Một đời vì cách mạng

LÊ NĂNG ĐÔNG 05/10/2013 08:59

Trong căn nhà nhỏ số 87, đường Quang Trung, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, trang sử về người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Xuân Nhĩ được đồng chí, đồng đội, bạn bè và gia đình ôn lại như một niềm tự hào đối với thế hệ hôm nay.

Nguyễn Xuân Nhĩ, tên thường gọi là Nguyễn Công Tâm (Tám Tâm), sinh ngày 15.2.1912, tại làng Bích Trâm, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn. Từ lúc còn học tiểu học, Nguyễn Xuân Nhĩ đã tham gia các phong trào yêu nước như phong trào đấu tranh để tang Phan Châu Trinh, đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, vận động cải cách, mặc áo ngắn... Năm 1930, khi học tại trường Quốc học Huế, tranh thủ thời gian nghỉ hè, Nguyễn Xuân Nhĩ tham gia tuyên truyền cách mạng, vận động, giác ngộ quần chúng; tham gia thành lập các tổ Nông hội đỏ ở địa phương, sau đó thành lập Ban cán sự Nông hội đỏ làng Bất Nhị. Thông qua các hội viên Nông hội đỏ, đồng chí vừa tuyên truyền về ý nghĩa của việc thành lập Đảng, vận động hội viên hưởng ứng các cuộc đấu tranh, tham gia rải truyền đơn tố cáo tội ác của địch, treo cờ búa liềm ở trung tâm các xã để tạo thành thế của Đảng trong các tầng lớp nhân dân. Tháng 9.1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia sinh hoạt trong chi bộ trường Quốc học Huế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (hàng ngồi, thứ 5 từ trái sang) trong lần thăm trường Đào tạo cán bộ xã, phường (T74) khu 5. Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (hàng ngồi, thứ 5 từ trái sang) trong lần thăm trường Đào tạo cán bộ xã, phường (T74) khu 5. Ảnh tư liệu

Tháng 10.1930, do tham gia phong trào bãi khóa của học sinh trường Quốc học Huế hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí bị thực dân bắt giam tại nhà lao Thừa phủ Huế. Trong nhà lao, đồng chí là một trong những tù nhân chính trị tham gia đấu tranh hăng hái và quyết liệt nhất. Năm 1933, được thả tự do, đồng chí về quê tiếp tục hoạt động, đồng chí thường xuyên đến các địa phương trong phủ Điện Bàn, huyện Hòa Vang để gây dựng cơ sở, lập tổ chức Nông hội đỏ của địa phương.

Năm 1936, Nguyễn Xuân Nhĩ vào Sài Gòn dạy học và tham gia phong trào Ái hữu. Cuối năm 1937, ông về lại Quảng Nam. Lúc này Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát động phong trào truyền bá quốc ngữ, vận động nhân dân đi học vừa để biết chữ, vừa nâng cao hiểu biết về chính trị và cách mạng. Đồng chí cùng với đồng chí Trần Tống, Nguyễn Đức Thiệu dạy học tại Đà Nẵng. Qua dạy học, đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ vừa tranh thủ xúc tiến vận động cách mạng, vừa dùng trường làm nơi họp bí mật của Đảng.

Trong cuộc mít tinh kỷ niệm cách mạng tư sản Pháp, mặc dù không trực tiếp tham gia, nhưng Nguyễn Xuân Nhĩ là người xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị toàn bộ nội dung về diễn văn, góp phần đưa buổi mít tinh đạt kết quả, tạo được dư luận trong vùng. Sau sự kiện này, Nguyễn Xuân Nhĩ bị bắt giam tại nhà Vĩnh Điện (làng La Qua, Điện Bàn). Trong phiên tòa xét xử tù chính trị ngày 6.1.1940 ở Vĩnh Điện, Nguyễn Xuân Nhĩ cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Thiệu, Trần Tống và Nguyễn Thành Hãn đã dùng những lý lẽ sắc bén vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch. Sự kiện này được sử sách gọi là “cộng sản lật đổ quan tòa” gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Kết thúc phiên tòa, mặc dù không có cơ sở để kết án nhưng chúng vẫn ghép ông tội chống án và tăng thêm 2 năm tù, đưa xuống giam ở nhà lao Hội An, rồi đày đi Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Trong tù, Nguyễn Xuân Nhĩ được gặp Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu được bồi dưỡng thêm lý tưởng, bản lĩnh chính trị. Sau khi được ra tù (9.3.1945), ông cùng với đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) lo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam.

Trong những năm chống Pháp Nguyễn Xuân Nhĩ được Liên khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum, rồi Phó ban Tổ chức Liên khu ủy 5. Sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được giao nhiệm vụ tham gia tiếp quản thủ đô Hà Nội, rồi công tác ở Ban Kiểm tra Đảng.  Năm 1955, ông được Đảng điều động về lại miền Nam trụ bám lãnh đạo phong trào đấu tranh ở chiến trường Liên khu 5, được cử làm Bí thư Liên tỉnh II: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông đã cùng Liên khu ủy 5 tổ chức quán triệt, triển khai đến các địa phương, chuyển phong trào cách mạng của Liên khu 5 lên thế tấn công địch. Trong thời gian này, bất chấp địch lùng sục, truy lùng đánh phá, ông liên tục đi công tác xuống các tỉnh cực Nam, khu vực Tây Nguyên để chỉ đạo phong trào. Trong thời gian sống chung với đồng bào, ông luôn thực hiện phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), thậm chí còn nhuộm răng, để tóc dài, mặc khố, để râu dài, học ngôn ngữ, nắm phong tục tập quán... nhờ đó đã tạo niềm tin, thuyết phục đồng bào các dân tộc hăng hái phục vụ kháng chiến.

Từ năm 1960 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là Thường vụ Khu ủy 5, Trưởng ban Tổ chức và phụ trách công tác an ninh khu 5. Trong những ngày Tổng tiến công nổi dậy xuân 1975, ông trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 10, lực lượng an ninh vũ trang khu 5 phối hợp với Đặc khu Quảng Đà tiếp quản TP.Đà Nẵng sau những ngày giải phóng.

“Vinh dự được làm thư ký cho anh, tôi thấy anh là người lạc quan, chín chắn, thận trọng, đức độ khoan dung, thương yêu quý trọng cán bộ, luôn có tinh thần đấu tranh, xây dựng góp ý cho đồng chí, đồng đội một cách hợp lý, hợp tình, phê bình một cách chân tình, cởi mở, không định kiến. Đặc biệt anh luôn có ý thức và trách nhiệm trong việc đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở. Anh đã thể hiện đầy đủ phẩm chất của người làm công tác tổ chức, đúng như tên gọi của anh: Công Tâm”. Đó là tâm sự của ông Hoàng Châu Sinh, nguyên Thư ký của đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ. Còn ông Lê Tấn Tỏa, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Khu ủy 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nêu nhận xét: “Anh  là một người suốt đời tận tụy, trung thành với sự nghiệp cách mạng. Trên cương vị một đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Liên khu ủy 5, anh luôn dìu dắt, giúp đỡ anh em trong ban nắm vững các nguyên tắc về xây dựng Đảng,  phải nắm vững dân chủ, tập trung đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Khi một đồng chí nào có phạm sai lầm, khuyết điểm anh trực tiếp gần gũi, khuyên răn, tâm tình,  nên thuyết phục được cán bộ đảng viên cấp dưới mình”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

LÊ NĂNG ĐÔNG