Nước Mỹ thoát hiểm
Đêm 16.10 (sáng 17.10 theo giờ Việt Nam), sau hơn 11 tiếng đồng hồ thương lượng căng thẳng, Hạ viện và Thượng viện Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật nâng trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD và cho phép chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.
Theo Hãng tin Reuters (Mỹ), trong khi Hạ viện (do Đảng Cộng hòa kiểm soát) đạt thỏa thuận với 285 phiếu ủng hộ và 144 phiếu chống thì ở Thượng viện (do Đảng Dân chủ của đương kiêm Tổng thống Barack Obama kiểm soát), tỷ lệ phiếu chống ít hơn (81 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống), Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời và gia hạn quyền vay nợ (cho phép nâng trần mức nợ công tới ngày 7.2.2014) của chính phủ liên bang. Thỏa thuận đạt được khi chỉ vài giờ nữa, Washington chạm trần nợ công. Nước Mỹ đã được giải cứu trong phút chót.
Tổng thống Obama hoan nghênh sự thống nhất hiếm hoi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu sau thỏa thuận lịch sử và đầy bất ngờ này, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác tài chính giữa các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Ông Obama lập tức phê chuẩn dự luật thỏa thuận này đồng thời hối thúc Hạ viện hành động nhanh chóng để thông qua thỏa thuận. Tổng thống Obama tuyên bố: “Chúng tôi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại chính phủ ngay lập tức, bắt tay ngay vào việc lấy lại niềm tin từ các doanh nghiệp và người dân Mỹ”. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện, ông John Boehner khẳng định, Hạ viện sẽ không ngăn cản dự luật của Thượng viện về nâng trần nợ quốc gia và cấp tiền cho phép chính phủ hoạt động trở lại. Cũng trong thời gian này, nước Mỹ có thể thảo luận về một ngân sách dài hạn nhằm tránh cho nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.
Theo các nhà quan sát, động thái trên có được là do Đảng Dân Chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thiệp về điều chỉnh áp dụng chính sách Obamacare (được ông Obama đề xuất và đã được chuẩn y bởi quốc hội từ năm 2009) về bảo hiểm y tế toàn quốc. Trong khi đó, theo tuyên bố của Nhà Trắng, sự thỏa hiệp giữa hai đảng chỉ là “những điều chỉnh hợp lý” và không cắt giảm những nhiệm vụ trọng tâm của Obamacare theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ. Dự luật ngân sách được thông qua đồng nghĩa với việc chính phủ liên bang có thể mở cửa trở lại và khoảng 800 nghìn công chức liên bang sẽ được đi làm trở lại cũng như được truy lĩnh lương cho số ngày “thất nghiệp”. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng có thể tiếp tục vay thêm tiền để chi tiêu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, ngay cả khi quốc hội và Chính phủ Mỹ đạt được một thỏa thuận thì vẫn không thể loại trừ tận gốc khả năng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ lại tiếp tục đứng bên bờ vực vỡ nợ nếu không có giải pháp lâu dài. Việc vỡ nợ của Mỹ không chỉ kéo lùi đà hồi phục chậm chạp của nền kinh tế Mỹ mà còn kéo theo vô số hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu. Do đó, thị trường tài chính toàn cầu đã lập tức hoan nghênh với động thái này của nước Mỹ.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ 17 năm trở lại đây, gây nhiều tổn hại cho Mỹ trên cả lĩnh vực quốc nội và đối ngoại. Công ty dịch vụ tài chính Standard and Poor’s ước tính thiệt hại với nền kinh tế Mỹ trong hơn hai tuần qua là 24 tỷ USD.
NAM VIỆT