Đông Bình vẫn còn trắc trở
Trước mùa mưa lũ, “ốc đảo” Đông Bình (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) lại phập phồng nỗi lo cây cầu phao sẽ “nghỉ đông” sớm vì hư hỏng. Dự án đưa khách Tây về làng, phục hồi rừng dừa, cây lác, phát triển nghề dệt chiếu truyền thống… chừng như vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.
Thu nhập thấp
Giữa bốn bề mênh mông nước, nhô lên một doi đất Đông Bình, nhìn giống như chiếc lá bé tẹo chìm nổi giữa sông. Vừa rời cầu phao, ngay đầu làng đã thấy vài ba lão nông tri điền nghỉ ngơi bên những gốc tre già. Khuôn mặt rám nắng, lộ đầy vẻ khắc khổ, ông Đỗ Mạnh (dân Đông Bình) thở dài: “Làng có thay đổi chi đâu, xưa đã nghèo nay lại gặp khó hơn. Cả làng sống nhờ nghề chiếu, nhưng năm nay rớt giá thê thảm, giảm hơn một nửa so với hồi năm ngoái. Mỗi ngày chăm chỉ dệt cũng kiếm chưa được 70 nghìn đồng, sống sao nổi. Lao động chính, chủ yếu lực lượng thanh niên đã bỏ làng đi nơi khác làm ăn hết”. Mùa đông là thời vụ làm chiếu ở Đông Bình, nhưng hiện không khí sản xuất vẫn rất ảm đạm. Hồi năm ngoái, một bức chiếu Bàn Thạch có giá hơn 100 nghìn đồng thì nay xuống khoảng 50 nghìn đồng. Ông Mạnh cho biết người dân ở đây chỉ thạo nghề dệt chiếu truyền thống, đánh bắt cá dưới sông, làm thuê mướn. “Vì không có đất sản xuất nên quanh quẩn làng chỉ trồng lác, đan chiếu. Nhưng nghề này bấp bênh lắm, bây giờ, người dân chỉ lấy công làm lời thôi” – ông Mạnh nói.
Chuyện té xe, rơi xuống cầu phao Đông Bình thường xảy ra. Ảnh: T.H |
Thu nhập thấp nhưng người làm chiếu nơi đây vẫn không có ý định dứt bỏ nghề. Các hộ nghèo, trường hợp neo đơn, sức lao động yếu… đã tập hợp lại để giúp nhau lao động, sản xuất. Ngôi nhà của mẹ con bà Nguyễn Thị Nhàn - một người bị bệnh điếc bẩm sinh, lúc nào cũng rộn ràng tiếng thoi đưa. Dù tuổi già sức yếu, nhưng bà Nhàn và con gái của mình vẫn chăm chỉ sản xuất, mỗi ngày dệt được một đôi chiếu, đủ trang trải cuộc sống. Trưởng thôn Đông Bình – ông Võ Đức Cương cho biết, xã Duy Vinh có 5 thôn thì thôn Đông Bình có số về hộ nghèo nhiều nhất. Trong số 331 hộ của thôn thì có 256 hộ nghèo và cận nghèo. “Dân tôi nghèo, nguyên do chính là do nghề nghiệp thu nhập thấp chứ không phải họ lười nhác làm ăn, vô công rồi nghề. Xưa nay trên địa bàn thôn chưa xảy ra vụ trộm cắp, gây mất an ninh trật tự nào. Ốc đảo nổi tiếng về sự thanh bình, hiếu khách” – ông Cương nói.
Trắc trở
Trước mùa mưa, nỗi lo của người dân là sự chia cắt, cô lập về đường giao thông. Chiếc cầu phao làm bằng ván gỗ đã mục nát, những cây đinh hoen gỉ như “cái bẫy” cho người đi đường. Chuyện té xe, rớt xuống cầu thường xảy ra. Chính quyền xã Duy Vinh đã tính toán đến giải pháp sử dụng các phương tiện ghe thuyền đưa đón khách qua lại Đông Bình thay thế cầu phao, nhưng việc “lụy đò” vẫn luôn gây trắc trở với người dân.
Thời gian qua, công trình ứng phó biến đổi khí hậu do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng tuyến kè Trà Nhiêu qua địa bàn thôn nhằm hạn chế sự tấn công của “hà bá” vào đất liền. Thêm vào đó, dự án cung cấp nước sạch đã đưa vào sử dụng, giúp nhân dân Đông Bình chấm dứt cảnh qua các làng khác mua nước ngọt. Rồi, dự án phát triển du lịch bền vững tại Đông Bình đã được chính quyền quan tâm. Hiện tại có 2 công ty mở tour du lịch đến Đông Bình. Đó là Công ty Sông Hội đưa khách bằng thuyền và Công ty Sông Thu đưa khách đến bằng xe đạp theo tuyến từ Trà Nhiêu qua “ốc đảo”. Dù đã kết nối, quảng bá, xúc tiến du lịch nhưng thực tế du khách nước ngoài đến đây tham quan vẫn còn rất hạn chế, người dân chưa hưởng lợi gì nhiều. Chính quyền xã Duy Vinh cho biết, vì chưa quy hoạch đồng bộ nên du lịch Đông Bình cũng chỉ phát triển tự phát. Việc địa phương đề xuất dừng dự án nuôi tôm 773 tại nội đồng tiểu vùng Đông Thành để phục hồi lại rừng lác, dừa phủ xanh vừa thực hiện mục tiêu làm “lá chắn sóng” vừa phục vụ du lịch sinh thái làng quê đến nay vẫn chưa triển khai.
TRẦN HỮU