Nghị lực của Huyên

PH.GIANG - V.TOÀN 04/10/2013 13:50

Giảng đường đại học đã mở cửa đối với chàng trai khiếm thị Lý Giang Huyên (sinh năm 1991, thôn Phú Cốc Đông, Quế Thọ, Hiệp Đức).
Bảy tuổi, Huyên bị mù. Mười tuổi, Huyên một mình ra Đà Nẵng, bắt đầu hành trình một buổi đi học, một buổi rong ruổi với xấp vé số kiếm tiền đi học và chắt chiu gửi về phụ mẹ thuốc thang. Gia tài quý nhất đến bây giờ của cậu học trò nghèo là học sinh giỏi 12 năm liền và tờ giấy báo đỗ đại học chất đầy lo toan...

Huyên kể, năm 2001 mẹ Huyên là bà Lý Thị Tám trở bệnh, thị lực giảm sút chỉ còn 2/10. Một năm sau ngày mẹ ngã bệnh, Huyên rời quê nghèo ra Đà Nẵng xin vào học tại trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ba năm sau, mẹ Huyên bị bệnh thoái hóa khớp mất khả năng lao động. Nhà chỉ có hai mẹ con, Huyên vừa phải tự trang trải việc học, vừa phải cố gắng kiếm tiền gửi về nuôi mẹ ở quê. Dù nhọc nhằn bươn chải nhưng Huyên vẫn đều đặn nằm trong tốp học sinh giỏi của lớp. Tốt nghiệp THPT loại giỏi, Huyên làm hồ sơ xét tuyển vào khoa Luật trường Đại học Khoa học Huế và trúng tuyển.
Trở thành tân sinh viên khoa Luật, cuộc điện thoại đầu tiên Huyên gọi về nhà là những lời động viên mẹ. Hơn 10 năm sống xa nhà, lúc nào Huyên cũng đau đáu lo cho người mẹ vừa bị mù, vừa thoái hóa khớp xương. Huyên chỉ có thể tranh thủ dăm ba tháng về thăm và dành dụm tiền mua thuốc cho mẹ. Sát ngày nhập học, Huyên vẫn rối bời với nỗi lo không có tiền, không biết bắt đầu những năm tháng sinh viên của mình như thế nào ở một thành phố xa lạ.

“Đến giảng đường học tập là ước mơ của em, của mẹ. Đi làm thêm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học nên em luôn tâm niệm phải cố gắng gấp đôi, gấp ba các bạn. Hy vọng em sớm tìm được việc làm để có thể yên tâm đến giảng đường học tập, chăm lo cho mẹ ở quê” - Huyên nghẹn ngào. Giảng đường là ước mơ, là ánh sáng duy nhất cho cậu học trò khiếm thị bước tiếp, dù phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai...

Ngày nhập học, Huyên ra Huế với vỏn vẹn vài trăm nghìn đồng dành dụm. Vừa tìm được một căn phòng trọ giá rẻ ở gần trường, Huyên đã phải lặn lội khắp các thành phố, tìm đến các trung tâm bảo trợ người khuyết tật để tìm việc làm. Cuộc sống tự lập từ nhỏ phần nào giúp Huyên đỡ bỡ ngỡ ở một thành phố lạ, những người bạn ở trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Huyên. “Các bạn ở lớp dù chỉ mới quen nhưng cũng rất quan tâm, hay lui tới thăm, trò chuyện và giúp đỡ em rất nhiều. Dù không nhìn thấy nhưng em vẫn cảm nhận được sự quan tâm của mọi người. Tiếc là những buổi học đầu em viết chữ Braille nên không theo kịp, phải nhờ vào chiếc máy ghi âm cũ mua gần 5 năm trước, nhưng giờ cũng giở chứng lúc được lúc không” - Huyên tâm sự.

Chúng tôi tìm đến nhà Huyên ở tổ 4, thôn Phú Cốc Đông, mẹ Huyên mò mẫm từng bước ra đón khách. Bà bảo: “Tôi thì già rồi, chỉ thương Huyên vừa phải tự lo cho bản thân nơi đất khách, còn thêm gánh nặng người mẹ đau yếu, mù lòa”. Mọi sinh hoạt, bà Tám phải nhờ bà con chòm xóm cưu mang. Số tiền trợ cấp cho người khuyết tật hàng tháng chỉ đủ đong gạo, thuốc men một phần nhờ bảo hiểm y tế được cấp, một phần do Huyên tiết kiệm gửi về. Ông Bùi Thanh Hà - Trưởng thôn Phú Cốc Đông cho biết: “Gia đình Huyên thuộc diện khó khăn nhất nhì xã. Mẹ Huyên hiện tại sống nhờ trợ cấp và sự bảo bọc của bà con chòm xóm. Huyên đỗ đại học, bà con trong xóm vừa mừng, vừa lo cho hoàn cảnh của cậu sinh viên nghèo. Nhưng chúng tôi tin bằng nghị lực cũng như những khó khăn đã vượt qua lâu nay, Huyên sẽ tiếp tục theo đuổi giảng đường đại học đến cùng”.

PH.GIANG - V.TOÀN

PH.GIANG - V.TOÀN