Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão, lũ

14/10/2013 11:56

(QNO) - Sáng nay 14.10, để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 11, UBND tỉnh tổ chức họp trực tuyến với 18 huyện, thành phố để nghe báo cáo và triển khai các phương án phòng chống bão lũ.

  • Khẩn trương phòng chống bão số 11
  • Tích cực chuẩn bị ứng phó với bão số 11
  • Bão Nari mạnh cấp 12 – 13
Nhiều phương tiện cơ giới đã chuẩn bị để thông tuyến lên các xã vùng cao Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp
Nhiều phương tiện cơ giới đã chuẩn bị để thông tuyến lên các xã vùng cao Tây Giang. Ảnh: Đình Hiệp

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (BĐBP tỉnh), tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển hiện nay là 88 tàu với hơn 2.600 lao động. Trong đó có 3 tàu hoạt động gần bờ với 23 lao động và 85 tàu hoạt động xa bờ với hơn 2.500 lao động. Ngoài ra, hiện nay có 32/73 hồ chứa nước thủy lợi đã tích đầy nước (chủ yếu tập trung tại các huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Nông Sơn và Hiệp Đức). Hồ thủy điện A Vương có cao trình mực nước là 3,43/380m, lưu lượng nước về hồ là 35,4m3/s; lưu lượng xả qua phát điện 78m3/s, lưu lượng xả qua tràn là 299m3/s. Hồ thủy điện Đắc Mi 4 có cao trình mực nước là 257,16/258m, lưu lượng nước về hồ 113,54m3/s, lưu lượng nước xả qua phát điện 99,84m3/s, lưu lượng xả qua tràn 100m3/s. Hồ Sông Bung 5 có cao trình mực nước là 60/60m, lưu lượng nước về hồ 321m3/s, lưu lượng xả nước qua phát điện 223,16m3/s, lưu lượng nước xả qua tràn là 97,4m3/s. Thủy điện Sông Tranh 2 có cao trình mực nước 155,33/161m (cao trình ngưỡng xả tràn), lưu lượng nước về hồ 119,47m3/s, lưu lượng nước xả phát điện là 230m3/s. Mực nước tại các trạm thủy văn Ái Nghĩa, Giao Thủy, Câu Lâu và Hội An đều ở dưới mức báo động 1. Để tăng dung tích phòng lũ và giám lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu các hồ chứa thủy điện An Vương và Đăk Mi 4 vận hành điều tiết hạ mực nước hồ xuống cao trình trên 376m đối hồ A Vương và 255m đối hồ Đăk Mi 4 trước 17 giờ ngày 14.10.

Tỉnh ủy vừa có công văn khẩn gửi các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Tỉnh ủy viên, bí thư các huyện, thành ủy về việc chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 11 (Nari) sắp đổ bộ vào đất liền. Theo đó, để chủ động phòng chống cơn bão số 11, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão để kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị được phân công phụ trách trong công tác phòng chống bão lụt; thường xuyên báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy để tiếp tục theo dõi, chỉ đạo.(M.Đức)

Sau khi nghe các huyện, thành phố báo cáo tình hình phòng chống bão lũ trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang yêu cầu các địa phương cần rà soát lại tất cả các phương án PCLB trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các địa phương có vùng trũng, ven sông, dễ bị ngập phải lấy mức báo động 3 của các dòng sông làm mốc để tiến hành di dân kịp thời đến nơi an toàn. Cần chủ động di dân đến nơi an toàn khi bão lũ ập đến. Đối với các hồ chứa phải thường xuyên báo cáo tình hình cho chính quyền địa phương và người dân được rõ về việc xả lũ. Và các hồ chứa phải chủ động để chuẩn bị đối phó với mưa lũ, không được tích nước, xả lũ hợp lý để đảm bảo an toàn cho người dân hạ du…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu sau cuộc họp các địa phương phải tập trung các lực lượng để triển khai các phương án phòng chống. Cương quyết không cho người dân ở lại trên tàu bè hay các bè nuôi cá. Cần phải có phương án di dân kịp thời, nhất là các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở cao. Đối với các khu vực ngầm nguy hiểm phải có lực lượng thường xuyên canh gác, không để người dân đi lại nguy hiểm. Các huyện, thành phố phải tổ chức thông báo tình hình mưa lũ, bão cho nhân dân biết thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông tin phải phát thường xuyên hằng giờ để nhân dân chủ động phòng tránh; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, công trình công cộng; tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển, ưu tiên sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Công tác này phải thực hiện trước 19 giờ ngày 14.10. (N.DƯƠNG)

