Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh
(QNO) - Sáng nay 11.10, tại TP.
Quang cảnh Diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” tổ chức tại TP. Tam Kỳ sáng nay 11.10 |
Tại diễn đàn này, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chính quyền các tỉnh, thành phố đều dành sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực chăn nuôi bằng việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của phần lớn nông hộ còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi còn khiêm tốn, chủ yếu là nuôi theo phương thức quảng canh hoặc bán thâm canh. Chính vì tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ và sự khắc nghiệt của thời tiết khiến các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm liên tục bùng phát, diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế...
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, để phát triển lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh thì thời gian tới phải áp dụng nhiều giải pháp căn cơ. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp nói chung, quy hoạch chăn nuôi nói riêng đảm bảo tính đồng bộ về giống, thức ăn, giết mổ, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở chiến lược phát triển chăn nuôi từng năm, các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng và phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi từ nay đến năm 2020 ở từng địa phương. Xác định rõ đối tượng vật nuôi chủ yếu có lợi thế theo vùng miền, quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loài vật nuôi, quy mô đầu con hợp lý với từng vùng. Đối với các nơi đã có đề án thì cần rà soát lại cho phù hợp với định hướng chung và tình hình đổi mới tại địa phương.
Phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên để kìm hãm nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. |
Theo nhiều đại biểu, thông qua các chương trình xã hội hóa công tác giống, lựa chọn những giống vật nuôi đã thích nghi với điều kiện của từng địa phương để đàn vật nuôi khỏe mạnh, có sức kháng bệnh tốt. Đồng thời, chủ động sản xuất, cung cấp con giống đủ về số lượng và chất lượng cho người chăn nuôi. Chuồng trại xây dựng đảm bảo kỹ thuật, phù hợp với loài vật nuôi, lứa tuổi, hướng sản xuất và cách biệt với khu sinh hoạt của gia đình. Trên cơ sở các chuồng trại hiện có, cần tiếp tục lựa chọn một số mẫu chuồng phù hợp, dễ xây dựng, chi phí thấp để khuyến cáo áp dụng cho các địa phương. Về thức ăn, phải chủ động nguồn thức ăn tinh (bắp, sắn, lúa...) cho chăn nuôi trên cơ sở khai thác tối ưu nguồn thức ăn sản xuất tại địa phương. Ngoài ra, cần tập trung phát triển diện tích trồng cỏ nguyên liệu thâm canh, chủ động nguồn thức ăn thô xanh, áp dụng các biện pháp ủ chua, phơi khô để dự trữ, cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho trâu, bò, dê.
Đặc biệt, nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, chăm sóc đàn vật nuôi tốt để đảm bảo sức khỏe và năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đó, cơ sở chăn nuôi phải có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với giống, lứa tuổi và mục đích sản xuất của từng loại vật nuôi. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi thay đổi được nhận thức, nắm bắt được các kỹ thuật để chủ động phòng trị bệnh cho vật nuôi. Trong đó, khâu tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, đúng quy trình và vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng một cách thường xuyên là yêu cầu mang tính bắt buộc. Bên cạnh đó, cần phải giám sát chặt chẽ các loại bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm A/H5N1. Ngoài ra, các địa phương cần nhanh chóng củng cố lại hệ thống thú y cơ sở, nhất là cấp xã và đẩy mạnh công tác khuyến nông, đẩy nhanh việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
VĂN SỰ