại cá sông cũng tăng giá cao. Như cá ngạnh trước bão là 50.000 đồng/kg nay tăng 70.000 đồng/kg, cá móm trước chỉ 30.000 đồng/kg nhưng sau bão là 70.000 đồng/kg… Chị Mai Thị Ấn, tiểu thương bán cá chợ phía sau siêu thị Tam Kỳ, cho hay: “Giá cả lên cao nhưng vẫn không có cá để bán, như ngày hôm nay, chị em chúng tôi phải giành giật nhau từng ký cá”. Vừa nói, chị vừa chỉ lên mái tóc bám đầy vảy cá do xô xát, giành giật hàng từ đầu mối.
Té nước theo mưa
“Sau bão, chúng tôi sẽ phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 127 của tỉnh để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những thủ đoạn tăng giá bất hợp lý của các mặt hàng, ngành hàng nhằm trục lợi, “thừa nước đục thả câu”, gây khó cho người dân. Chi cục Thống kê tỉnh dự báo chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 sẽ tăng cao do ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt” Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương |
Sau mỗi trận bão lụt, giá cả hàng hóa thực phẩm thường tăng cao do nguồn cung không đủ cầu. Đa số rau củ, cá tôm tươi sống mà người dân sử dụng đều được cung cấp từ địa phương. Tôm cá từ vùng biển huyện Núi Thành, Thăng Bình… Rau củ (trừ một số loại rau đặc trưng chỉ có ở Tây Nguyên như khoai tây, cà rốt) đều do các vựa rau ở Tam An (Phú Ninh), Mỹ Hưng (Thăng Bình), các vùng rau thuộc huyện Duy Xuyên, Điện Bàn cung cấp. Bão số 11 tàn phá trên diện rộng, nhiều làng rau trong tỉnh bị thiệt hại nặng cũng ảnh hướng đến mức tiêu dùng của người dân. Bà Cao Thị Ba (tiểu thương chợ Trung Phước, huyện Nông Sơn) cho hay: “Sau bão, giá cả các loại thực phẩm đều tăng gấp 2, thậm chí gấp 3. Cũng có một số tiểu thương ở một số nơi “té nước theo mưa”, nhân dịp này nâng giá lên cao. Do giá nhập vào đã tăng gấp đôi, gấp ba nên tôi phải bán theo giá đó”. Theo lý giải của bà Ba, rau củ bà bán hơn phân nửa là lấy từ các vườn rau của làng Đại Bình, bão làm hư hại gần hết nên không có nhập rau tại địa phương. Lấy hàng từ các vựa rau dưới Nam Phước, Vĩnh Điện vốn thường bị đẩy giá cao, lại thêm mưa lụt đường sá khó khăn nên nhiều người tính công vận chuyển để đôn giá lên. Chịu thiệt hại nhất và cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hạnh (buôn bán rau chợ Vĩnh Điện, Điện Bàn) lại cho rằng, rau chị xuất đi cho các tiểu thương những ngày sau bão thường không tăng bao nhiêu, tăng đôi ba ngàn với mỗi ký. Nhưng qua tay vài trung gian, giá lại cao ngất ngưởng. Chị Nguyễn Thị Đóa - tiểu thương chợ thương mại Tam Kỳ, chia sẻ: “Tôi lấy rau từ làng rau Kỳ Lý, một hai ngày sau bão, người dân thường cố gom góp những luống rau còn sót lại để bán. Trước bão một luống cải có thể được 20 bó, giờ nhặt nhạnh chỉ được 5 bó. Hơn tuần sau, giá sẽ vẫn tiếp tục còn neo ở giá cao”. Theo nhận định của nhiều người tiêu dùng lẫn tiểu thương, thường giá cả thực phẩm khi đã tăng thường khó xuống, nếu có thì xuống rất ít, đặc biệt là đang mùa mưa bão. Bà Trần Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cho hay: “Trong thời gian tới, ngoài thực phẩm công nghiệp và mặt hàng trong danh mục bình ổn giá luôn được siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng, siêu thị sẽ cùng với nhà cung cấp trong và ngoài địa phương cố gắng giữ mức giá tối ưu nhất với thực phẩm tươi sống để phục vụ người tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn”.
CHIÊU THỤC ANH