Trả nghĩa cho đời

PHAN LÊ CHÂU NỮ 11/10/2013 08:57

“Một doanh nghiệp có tâm phải biết gắn kết sự phát triển của doanh nghiệp với hoạt động xã hội - từ thiện” - Lê Nhuận tâm sự như vậy và anh luôn hết lòng với công tác xã hội; cũng là cách anh trả nghĩa cho đời.

Lê Nhuận thăm và tặng quà các cụ ở Trung tâm Dưỡng lão và dạy nghề cho người khuyết tật ở Hiệp Đức.
Lê Nhuận thăm và tặng quà các cụ ở Trung tâm Dưỡng lão và dạy nghề cho người khuyết tật ở Hiệp Đức.

Mồ côi cha khi vừa chào đời, tuổi thơ lấm lem trong đất cát ở một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng tại thôn Quảng Lăng 1, xã Điện Nam Trung (Điện Bàn), Lê Nhuận từng làm thuê để nuôi gia đình, làm thôn phó, rồi trở thành giám đốc Công ty TNHH Quốc Cường, nhà phân phối sơn và hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, có trụ sở ở đường Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ.

Lê Nhuận thuộc thế hệ 7X. Đã 40 năm trôi qua nhưng anh vẫn còn nhớ như in những ngày thơ ấu đầy gian khó. Mẹ anh vừa tham gia cách mạng, vừa nuôi 3 anh em khôn lớn. Tuổi thơ anh là những tháng ngày đi chân đất băng qua trảng cát bỏng rát đến trường. Anh lập gia đình khi mới 22 tuổi, phải bươn chải làm thuê, gặp gì làm nấy, từ kéo xe bò đến đạp xích lô... miễn là kiếm tiền chính đáng để nuôi mẹ và gia đình. Sau đó anh được nhân dân tín nhiệm bầu làm thôn phó, rồi mở thêm tiệm chụp ảnh, quay video…

Cơ duyên đưa đẩy, bạn bè người thân giúp đỡ giới thiệu Lê Nhuận phụ trách chi nhánh Công ty Quốc Cường tại Quảng Nam năm 2003. Đến năm 2007, chi nhánh trở thành Công ty TNHH Quốc Cường và Lê Nhuận trở thành Giám đốc. Những nhọc nhằn tuổi thơ cùng sự giúp đỡ vô điều kiện của mọi người trong lúc khó khăn dường như đã gieo trong Lê Nhuận mầm cây nhân ái. Khi đã trở thành giám đốc một công ty ăn nên làm ra, anh càng biết ơn cuộc sống. “Ông chủ” Lê Nhuận cứ tâm niệm phải làm gì đó để giúp những hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước, cũng là cách để trả nghĩa cho đời. Việc nhỏ bắt đầu từ gia đình, anh cùng vợ chung tay làm việc thiện, hướng cho các con biết sẻ chia với người nghèo bằng việc dành tiền tiêu vặt, tiền ăn quà để giúp đỡ bạn nghèo... Anh nói đó chỉ là việc làm bình thường, là trách nhiệm đối với xã hội của một doanh nghiệp.

Ngoài hoạt động kinh doanh, Lê Nhuận rất đam mê hoạt động thể dục thể thao và anh hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Mô tô thể thao TP.Tam Kỳ do Trung tâm Thể dục thể thao Tam Kỳ quản lý. Và anh cũng là nhà tài trợ chính cho nhiều giải thể thao trong tỉnh, từ giải bóng đá tứ hùng của trường Đại học Quảng Nam đến giải billiards các câu lạc bộ tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, năm nay là lần thứ 3 giải quần vợt Sở VH-TT&DL mang tên công ty anh - Cúp Quốc Cường, được tổ chức.

“Năm 2004, khi vào thăm một người bạn đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, tôi gặp một cụ già ngồi ăn cơm với mắm. Hỏi mới biết cụ già không nơi nương tựa, tiền thuốc đã có Nhà nước lo nhưng nghèo quá nên mỗi bữa cơm của cụ chỉ có giá 1 nghìn đồng. Ngay hôm đó, tôi bàn với vợ về việc tổ chức chương trình bữa cơm tình thương cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và được vợ hưởng ứng” - anh Nhuận kể về cơ duyên làm từ thiện của mình. Được bác sĩ Lê Quang Hồng - Giám đốc bệnh viện lúc ấy nhiệt tình ủng hộ, vợ chồng anh đã dành 20 triệu đồng để hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo trong 3 tháng. Việc làm này của vợ chồng anh đã góp phần khơi dậy lòng từ tâm của nhiều người khác, gây sự chú ý cho các tổ chức xã hội, để đến hôm nay, những bữa cơm từ thiện dành cho người bệnh nghèo vẫn được duy trì không chỉ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà còn ở nhiều bệnh viện khác.

Năm 2005, khi một lãnh đạo ngành GD-ĐT cho biết còn nhiều học sinh không đủ áo quần tươm tất đến trường, anh dành 28 triệu đồng để thực hiện chương trình “áo trắng học đường” tại một số trường tiểu học ở Tiên Phước, Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn. Chưa hết, bản thân anh tự đi quyên tiền, hàng để giúp đỡ bà con bị thiệt hại nặng do thiên tai, bão lụt. Đáng nhớ nhất khi anh xin được 120 triệu đồng giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Chanchu năm 2006. Hay như khi biết Hội Kiến trúc sư Quảng Nam cần kinh phí để hoạt động, trong đó có phần làm mô hình nhà tránh lũ cho người dân, anh không ngần ngại hỗ trợ 30 triệu đồng… Cứ như thế, những chuyến từ thiện của vợ chồng anh ngày một dày hơn. Nhiều lần gặp đâu anh giúp đấy, từ 2 - 3 triệu đồng đến 5 - 10 triệu đồng. Lê Nhuận kể anh đã chảy nước mắt khi nghe cụ Lê Thị Thanh Trước (95 tuổi, ở Trung tâm Dưỡng lão và dạy nghề cho người khuyết tật huyện Hiệp Đức) nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời, mẹ được ăn chiếc bánh ngon như thế này”. Đó là lần anh cùng anh em trong nhóm thiện nguyện mua bánh ga tô đến thăm các cụ vào tối 28 Tết âm lịch. Chính những chuyến đi như thế đã giúp Lê Nhuận ngẫm ra rất nhiều điều. Trong đó, có một bài học vô giá không phải ai cũng hiểu: “Thể hiện trách nhiệm với nhà nước bằng việc nộp thuế đầy đủ, một doanh nghiệp có tâm còn phải biết gắn phát triển doanh nghiệp với hoạt động xã hội - từ thiện” - Lê Nhuận nói.

PHAN LÊ CHÂU NỮ

PHAN LÊ CHÂU NỮ