Cạnh tranh ngoài cơ chế

AN NHI 18/10/2013 15:05

Muốn phát triển sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT), đặc biệt là thể thao thành tích cao đòi hỏi phải có một cơ chế chính sách đủ mạnh mới có thể tạo ra đột phá. Lần đầu tiên HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách về chế độ dinh dưỡng, tiền công, trợ cấp và một số chế độ khác đối với vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) theo (Nghị quyết 78 ngày 4.7.2013). Nhờ đó, sau một số quyết định tạm thời, cũng lần đầu tiên UBND tỉnh có đủ cơ sở để “mạnh tay” ban hành quyết định với nhiều ưu đãi nổi trội, thậm chí “đội trần” so với quy định của Trung ương (Quyết định 2685 ngày 30.8.2013).

Để có VĐV giỏi cần rất nhiều yếu tố.Ảnh: AN NHI
Để có VĐV giỏi cần rất nhiều yếu tố.Ảnh: AN NHI

Là địa phương còn không ít khó khăn nhưng với việc ban hành cơ chế chính sách khá ưu đãi như vậy, thêm một lần nữa cho thấy, Quảng Nam rất coi trọng sự nghiệp TDTT nói chung, cuộc sống của những người trực tiếp lao động trên sàn tập nói riêng. Theo các nhà chuyên môn, các chế độ về dinh dưỡng, tiền công, trợ cấp, hỗ trợ học văn hóa đối với VĐV mà Quảng Nam thực hiện hiện nay không hề “thua chị, kém em” so với bất cứ địa phương nào trên cả nước. Nếu như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng VĐV Quảng Nam thường nằm trong thế “không cân sức” so với đối thủ bởi “chế độ ăn của mình thấp hơn họ nhiều”, thì với chính sách này, rõ ràng, sự nghiệp TDTT đất Quảng đã hội đủ các yếu tố để phát triển lên tầm cao mới.  

Nhiều năm trước, ngành TDTT Quảng Nam nhiều lần bày tỏ quan ngại trước nguy cơ “chảy máu tài năng” và thực tế đã xảy ra khi mà các chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV của tỉnh kém xa nhiều địa phương khác. Cũng phải thông cảm cho các VĐV bởi sự nghiệp VĐV khá ngắn, họ cần có nguồn thu nhập, có việc làm ổn định sau khi nghỉ thi đấu. Như hiện nay, không chỉ bước đầu ngăn chặn được tình trạng “xuất ngoại” mà còn ngược lại, thu hút VĐV từ địa phương khác đến Quảng Nam khi “nội lực” hấp dẫn. Tất nhiên, ngoài chế độ chính sách thì vai trò của các nhà quản lý, đặc biệt là HLV - người trực tiếp phát hiện, tuyển chọn và dạy dỗ rất quan trọng. Gắn bó với HLV từ lúc 14-15 tuổi cho đến khi trưởng thành, nhiều VĐV cho biết họ thi đấu vì màu cờ sắc áo, danh dự bản thân và cả “vì thầy” là như thế!

Nhưng chế độ, chính sách ưu đãi cao hay công tác quản lý tốt cũng chưa hẳn đã thu hút được nhiều VĐV giỏi. Một cán bộ quản lý ngành TDTT cho biết, hiện nay đang tồn tại một sự “cạnh tranh ngoài cơ chế” mà không ít các trung tâm đào tạo VĐV thực hiện. Đó là để có nguồn VĐV giỏi, họ thực hiện “khuyến mãi” cho khâu phát hiện tài năng. Cụ thể, nếu giới thiệu cho họ được những học sinh có tiềm năng phát triển tốt, HLV ở địa phương, giáo viên dạy thể dục ở các trường học sẽ được trả công xứng đáng. Thậm chí, để tuyển sinh ở tỉnh khác, các trung tâm đào tạo cũng thực hiện nhiều chiêu thức nhằm lôi kéo HLV, giáo viên như tặng quà nhân sinh nhật, ngày lễ, tết.

Không biết đúng - sai như thế nào nhưng rõ ràng, để thu hút học sinh năng khiếu có nhiều tiềm năng phát triển tốt, ngoài cơ chế chính sách theo quy định, đang tồn tại một sự cạnh tranh ngoài cơ chế. Trước thực trạng này, một số cán bộ ngành TDTT chia sẻ rằng, không biết bằng cơ chế nào và việc thu chi các khoản đó ra sao nhưng thực tế họ đã thu hút được không ít VĐV tài năng của tỉnh. Đây quả là điều đáng suy ngẫm!

AN NHI

AN NHI