Máy vớt bèo liên hoàn
Báo Quảng Nam đã từng có bài phản ánh về mô hình máy vớt bèo liên hoàn của ông Hồ Văn Luyện (thôn Lam Phụng, xã Đại Đồng, Đại Lộc), được Sở KH-CN hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, loại máy này đã được chế tạo hoàn chỉnh và ứng dụng trong thực tế.
Nếu như trước đó chúng tôi chỉ có thể tiếp xúc với công trình của ông còn ở dạng mô hình thì nay là một chiếc máy thật hay nói đúng hơn là một thuyền máy vớt bèo có thể tự làm mọi việc, không cần đến sự trợ giúp của con người. Chiếc thuyền máy có nhiều bộ phận quan trọng như: boong - đóng vai trò như một chiếc phao giúp nổi và di chuyển trên mặt nước, kết - giúp lắp ghép các boong trở lại với nhau ở những máy lớn, cổng - giữ thăng bằng giữa 2 boong, hệ thống tháp, băng chuyền, xẻng (28 xẻng), 2 máy ép, máng, hộp chứa bèo…Khi vận hành trên lòng sông, chiếc máy như một phao nổi, di chuyển cơ động, bèo hay rác thải được vớt lên nhờ các xẻng múc, rồi được đẩy lên băng chuyền, lên tháp, đổ vào máy cắt. Các cánh dao tại máy cắt sẽ cắt bèo thành những miếng nhỏ, sau đó đẩy về phía máy ép. Sau đó, bèo lại tiếp tục bị đẩy về máy ép 1, máy ép 2 dạng xoắn rồi được đẩy vào hộp, khi các hộp đầy sẽ được đẩy ra băng chuyền, đóng thành thùng để dễ vận chuyển. Nguồn nguyên liệu này có thể được dùng để làm phân xanh trong nông nghiệp.
Ông Hồ Văn Luyện đang điều khiển thuyền máy vớt bèo liên hoàn. Ảnh: N.DUY |
Ông Hồ Văn Luyện chia sẻ, công suất của máy ép có thể lên đến 500 - 600 tấn bèo (rác thải) mỗi ngày đối với dòng máy lớn, đối với dòng máy nhỏ, công suất hoạt động có thể từ 150 tấn lên đến 200 - 300 tấn/ngày. Ý tưởng tạo chiếc máy vớt bèo liên hoàn được ông Luyện nung nấu trong đầu khi có dịp đi tham quan tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực miền Tây, nơi ông được tận mắt chứng kiến cảnh bèo lục bình phủ kín các dòng sông, kênh rạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề môi trường và sự lưu thông của các phương tiện trên sông nước. “Để đưa sản phẩm từ mô hình ra thực tiễn là một điều rất khó khăn, có nhiều chi tiết, bộ phận của máy rất khó mua trên thị trường hoặc có giá rất đắt. Những lúc đó, tôi phải chế tạo lại cho phù hợp với yêu cầu của mình” - ông tâm sự. Với một người vừa học hết lớp 9 như ông Hồ Văn Luyện, việc cho ra đời một động cơ như trên là kết quả của sự học hỏi, tìm tòi và sáng tạo đáng quý.
Hiện, Công ty Thanh niên xung phong 1 (Đồng Nai) đã đặt vấn đề liên kết với ông Luyện về việc chế tạo máy vớt bèo với yêu cầu bèo sau khi được vớt, ép sẽ là nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất phôi nấm Linh Chi, nấm rơm. Vì đây là sản phẩm đầu tay nên ông Luyện tỏ ra rất dè dặt, ông muốn có thời gian trực tiếp đi khảo sát địa hình nơi phía đối tác yêu cầu để có sản phẩm phù hợp. Mục đích là để khi ra thị trường chiếc máy của ông sẽ trở thành sản phẩm hữu ích. Người đàn ông 47 tuổi chia sẻ: “Con đường để một sáng chế được tạo thành sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn rất gian nan, có lúc mình phải gác chuyện mưu sinh qua một bên để theo đuổi. Một thực tế nữa là sáng chế tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị ăn cắp bản quyền rất lớn, công sức của mình có thể bị đổ xuống sông xuống biển nếu chưa được đăng ký bảo hộ”.
H.LIÊN - N.DUY