* Ông Trần Thanh Quang – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB huyện Nông Sơn cho biết, sáng 14.10, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB của huyện đã về đứng cánh tại 7 xã để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc chính quyền cơ sở triển khai công tác phòng, chống. Theo ông Quang, nếu tình huống xấu xảy ra các đơn vị liên quan sẽ tiến hành di dời khẩn cấp 60 hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ thuộc xã Quế Trung và Phước Ninh đến nơi tránh trú an toàn. Trong trường hợp lũ vượt mức báo động 3 thì trên toàn địa bàn huyện Nông Sơn sẽ có ít nhất 300 nhà dân sống ở những vùng trũng thấp bị ngập lụt sâu từ 1 – 2m nước. Do đó ngành chức năng của huyện và chính quyền 7 xã cũng đã lên phương án sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi sát mép sông, nước chảy xiết.

Hiện nay UBND huyện Nông Sơn đã cấp về cho mỗi xã 7 triệu đồng để mua mỳ tôm, nước uống, dầu hỏa sẵn sàng chi viện cho người dân khi bão lũ hoành hành. Đồng thời cấp cho ngành y tế một khoản kinh phí để mua dự trữ đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất nhằm đảm bảo chủ động phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện khâu phun tiêu độc, vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước sinh hoạt ngay sau khi lũ rút. (VĂN SỰ)

* Sáng 14.10, UBND huyện Núi Thành tổ chức họp khẩn với các địa phương, cơ quan, ban ngành liên quan ở huyện triển khai các biện pháp cấp bách phòng tránh bão Nari. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trần Đình Tùng đề nghị các đơn vị Biên phòng, Cảnh sát biển tiếp tục theo dõi tàu thuyền, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ; các xã, thị trấn cùng các đơn vị trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, có phương án di dời dân vùng ven sông, ven biển, vùng trũng thấp tại xã Tam Anh Nam, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Giang, Tam Hải, Tam Quang, Tam Hiệp…, vùng có nguy cơ sạt lở đất như Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây… Sau cuộc họp, huyện Núi Thành cử các thành viên Ban chỉ huy PCLB xuống các địa bàn trực tiếp nắm tình hình và đôn đốc công tác phòng tránh bão Nari. (VĂN PHIN)

* Sáng nay 14.10, Thành ủy Hội An tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo cả hệ thống chính trị tập trung toàn lực đối phó với cơn bão số 11. Theo đó, 14 giờ chiều nay, hàng trăm phương tiện và tài xế được điều động, tập kết tại sân UBND thành phố để phân công vận chuyển, di dời toàn bộ người già, trẻ em, phụ nữ ở 2 phường Cẩm An, Cửa Đại đi dời đến nơi an toàn; ở các địa phương còn lại thực hiện di dời dân ở những nơi nguy hiểm đến trú ẩn. Khách du lịch đang lư trú ở các khách sạn ven biển sẽ di dời đến nơi an toàn trước 18 giờ chiều nay. Hội An chi ngân sách hàng trăm triệu đồng mua các nhu yếu  phẩm phục vụ nhân dân ở nơi trú tránh bão. (H.NGÂN)

* Ban Chỉ huy PCLB huyện Tây Giang cho biết, do ảnh hưởng của bão số 8 và số 10 vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở, nhất là tuyến đường từ Tr'hy đi Axan, Axan đi Ch'ơm và Gari hư hỏng nặng. Trong những ngày qua các đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục, tập trung lực lượng xe múc, xe tải để sửa chữa. Tại cuộc họp khẩn vào sáng nay (14.10), UBND huyện Tây Giang đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và lãnh đạo 10 xã. Trong đó tập trung di dời các hộ dân còn lại nằm trên vùng sạt lở đến nơi an toàn, chủ yếu tại thôn Kala và các hộ dân tại các thôn Arui, Kà xeeng (xã Dang); các thôn Atu 1, Atu 2 (xã Ch'ơm); Aching (xã Atiêng). Huyện Tây Giang cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng vận chuyển hàng hóa lên vùng cao; bố trí phương tiện như xe múc tại các điểm dễ xảy ra sạt lở. Một trong những khó khăn nhất hiện nay là nhiều trường học bán trú tại 3 xã vùng cao (Axan, Ch'ơm và Gari) và xã Dang có nguy cơ thiếu nguồn thực phẩm, trong những tuần qua các thầy cô và học sinh nơi đây phải tự xoay xở nguồn thực phẩm. Tính đến thời điểm hiện nay huyện Tây Giang đã dự trữ được 12 tấn lúa/10 kho lúa của xã. Trước đó huyện cũng mua và cấp 13 tấn gạo cho 496 hộ ở 4 xã vùng cao nhằm đảm bảo cứu đói giáp hạt và dự trữ trong mùa mưa bão. (ĐÌNH HIỆP)