Người Quảng tiếc thương
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên giấc nghìn thu, để lại niềm tiếc thương vô bờ bến đối với dân tộc Việt Nam. Riêng với những cựu chiến binh từng được gặp ông, trực tiếp tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở xứ Quảng, niềm tiếc thương càng gấp bội.
Ảnh tư liệu. |
1. Từ khi nhập ngũ (năm 1964) đến nay, ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết đây là lần thứ 2 mình bị “sốc”. Lần đầu là vào 9 giờ 47 phút ngày 3.9.1969, lúc đang học tại miền Bắc, nghe thông cáo của Đảng và Nhà nước về tin Bác Hồ qua đời. Và tin Đại tướng Võ Nguyên giáp từ trần hôm 4.10 là lần thứ 2 khiến cá nhân ông “sốc”.
Ông Nguyễn Xuân An. |
Ông An cho biết, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam mà đối với Hội Cựu chiến binh (CCB), Đại tướng còn là Chủ tịch Danh dự Hội CCB Việt Nam. Chính vì thế, tin Đại tướng qua đời, bản thân ông và toàn thể cán bộ, hội viên CCB trên toàn tỉnh đều rất đau buồn. Tuy rằng không nghe được tiếng nói của Đại tướng nhưng vẫn thấy hình ảnh của Đại tướng để từ đó động viên bản thân trong những năm tháng cùng với đồng chí, đồng đội tiếp tục tham gia vào nhiệm vụ chính trị là xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.
2. Bản thân từng tham gia kháng chiến, có nhiều thời gian được làm việc, tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên sự ra đi của Đại tướng đã khiến ông Trần Kim Anh (86 tuổi, trú tại khối phối Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) hết sức đau buồn, thương tiếc. “Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên giáp qua đời, dù biết Đại tướng tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng sự ra đi ấy vẫn khiến cho tôi tiếc thương vô hạn” - ông Anh nói. Và ước mong của ông Trần Kim Anh là được ra Hà Nội viếng hương Đại tướng.
Ông Trần Kim Anh. |
Khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1973, khi ông Anh công tác tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là những năm ông may mắn được nhiều lần gặp và trực tiếp làm việc cùng với Đại tướng. Hiện nay, những kỷ niệm, ấn tượng của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không phai. Đó là kỷ niệm về một vị Tổng tư lệnh quyết đoán, bình tĩnh, sáng tạo trong chỉ huy chiến đấu, lại vừa giản dị, gần gũi, hiền hậu với đồng chí, đồng đội.
Sau này, hòa bình lập lại, trên cương vị Chủ tịch Hội CCB tỉnh, ông Trần Kim Anh có nhiều dịp ra Hà Nội thăm Đại tướng. Ông Anh cho biết, mỗi lần được gặp, nói chuyện với Đại tướng, ông đều rất xúc động.
3. Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, bà Cao Thị Kim (SN 1952 thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) kể, năm 1969, khi đang làm nhiệm vụ cõng hàng hóa trên đường Trường Sơn huyền thoại, thuộc địa phận huyện Phước Sơn, bà và các anh chị em trong đơn vị vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Kim nhớ lại: “Lúc đó, bác Giáp mang chiếc túi xách trên vai cùng 2 người cận vệ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên mọi người: Dù có khó khăn, gian khổ đến mấy các đồng chí cũng phải cố gắng vượt qua, bởi đồng bào miền Nam đang chờ chúng ta và mong ngày non sông thu về một mối, nhà nhà sum họp”.
Ông Đoàn Tất Thắng. |
4. Đôi mắt rưng rưng khi hồi tưởng về phút giây gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Đoàn Tất Thắng (SN1927, thôn Khương Mỹ, Tam Xuân 1, Núi Thành) nhớ lại: “Một ngày của năm 1961, khi đó tôi đang là Trung đội phó Trung đội Sơn pháo 75 (thuộc E44, F305 đóng tại Phú Thọ), Đại tướng đến thăm đơn vị. Sau khi thăm, tìm hiểu nơi ăn chốn ở của anh em, Đại tướng bất ngờ hỏi tôi: Đồng chí quê đâu, có vợ con chưa? Tôi đứng nghiêm chào và trả lời dõng dạc: Thưa Đại tướng, tôi quê ở huyện Tam Kỳ (cũ) tỉnh Quảng Nam, đã có một vợ và một con. Nghe vậy Đại tướng ân cần hỏi tôi: Có nhớ nhà, nhớ quê không và có nguyện vọng gì? Tôi trả lời ngay: Thưa Đại tướng, tôi muốn trở về giải phóng quê hương. Nghe đến đây, Đại tướng nhìn thẳng vào tôi bằng ánh mắt cương nghị của vị tướng và bắt tay động viên rằng một ngày không xa tôi sẽ được trở về quê hương chiến đấu, được sum họp với gia đình. Hình ảnh và cái bắt tay của Đại tướng theo tôi suốt những năm tháng đi đánh giặc, đã giúp niềm tin tất thắng trong tôi chưa bao giờ tắt”.
