Nữ diễn viên cho Mỹ Sơn

KHÁNH LINH 12/10/2013 08:59

Theo ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, hiện đội múa Chăm Mỹ Sơn có 18 diễn viên gồm 10 nam, 8 nữ, ngoài 2 diễn viên người Chăm đến từ Ninh Thuận, số còn lại đều là người địa phương. Tuy nhiên, trong số 8 diễn viên nữ nay đã 6 người có chồng, trong đó 4 trường hợp đang mang thai. “Chúng tôi rất lo vì sắp tới không biết phải làm thế nào khi đội ngũ diễn viên nữ thiếu hụt nghiêm trọng” - ông Lập than thở. Theo ông Lập, để tuyển chọn đào tạo thành công một diễn viên múa Chăm rất khó khăn, ngoài năng khiếu, yếu tố ngoại hình rất quan trọng vì trong nghệ thuật múa Chăm nhiều vũ điệu đòi hỏi diễn viên nữ phải thể hiện vẻ đẹp hình thể. Trong khi đó, với quy định tài chính hiện nay, rất khó thu hút những diễn viên được đào tạo bài bản về công tác tại Mỹ Sơn. “Để đáp ứng yêu cầu công việc chúng tôi chỉ còn cách tuyển chọn những em có năng khiếu tại địa phương sau đó tự đào tạo thành diễn viên” - ông Lập cho biết. Nhưng sau khi được đào tạo, đủ điều kiện biểu diễn, chỉ một thời gian ngắn sau các diễn viên nữ này sẽ có chồng, tiếp đến là sinh con, nuôi con nên vẻ đẹp hình thể không còn đáp ứng được yêu cầu của công việc, thế là lại thiếu như thực tế hiện nay. Trước đây, để đối phó, Đội múa Chăm thường chuyển sang các tiết mục biểu diễn không đòi hỏi nhiều ngôn ngữ hình thể của diễn viên nữ như múa Siva, múa Đội nước, múa Trống hội làng Chăm… Nhưng giải pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài khi tất cả nữ diễn viên lập gia đình sẽ là điều nan giải đối với Ban Quản lý di tích du lịch Mỹ Sơn.

Theo ông Huỳnh Tấn Lập, vấn đề không chỉ là việc tuyển diễn viên mới, mà quan trọng hơn là giải quyết đầu ra cho những diễn viên nữ sau khi không còn đứng trên sân khấu. “Ngoài việc sử dụng vào những công việc như bán hàng, không thể bố trí họ vào các vị trí khác được vì tất cả bộ phận đều đã ổn định nhân sự” - ông Lập chia sẻ. Trong khi đó việc xây dựng thêm các quầy dịch vụ bán hàng trong khu di tích cũng rất khó khăn do phải tuân thủ những quy định về việc đầu tư quy hoạch Mỹ Sơn. “Chúng tôi chỉ còn cách mở thêm các dịch vụ như cho thuê áo quần chụp ảnh, sang ảnh như là cách giải quyết đầu ra cho các diễn viên nữ trong thời gian tới” - ông Lập cho biết.  

Một thực tế là các diễn viên đội văn nghệ Chăm Mỹ Sơn có tuổi nghề rất ngắn, kể cả diễn viên nam. Ngoài bộ phận nhạc công như đánh trống, chiêng, lục lạc… ít khắt khe về tuổi tác, các diễn viên đội múa có tuổi nghề chỉ giới hạn một thời gian nhất định. Vì vậy, việc đào tạo nguồn diễn viên tại chỗ, giải quyết đầu ra cho diễn viên là vấn đề hiện hữu mà Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn không thể phủ nhận nhằm có kế hoạch sử dụng lâu dài những diễn viên này trong thời gian đến.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH