Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát: Chạy theo lợi nhuận

Thực hiện chuyên đề: Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC 05/10/2013 09:06

Thông tin giá tôm cao ngất ngưởng khiến chúng tôi tìm về những “vựa tôm” lớn ở vùng đông Thăng Bình, Núi Thành. Cách đây chừng 3 năm, nhiều người nuôi tôm TCT lao đao vì dịch bệnh hoành hành. Hàng loạt diện tích bỏ hoang hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Những đồi dương chắn cát, sóng biển đã bị san múc, biến dạng. Bao vụ mùa thất bát liên tiếp xảy ra, những tưởng nông dân sẽ từ bỏ “giấc mộng tôm”, nào ngờ bây giờ lại bùng phát mạnh trở lại.

Lợi nhuận khủng

Năm 2007 - thời điểm bắt đầu chuyển đổi đối tượng nuôi tôm TCT thay cho tôm sú tại Quảng Nam, hình thức nuôi tôm bằng cách lót bạt cũng thành hình. Từ đó đến nay, diện tích nuôi tôm TCT bằng cách lót bạt không ngừng tăng lên. Nếu năm 2007 chỉ có gần 10ha thì đến nay đã có gần 350ha ao nuôi, chủ yếu là nuôi trên cát dọc theo đường Thanh niên ven biển kéo dài từ Duy Xuyên đến Núi Thành. Xã Bình Hải (Thăng Bình) là địa phương có diện tích nuôi tôm TCT trên cát lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 200ha. Thời gian qua, giá tôm thương phẩm không ngừng tăng khiến “cơn sốt” đào ao, lót bạt, nuôi tôm ngày một “nóng” trên địa bàn này. Hai anh em ông Nguyễn Văn Tốt (quê xã Bình Nam, Thăng Bình) có 5 sào ao tôm (2.500m2) tại vùng nuôi tập trung thôn Kỳ Trân (xã Bình Hải). Tuy vào mùa mưa nhưng cánh đồng tôm Kỳ Trân như bước vào vụ chính, ít thấy cảnh ao nuôi bỏ hoang đóng rêu như trước đây. Anh Tốt cho biết: “Vụ thu hoạch tôm vừa rồi dù bán “tôm non” nhưng 3 ao tôm (diện tích khoảng 1.000m2) vẫn cho lãi 150 triệu đồng. So với nhiều người nuôi khác, tôi thu nhập còn khiêm tốn nhưng rất phấn khởi”. Theo anh Tốt, với giá trung bình khoảng 130 nghìn đồng/kg tôm TCT như hiện nay, chỉ cần nuôi thả trong vòng 50 ngày rồi thu hoạch vẫn có thể lời. Thông thường, tôm nuôi 3 tháng mới xuất bán. “Trước đây dân nuôi liên tục 4 vụ/năm, nhưng kinh nghiệm bây giờ là phơi ao một thời gian để chống nhiễm khuẩn nguồn nước. Nhiều người “bạo gan” còn sẵn sàng bỏ tiền thuê lại đất vườn của người dân để mở rộng diện tích” – anh Tốt tiết lộ.

Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cho năng suất cao. Ảnh: Q.VIỆT
Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cho năng suất cao. Ảnh: Q.VIỆT

Cán bộ xã Bình Hải liệt kê hàng chục tỷ phú, triệu phú tôm năm nay. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Công Cần (thôn Kỳ Trân), Trần Văn Tùng (thôn Đồng Trì) với lợi nhuận “khủng” lên đến hàng tỷ đồng sau một vụ nuôi. Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải – ông Nguyễn Thanh Minh khẳng định, đa số người nuôi tôm TCT trên địa bàn từ cuối năm 2012 đến nay đều không thua lỗ mà đạt năng suất cao. Hiện tại, người dân không nuôi theo kiểu gối vụ mà chọn phương thức phơi hồ để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. “Theo quy hoạch của huyện thì Bình Hải có 70,5ha đất nuôi tôm TCT. Khi vào đây sản xuất, người dân sẽ đóng tiền sử dụng đất, nhưng thực tế địa phương chỉ tuân thủ đúng quy hoạch hơn 40ha, diện tích còn lại người dân phát triển tự phát, mở rộng ao nuôi trái phép” – ông Minh thông tin.