Ông Trần Tiến Phương. |
5. Ông Trần Tiến Phương - Chủ tịch Hội CCB xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành) chia sẻ: “Không riêng gì tôi, anh em CCB ở xã khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đều đau lòng, bởi với những người lính chúng tôi, Đại tướng luôn khắc sâu trong tiềm thức. Những ngày trực tiếp làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia chính hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã củng cố bản lĩnh chiến đấu của tôi trong muôn vàn khó khăn. Trận đánh Xaveynamvack (tỉnh Prec Vhia, Campuchia) Pôn Pốt có đến một tiểu đoàn với hỏa lực mạnh trong khi ta chỉ có một đại đội. Giữa lúc khó khăn, anh em bảo nhau: chúng ta là lính của một quân đội chính nghĩa, có Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp chỉ huy từng thắng Pháp, thắng Mỹ thì mình không thể thất bại được. Khi nhắc đến tên Đại tướng, như được tiếp thêm sức mạnh anh em trong đại đội hừng hực khí thế tiến công. Và mặc dù chênh lệch về quân số, hỏa lực nhưng chúng tôi kiên cường tấn công, tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch”.
6. Từng là người lính cụ Hồ, tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương khi mới 14 tuổi, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, cựu chiến binh Lê Công Tiến ở xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) cho rằng, trải qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một gia tài đồ sộ về chiến lược quân sự, cùng với lòng nhân ái, yêu thương con người vô bờ bến. Giọng ông Tiến bùi ngùi: “Mấy hôm nay, mỗi khi xem lại những thước phim tư liệu về con người và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nước mắt tôi cứ tự dưng tuôn trào. Từ lâu lắm rồi, trong trái tim tôi luôn dành cho ông những tình cảm trân trọng và sự tôn kính cao quý nhất. Xin vĩnh biệt Đại tướng, người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
7. Sáng 6.10, vợ chồng bà Cao Thị Kim và ông Lê Xuân – một gia đình có truyền thống cách mạng ở thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn chăm chú theo dõi những hình ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chiếu trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Chiến sĩ cách mạng Cao Thị Kim đang kể lại lần may mắn được gặp trực tiếp Đại tướng trên đường Trường Sơn huyền thoại vào năm 1969. Ảnh: Thành Sự |
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá ác liệt, năm 17 tuổi, bà Cao Thị Kim (SN 1952) tham gia vào Ban Giao vận thuộc Khu ủy khu V, cùng đồng đội trực tiếp vận chuyển hàng hóa từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong những năm tháng khói lửa đạn bom mịt mù ấy, bà từng gặp nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Kim kể, năm 1969, khi đang làm nhiệm vụ cõng hàng hóa trên đường Trường Sơn huyền thoại, thuộc địa phận huyện Phước Sơn, bà và các anh chị em trong đơn vị vinh dự được gặp Đại tướng. Bà Kim nhớ lại: “Lúc đó, bác Giáp mang chiếc túi xách trên vai cùng 2 người cận vệ trực tiếp đến thăm hỏi, động viên tất cả mọi người. Bác Giáp nói dù có khó khăn, gian khổ đến mấy các đồng chí cũng phải cố gắng vượt qua, bởi đồng bào miền Nam đang chờ chúng ta và mong ngày non sông thu về một mối, nhà nhà sum họp”. Còn ông Lê Xuân - chồng của bà Kim, một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất thì xúc động nói: “Mặc dù chưa được gặp, chưa từng tiếp xúc nhưng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi không thể cầm lòng được. Thật xót xa khi giờ đây đất nước mãi mãi mất đi một nhà cầm quân vĩ đại trong lịch sử dân tộc và trên thế giới”.
NHÓM PV - CTV