Thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015
Từ ngày 8-10.10, tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei diễn ra Hội nghị Cấp cao các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Đây cũng là Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 2 của hiệp hội trong năm 2013 - năm Brunei làm Chủ tịch.
Hội nghị đề ra quyết tâm đẩy mạnh lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên cả ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Bên cạnh đó, ASEAN nỗ lực tăng cường kết nối và hướng về người dân. ASEAN được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, trở thành một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng, hạt nhân tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và liên kết ở khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. Song, ASEAN cũng phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là việc đảm bảo tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như xử lý hài hòa các vấn đề trong khu vực. Theo các quan chức ASEAN, đến nay các nước thành viên đã thực hiện được 70 - 80% lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Song các quan chức nhấn mạnh, 2 năm nữa là thời hạn không nhiều, do đó các thành viên cần nỗ lực nhiều hơn để sớm đi tới đích. Thêm vào đó, các đối tác cũng cần thể hiện quyết tâm sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong quá trình thành lập Cộng đồng.
Các nhà lãnh đạo thành viên ASEAN tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên của năm 2013. |
Đối với vấn đề biển Đông, tất cả các nước đối tác đều ủng hộ lập trường của ASEAN trên cơ sở nguyên tắc 6 điểm: Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) (2002); Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC (2011); Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông; Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
“Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2015” dự kiến với 4 mục tiêu cơ bản: Củng cố tiến trình xây dựng cộng đồng và hội nhập hiện nay của ASEAN; Hướng tới người dân; Tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trong xử lý các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm; Tiếp tục chủ động mở rộng quan hệ với bên ngoài. Một số mục tiêu kỳ vọng và dài hạn của ASEAN đã được đề cập như vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi GDP ASEAN, giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói, xây dựng các quy tắc ứng xử chung ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương…
Ngoài ra, Hội nghị cấp cao ASEAN 23 và các Hội nghị Cấp cao liên quan cũng tập trung bàn việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các khuôn khổ ASEAN+1(giữa ASEAN với từng nước đối tác đối thoại, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ); ASEAN+3 giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự các hội nghị lần này với tinh thần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được thời gian qua, cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN Brunei đóng góp vào thành công chung của Hội nghị Cấp cao; thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần xây dựng một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác.
QUỐC HƯNG