Báo chí với vùng cao

HOÀNG YÊN 15/10/2013 15:06

Việc UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí mua báo Quảng Nam để cấp phát cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng làng dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Già làng Aviết Bia đang trao đổi thông tin trên báo chí với người dân trong thôn.Ảnh: H.Y
Già làng Aviết Bia đang trao đổi thông tin trên báo chí với người dân trong thôn.Ảnh: H.Y

Vào khoảng đầu giờ chiều các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Năm hằng tuần, các tờ báo Nhân Dân, Lao Động, Quảng Nam lại được văn thư các xã chuyển trực tiếp đến tay các vị già làng, những người có uy tín của các thôn trên địa bàn huyện Nam Giang. Là người thường xuyên đọc, khai thác, sử dụng thông tin từ báo chí, ông Aviết Bia, già làng thôn Pà Xua, xã Tà Bhing cho biết: “Đọc báo là công việc hằng ngày của tôi nhằm truyền đạt lại cho bà con nhân dân biết được những chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời giới thiệu tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả trên báo chí có thể đem áp dụng cho đồng bào mình. Đọc báo góp phần mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho bà con vùng cao nên tôi luôn lưu giữ nguồn tư liệu này một cách cẩn thận”.
Qua nhiều năm gắn bó với “món ăn tinh thần” này, già làng Blúp A Băng, thôn Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ chia sẻ: “Báo giấy là kênh thông tin truyền thống mà những người già như chúng tôi chọn để nắm bắt chủ trương, tình hình của tỉnh cũng như địa phương. Lúc họp mặt bà con trong thôn, nội dung sinh hoạt được các già làng xoay quanh vấn đề thời sự mà báo chí phản ánh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và nó trở thành thông lệ mỗi tháng của đồng bào vùng cao”. Hằng ngày, cứ mỗi chiều tối ăn cơm xong một số cụ già trong thôn tụ họp lại để nói chuyện thời sự, bàn luận những vấn đề nóng của xã hội mà báo chí đăng tải. Việc đọc báo, nghe thông tin giờ đây đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những người có uy tín nơi đây.

Bà Aviết Thị Xinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Bhing cho biết: “Việc cấp phát báo được những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số hưởng ứng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Già làng chính là đầu mối thông tin để truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào đời sống của đồng bào mình một cách thiết thực. Ngoài ra, việc đưa báo đến với đồng bào vùng cao còn giúp ích rất lớn trong công tác quản lý cũng như điều hành của cán bộ địa phương”. Theo ông Blúp A Lưới - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Giang, việc cấp phát báo cho người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã thực sự đi vào đời sống; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đến được với người dân thông qua những trang báo. Cùng với kênh phát thanh - truyền hình, báo in sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc ổn định và phát triển kinh tế tại các địa phương trong huyện.

HOÀNG YÊN

HOÀNG YÊN