Mong ước của 2 nữ chủ nhiệm

VĂN TOÀN 04/10/2013 09:34

Họ là những phụ nữ có hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều trăn trở làm sao cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương mình giữ vững chất lượng và ngày càng được nhiều người biết đến...

Chị Huỳnh Thị Quý và sản phẩm “Rượu cần sông Trà”.
Chị Huỳnh Thị Quý và sản phẩm “Rượu cần sông Trà”.

Mong có một cơ sở khang trang

Chị Huỳnh Thị Quý - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh Quế Thọ (thôn Hóa Trung, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) từng là nhân vật trong bài viết đăng trên Báo Quảng Nam. Chị Quý đã có công rất lớn trong việc khôi phục và phát triển 2 sản phẩm truyền thống của huyện Hiệp Đức là “Rượu cần sông Trà” và  “Chè, trà xanh Mỹ Thạnh”.

Với chị Quý, mong ước lớn nhất lúc này là mặt bằng của HTX sớm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị Quý cho biết, HTX Quế Thọ từ khi thành lập cho đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy HTX không thể vay vốn từ ngân hàng. Để có nguồn vốn hoạt động, không còn cách nào khác bản thân chị và các thành viên khác phải bỏ tiền túi và đứng trên danh nghĩa cá nhân vay tiền góp vào nguồn quỹ hoạt động của HTX. “Chị em ở đây phải huy động mọi nguồn vốn vay của gia đình mình như vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất; thậm chí phải thuyết phục chồng và gia đình cho cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng từ đó mới có số tiền lớn để góp vốn vào cho HTX hoạt động. Cán bộ địa chính của huyện đã đo đạc diện tích của cơ sở HTX là 888m2, nhưng không biết khi nào được cấp sổ đỏ” - chị Quý cho biết.

Chị Quý hồ hởi kể về những dự định khi HTX được sổ đỏ: “Khi đó, HTX sẽ vay vốn khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ được đầu tư để sửa sang lại cơ sở cho chị em làm việc không còn cảnh ẩm thấp, tối tăm, chạy đôn chạy đáo thu dọn máy móc và sản phẩm mỗi khi có mưa, lốc. HTX sẽ xây dựng quầy trưng bày sản phẩm thật khang trang, rộng rãi; có chi phí để quảng bá những sản phẩm mang thương hiệu của huyện đi xa. Thậm chí, nếu được vay thêm, HTX sẽ đứng ra thu mua sắn tươi của nhân dân trong huyện, đầu tư máy móc, chế biến thành sắn lát khô để không còn cảnh đến mùa thu hoạch là sắn của nông dân tồn đọng và bị thương lái ép giá”. Những dự định của chị đều vì sự phát triển của HTX Quế Thọ và quê hương Hiệp Đức, còn số tiền hơn 50 triệu đồng chị cầm sổ đỏ gia đình vay ngân hàng để HTX tạm thời có kinh phí hoạt động đến nay chưa trả được mà chị vẫn không tính đến.

Trăn trở làng nghề

Đã gần một tháng kể từ ngày làng chổi đót Thạch Hòa (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, buồn vui lẫn lộn vẫn cứ theo chị Trần Thị Hậu - Chủ nhiệm Tổ hợp tác làng nghề chổi đót Thạch Hòa. Theo chị Hậu, năm 2009 khi mới được UBND huyện Quế Sơn công nhận là làng nghề truyền thống, làng nghề đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng một cổng chào khang trang. Cũng từ đó làng quê trở nên tấp nập, nhộn nhịp bởi các đoàn thể, đoàn khách từ các nơi đổ về tham quan, học hỏi, mua sản phẩm. Có người ở tận huyện Đông Giang cũng tới học hỏi kinh nghiệm làm chổi đót. Sản phẩm làng nghề cũng được tham gia vào các hội chợ trong tỉnh, ít bị thương lái ép giá như trước. Nay được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, chổi đót Thạch Hòa sẽ có nhiều cơ hội trong việc mở rộng phát triển sản xuất và phạm vi tiêu thụ sản phẩm hơn nữa.

Chị Trần Thị Hậu mong làng nghề chổi đót Thạch Hòa có một “cú hích” mới. Ảnh: VĂN TOÀN
Chị Trần Thị Hậu mong làng nghề chổi đót Thạch Hòa có một “cú hích” mới. Ảnh: VĂN TOÀN

Song, điều làm chị Hậu trăn trở, lo lắng rất nhiều là làm sao để sản phẩm chổi đót của làng có chất lượng, làng nghề xứng đáng với danh hiệu UBND tỉnh công nhận. “Khó khăn làng nghề đang gặp phải rất nhiều, trong đó chủ yếu là về nguồn vốn, nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm. Những điều này đã tác động không nhỏ tới việc sản xuất của 47 thành viên tổ hợp cũng như nhiều hộ dân khác trong làng nghề” - chị Hậu nói. Minh chứng điều này, chị cho biết, hiện 1 tấn đót khô người dân phải mua với giá 32 triệu đồng, trong khi giá một cây chổi đót bán ra thị trường tùy độ dày mỏng mà có giá từ 17 - 20 nghìn đồng, sau khi trừ chi phí, tính ra người sản xuất chỉ lời được 2 nghìn đồng/cây chổi. Tiền lãi sẽ gấp đôi nếu mua đót tươi nhưng công sức bỏ ra cũng sẽ gấp đôi. Thu nhập từ sản phẩm làng nghề thấp, bản thân chị Hậu và nhiều thành viên của Tổ hợp tác làng nghề phải làm thêm công việc nhận đan lồng nuôi trai xuất khẩu cho một công ty ở Đà Nẵng. “Chúng tôi hy vọng, khi được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, Thạch Hòa sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn, đồng thời có tổ chức hay doanh nghiệp đứng ra làm trung gian thu mua đót và tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Khi có giá cao và ổn định, người dân không bị chi phối nhiều từ thị trường, sản phẩm của làng nghề sẽ giữ vững chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường” - chị Hậu bày tỏ ước mong.

VĂN TOÀN

VĂN TOÀN