Thời gian qua, tại huyện Núi Thành, diện tích nuôi tôm TCT trên cát ngày một tăng lên. Xã Tam Hòa là địa phương điển hình. Nhiều hộ nuôi tại đây đã có nguồn thu nhập lớn khi thu đến 20 tấn/ha/vụ. Một số hộ nuôi cá biệt như gia đình ông Trần Công Thành (thôn 1, Tam Hòa) thu hoạch đến 25 tấn/ha/vụ. Với 2 vụ nuôi từ đầu năm đến nay trên hàng chục héc ta, ông Thành đạt doanh thu rất cao, hơn 10 tỷ đồng. Nguồn nước trong ao nuôi tôm TCT trên cát chủ yếu được lấy từ biển, trộn lẫn với nước giếng đóng. Nguồn nước này được xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn nên hầu như không chịu tác động xấu từ biến động của thời tiết. Thêm vào đó là do nuôi thâm canh nên các hộ đã sử dụng con giống chất lượng, nuôi đúng quy trình, vì vậy đạt hiệu quả sản xuất rất cao. Với lợi nhuận cao từ hình thức nuôi này, thời gian gần đây người dân lại ồ ạt đào ao nuôi sát nhà, chuyển đổi đất canh tác khi chưa được cấp phép nên đã gây nên nhiều hệ luỵ.  

Gánh nặng môi trường

 Khác với nuôi tôm nước lợ, việc đầu tư nuôi tôm TCT tốn kém, ảnh hượng nặng đến môi trường. Nuôi tôm TCT khai thác lượng nước ngầm trong lòng đất khá lớn trộn lẫn với nước biển, liên tục sử dụng thuốc kháng sinh chống dịch cho tôm… Ông Nguyễn Văn Tốt cho biết, trung bình mỗi sào ao nuôi tôm TCT trên cát phải đầu tư gần 10 triệu đồng tiền thuốc hóa học (trong đó có nhiều loại thuốc người nuôi không biết rõ nguồn gốc) “đánh” vào nước ao trong suốt 1 vụ. Trong khi đó, hầu hết ao nuôi tôm không có công trình lắng, xử lý nước thải vì người nuôi ngại đầu tư bởi chi phí cao và chiếm nhiều diện tích. Nguồn nước thải nuôi tôm TCT trên cát chưa qua xử lý ở Bình Hải chủ yếu đổ ra biển, một số vùng nuôi khác còn đổ xuống sông hoặc “xả thí” ra môi trường.

Khó xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung
Ông Nguyễn Viết Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết: “Đơn vị đã có hướng dẫn từng hộ dân nuôi tôm phải có các bể lắng, bể lọc và bể khử trùng nước thải để xử lý sơ bộ trước khi thải ra môi trường nhưng hiện nay người nuôi chủ yếu sản xuất tự phát nên diện tích đất đều sử dụng hết để nuôi tôm, không có diện tích đất xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Chúng tôi cũng hướng dẫn các nhóm hộ dân nuôi tôm (từ 6 - 10 hộ) tập trung nước thải về bể thu gom và xử lý lắng lọc, khử trùng trước khi thải ra môi trường nhưng nếu triển khai thực hiện thì không có hộ dân nào chịu trích quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, chi phí để xây dựng, vận hành hệ thống xử lý quá cao nên không thể triển khai thực hiện”.

Một số địa phương ở Thăng Bình, Núi Thành còn mở rộng ao nuôi tôm TCT trên cát trong khu dân cư, thậm chí bên vách nhà khiến nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn. Khảo sát nhiều vùng nuôi tôm TCT trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy ít có hộ nuôi xử lý nước thải bài bản trước khi xả ra môi trường. Chỉ mới dợm chân bước đến khu vực nuôi tôm thôn 1 (xã Tam Hải, Núi Thành) đã nghe mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi. Khi vào bên trong, chúng tôi chứng kiến hình ảnh màu đen kịt của nước thải thoát ra từ các hồ nuôi kéo theo từng đàn ruồi muỗi vây quanh. Ông Phạm Văn Nghĩa (thôn 1, xã Tam Hải, chủ hộ nuôi tôm TCT trên cát với diện tích 6.000m2) cho biết: “Thấy các hộ trong khu vực thu được lợi nhuận cao, gia đình tôi cũng tham khảo, làm theo. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đầu tư cho mô hình này. Với 3 ao nuôi, chúng tôi đã đầu tư gần 500 triệu đồng. Thấy các hộ xung quanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, mà việc đầu tư này quá tốn kém nên gia đình chúng tôi cũng chưa đầu tư”.

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình nuôi tôm TCT trên cát tại các địa phương ven biển vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở NN&PTNT khẩn trương xây dựng và ban hành quy trình hướng dẫn quản lý và xử lý môi trường vùng nuôi tôm; phối hợp với các ngành, địa phương thiết kế mẫu ao xử lý nước thải trong vùng và hướng dẫn xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT đã đưa ra nhiều phương án để hướng dẫn các hộ dân xử lý nước thải nuôi tôm nhưng đến thời điểm này đều không triển khai thực hiện được.

Thực hiện chuyên đề: Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC

Thực hiện chuyên đề: Q.VIỆT - H.PHÚC - M.ĐỨC