Sát cánh với nông dân

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện) 14/10/2013 08:30

Nhân kỷ niệm 83 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, chính bản thân nông dân mới là nòng cốt quyết định sự thành công của những mô hình sản xuất, phong trào hoạt động, xây dựng nếp sống mới. Dù vậy trên mỗi bước đi của nông dân sẽ luôn có sự song hành của các cấp Hội Nông dân.

Chính bản thân người dân mới là nòng cốt quyết định sự thành công hay thất bại của những mô hình sản xuất, phong trào hoạt động.Ảnh: NG.DƯƠNG
Chính bản thân người dân mới là nòng cốt quyết định sự thành công hay thất bại của những mô hình sản xuất, phong trào hoạt động. Ảnh: NG.DƯƠNG

PV: Thưa ông, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh (gọi tắt là Hội)  luôn là cánh tay đắc lực đáng tin cậy của nông dân. Vậy, những kết quả nào được Hội coi là tâm đắc nhất?

Ông Vũ Văn Thẩm.
Ông Vũ Văn Thẩm.

Ông Vũ Văn Thẩm: Vai trò của Hội Nông dân là định hướng, hỗ trợ, động viên cho người nông dân là chính nên khó có thể nói được những kết quả nào cụ thể. Tuy nhiên, Hội luôn nỗ lực hết mình để luôn là người bạn đồng hành với nông dân trong mọi khó khăn, thách thức. Trong thời gian qua, cùng với cả tỉnh, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: đầu tư, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, con vật nuôi, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…, giúp cho nông dân nghèo biết cách làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình.

Để thực hiện điều đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan tổ chức 830 lớp tập huấn cho hơn 65 nghìn lượt nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm… Đây là việc hết sức cần thiết, nhằm cung cấp cho họ những kiến thức cơ bản, tránh được rủi ro trong sản xuất. Hội cũng đã vận động phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, thẩm định giải ngân hơn 3,6 tỷ đồng cho 230 hộ nông dân vay vốn, tạo điều kiện cho họ mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện kinh tế hộ, vượt khó vươn lên. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức những chương trình, phong trào hoạt động phong phú để tạo một nếp sống văn minh, lành mạnh cho nông dân trong tỉnh, nâng cao cả về đời sống vật chất và tinh thần. Các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư, phòng chống tệ nạn xã hội HIV/AIDS, phòng chống bạo lực gia đình, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn lao động… cũng đều xuất phát từ mục đích đó.

PV: Vẫn có thực trạng nông dân nhiều nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chính sách... nên có tư tưởng “không chịu vươn lên để thoát nghèo”. Đó có phải là một trong những tồn tại của công tác Hội hiện nay?

Ông Vũ Văn Thẩm: Nếu nói nông dân trông chờ, ỷ lại thì nên nhìn nhận lại vấn đề một cách đa chiều hơn.

Tại sao nông dân lại có tâm lý đó? Là bởi sự hạn chế trong tuyên truyền, vận động cho người dân hiện nay. Đó là một thực trạng. Một khi không truyền đạt hết những đường lối chính sách, không làm cho người dân có thể hiểu đến gốc rễ của vấn đề thì khó có thể đạt được hiệu quả. Phải làm thế nào để nông dân hiểu được rằng, phải bằng tự nỗ lực của mình mới giúp được mình thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Bản thân Hội hay các chính sách hỗ trợ nông dân chỉ là một công cụ với chức năng kích thích, cổ động, chỉ góp phần tác động chứ không thể là phần quyết định trong việc giúp người dân thoát nghèo hay không. Cứ trao “cần câu” cho họ rồi phó mặc như thế là không đúng, mà phải chỉ dẫn cho họ cách câu như thế nào, ra làm sao. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

PV: Hiện nay nông dân đang gặp phải những khó khăn nào trong phát triển sản xuất, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thẩm: Như đã nói ở trên, vấn đề tiên quyết hiện nay chính là tính tự chủ của nông dân. Ý chí, quyết tâm của người dân là yếu tố trực tiếp quyết định đến hiệu quả sản xuất, sự phát triển kinh tế đời sống của gia đình và cộng đồng nông thôn. Tất nhiên bên cạnh đó đòi hỏi phải có sự hỗ trợ nhất định từ phía Hội. Hiện nay người dân không dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, bởi những chính sách này vẫn còn mang nặng thủ tục hành chính. Do đó cần phải đơn giản hóa thủ tục để người dân nhanh chóng có được sự trợ giúp cần thiết khi khó khăn.

Các nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân hay Ngân hàng Chính sách xã hội nay đã không giữ được sức hút với nông dân. Bởi mức chênh lệch lãi suất cho vay giữa các ngân hàng thương mại và 2 nguồn này không còn chênh lệch bao nhiêu. Thêm vào đó, đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, nông dân chỉ được vay trong mức khung hạn chế, không đủ để đầu tư phát triển sản xuất. Trong khi đó, ở các ngân hàng thương mại, người dân có thể vay với số tiền lớn hơn rất nhiều. Nói thật, muốn mở rộng làm ăn, đầu tư chuyển đổi mà trong tay chỉ có 15 - 20 triệu đồng thì khó có thể làm được.

PV: Vậy theo ông, phải làm thế nào để có thể thay đổi tích cực trong thời gian tới?

Ông Vũ Văn Thẩm: Đầu tiên, để đảm bảo hỗ trợ được nông dân, Hội sẽ tiếp tục xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân nhưng kiến nghị tăng thêm nguồn vốn đảm bảo cho sức vay của người dân, đồng thời cân đối giảm tỷ lệ lãi suất để thu hút nông dân tham gia vay vốn. Mọi công tác của Hội phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát với mục tiêu thiết thân của nông dân, đảm bảo xây dựng, phát triển một cách toàn diện hơn. Thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hình thành các loại hình kinh tế tập thể, đảm bảo cho nông dân từ đầu vào như giống, phân bón, kỹ thuật… cho đến đầu ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Làm thế nào để đúng nghĩa với chức năng “bà đỡ” của nông dân thì mới thành công.

PV: Xin cám ơn ông!

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)