Đông Nam Á thu hút mạnh ngành công nghệ thông tin
Đúng như dự đoán của các chuyên gia, trong năm 2013 Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở thành mảnh đất “gieo mầm” cho hàng loạt công ty công nghệ non trẻ, và cũng là địa điểm thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin ngoài khu vực.
Samsung hiện chiếm hơn 10% tổng xuất khẩu của Việt Nam. |
Quả vậy, đầu tư công nghệ thông tin vào Đông Nam Á đang được xem là xu hướng của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới và khu vực. Trong một bài báo đăng mới đây trên tạp chí Wall Street Journal của Mỹ, giống như nhiều nước trong khu vực, các hãng kỹ thuật công nghệ đang đổ vào Việt Nam, giúp thúc đẩy những chuyển đổi nhanh chưa từng có tại một trong những nước đang phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng Galaxy lớn nhất của tập đoàn quốc tế Samsung. Các sản phẩm của Samsung đóng góp trên 10% tổng doanh số xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Không dừng tại đó, Samsung đang tiến hành hoàn tất thủ tục xây dựng nhà máy thứ 3 tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Ngoài ra, các hãng công nghệ danh tiếng như Intel, LG Electronics và Foxconn… không ngừng mở rộng các nhà máy sản xuất, xuất khẩu điện thoại thông minh và linh kiện máy tính quy mô lớn tại Việt Nam, giúp tăng tốc một trong những chuyển đổi kinh tế nhanh nhất tại thế giới các nước đang phát triển.
Theo các chuyên gia công nghệ, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp và thực sự chưa bền vững như hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài dường như yêu thích thị trường có những cơ hội mang tính ổn định và bền vững lâu dài hơn. Đông Nam Á được đánh giá là một khu vực như vậy. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao hơn một số khu vực khác cũng như so với tốc độ phát triển bình quân của thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu về phát triển công nghệ tại khu vực là rất lớn. Mặc dù chỉ có khoảng 600 triệu dân, nhưng tốc độ nắm bắt internet và công nghệ cao không thua gì Mỹ hay châu Âu. Vì thế, Đông Nam Á được xem là thị trường rất giàu tiềm năng bên cạnh nhân công lao động giá rẻ luôn hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghệ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Mặt khác, chính phủ các nước Đông Nam Á luôn chú trọng đầu tư và phát triển ở lĩnh vực này.
Vào tháng 5 vừa qua, Hãng Intel Capital của Mỹ hay Tổ chức đầu tư toàn cầu của Tập đoàn Intel và Tổ chức M&A đã công bố đầu tư vào 2 công ty khu vực Đông Nam Á: Reebonz.com có trụ sở chính tại Singapore, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất về bán lẻ hàng xa xỉ phẩm của châu Á và Công ty CP Truyền thông Việt Nam (VCCorp) có trụ sở chính tại Hà Nội, một công ty chuyên về cơ sở hạ tầng internet và dịch vụ. Các khoản đầu tư hàng chục triệu USD này hỗ trợ việc tiếp tục phát triển các trải nghiệm tham gia trực tuyến của quốc gia nhằm giúp tăng cường ứng dụng công nghệ và sử dụng băng thông rộng tốc độ cao trên toàn Đông Nam Á. Intel Capital bắt đầu “đổ bộ” vào Đông Nam Á năm 1999, kể từ đó đã đầu tư hơn 95 triệu USD vào khá nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong khu vực. Thị trường Đông Nam Á vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế!
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama từng chia sẻ rằng, công nghệ chuyên sâu là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới.
NAM VIỆT (Tổng hợp)