Lấp “khoảng trống” nguồn nhân lực - Bài 1: Thu hút người tài
Trường Đại học (ĐH) Quảng Nam là đơn vị có số lượng người tài về công tác theo diện thu hút của tỉnh nhiều nhất.
Tiến sĩ về tỉnh
Sau 5 năm Quảng Nam ban hành chính sách thu hút nhân tài, năm 2006, TS.Trần Thanh Dũng - lúc đó đang công tác tại Công ty CP Bông miền Trung nộp đơn “đầu quân” và trở thành người có học vị TS đầu tiên về Quảng Nam công tác theo diện thu hút nhân tài. Được Sở Nội vụ giới thiệu về trường ĐH Quảng Nam (lúc đó là trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam), TS.Dũng khá bỡ ngỡ bởi thời gian dài 18 năm trước đó anh công tác ở Viện Nghiên cứu cây bông (đóng tại tỉnh Ninh Thuận) trước khi sang làm Giám đốc Công ty CP Bông miền Trung. “Khi đến nhận công tác, thầy Hiệu trưởng Lê Duy Phát gọi lên hỏi nguyện vọng, tôi trả lời là mong muốn làm giảng viên. Thầy Phát bảo tôi có học vị TS nên bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học” - TS.Dũng nhớ lại. Từ đó đến nay, vị TS người Huế này đã trải qua nhiều địa vị công tác tại trường ĐH Quảng Nam như Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại, Q.Trưởng khoa Kinh tế và mới đây nhất khi tách Khoa Kinh tế thành 2 khoa mới thì TS.Dũng được bổ nhiệm làm Q.Trưởng khoa Quản trị kinh doanh.
TS.Lê Duy Phát cùng các tân cử nhân đại học năm 2013. Ảnh: X.PHÚ |
Chia sẻ về công việc của mình và chính sách thu hút nhân tài của tỉnh, TS.Dũng cho rằng anh được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để làm việc tốt, phù hợp với chuyên môn trong một môi trường thân thiện. Dù tỉnh còn nghèo, chế độ thu hút thời điểm 2006 so với các địa phương vẫn còn thấp, chưa thật sự hấp dẫn với nhiều người (TS.Dũng về công tác được tỉnh trợ cấp 35 triệu đồng và hỗ trợ tiền sử dụng đất ở 22,5 triệu đồng) nhưng với việc ban hành chính sách này đã cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với nhân tài để phát triển kinh tế - xã hội. TS.Dũng chia sẻ: “Theo tôi, chế độ đãi ngộ của chính sách thu hút nhiều hay ít không quan trọng. Hơn nữa vài chục triệu đồng hỗ trợ cũng chẳng phải là nhiều so với chi phí cho việc học tập của các ThS, TS. Cách ứng xử, sử dụng và môi trường làm việc tại địa phương, đơn vị mới là điều quan tâm nhất với người tài. Riêng bản thân tôi, đây còn là tình nghĩa của lãnh đạo tỉnh khi tạo điều kiện cho vợ tôi về công tác tại Tam Kỳ trước khi tôi xin chuyển về”.
Cần có chính sách cho học sinh trường THPT chuyên sau khi các em vào đại học. |
Cũng theo tiến sĩ Dũng, đối với những người có học hàm, học vị cao, công việc mà họ tâm đắc nhất là nghiên cứu khoa học, làm việc trong môi trường khoa học. Nếu một giáo sư hay TS về địa phương bố trí công tác tại các cơ quan hành chính thì vừa uổng phí chất xám, vừa không phù hợp; còn bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo sở chưa hẳn họ đã thích. So với các tỉnh, thành phố khác thì điều kiện cho người tài làm việc của Quảng Nam có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, với sự quan tâm của tỉnh, tính hiền hòa, dung dị của người Quảng sẽ thu hút nhiều người tài về địa phương công tác.
Nhiều rào cản
Là trường ĐH địa phương và trưởng thành từ trường trung cấp rồi cao đẳng sư phạm nên trường ĐH Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ có trình độ cao. Nhưng cùng với nỗ lực của nhà trường, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh những năm qua đã góp phần giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường được nâng chất rõ rệt. Tính đến nay, trường
Cần có cơ chế đào tạo để chủ động nguồn nhân lực Để có được nhiều người tài, bên cạnh chính sách thu hút hấp dẫn cần có cơ chế đào tạo để chủ động được nguồn lực nhân tài, không bị động “ngồi chờ” nhân tài tới gõ cửa xin việc như hiện nay. Những năm qua, Quảng Nam đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi dành cho học sinh theo học tại trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Bắc Quảng Nam; hỗ trợ đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi tiếp tục học sau đại học có cam kết về công tác tại tỉnh. Dẫu vậy, ngoài chính sách đối với trường chuyên, chính sách cho sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi tiếp tục học sau đại học chưa đủ hấp dẫn, và đến nay dường như chưa có sinh viên nào đăng ký. Chính sách đầu tư hỗ trợ ngay từ học sinh xuất sắc của trường chuyên cũng như các trường THPT hay những em đỗ điểm cao vào các trường đại học như một số địa phương đang thực hiện cũng chưa được quan tâm. |
Theo TS.Lê Duy Phát - Q.Hiệu trưởng trường ĐH Quảng Nam, tất cả những người về trường đều được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, nguyện vọng, giúp họ phát huy năng lực, cống hiến hết mình. Tuy nhiên, chính sách và cơ chế thu hút hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục. Trước đây, những người diện thu hút khi về trường nhanh chóng được tuyển dụng vào biên chế, hưởng chế độ ưu đãi của tỉnh, nhưng những năm gần đây ThS về trường chỉ được hợp đồng và phải chờ rất lâu mới tuyển dụng vào biên chế (mà vào biên chế mới được xem là trong diện thu hút của tỉnh và mới được hưởng chế độ thu hút). Điều này khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng, thiếu an tâm công tác, thậm chí đến nay đã có 2 ThS được đào tạo ở nước ngoài sau 3 tháng công tác đã xin nghỉ việc để về các địa phương khác. Mới đây nhất, 1 ThS Toán người Bình Định học tập xuất sắc ở nước ngoài sau khi trải qua 2 vòng xét tuyển nhưng cuối cùng không nhận quyết định tuyển dụng vì chính sách thu hút của Quảng Nam không hấp dẫn bằng các địa phương khác. TS. Lê Duy Phát nói: “Trường hiện có trên 320 cán bộ, giáo viên nhưng biên chế chỉ có 190. Những năm gần đây, trường không được giao thêm chỉ tiêu biên chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên. Ngay cả trong số ThS về trường diện thu hút đến nay vẫn còn 4 ThS chưa vào biên chế”. Đối với chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, TS. Lê Duy Phát đề nghị nên thực hiện trở lại như trước đây vì “đây là những nhân tài và về mặt nào đó các em còn hơn các ThS nhưng tốt nghiệp ĐH loại khá”.
XUÂN PHÚ