Người trưởng thôn tận tụy
Hơn 6 nhiệm kỳ làm thôn trưởng, ông Đỗ Ngọc Thanh (thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, Tam Kỳ) trở thành người đầu tiên trên địa bàn thành phố có thâm niên trong công tác này. Nhiều năm qua ông Thanh luôn nhiệt tình cống hiến cho công việc chung của thôn.
Ông Thanh sinh năm 1955 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha đi tập kết từ khi ông còn bé, ông lớn lên trong vòng tay thương yêu của người mẹ. Mười lăm tuổi ông tham gia làm cơ sở cách mạng; sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông gia nhập vào đơn vị An ninh vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Công tác tại đây được hơn 5 năm, sau đó ông chuyển ngành về kho xăng dầu huyện Đại Lộc (thuộc Công ty Xăng dầu khu vực V). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1990 ông trở về quê làm ruộng để có điều kiện chăm sóc mẹ già. Theo yêu cầu của địa phương, năm 2000 ông tham gia làm dịch vụ thủy lợi, năm 2001 làm phó ban nhân dân thôn, đầu năm 2002 được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn cho đến nay.
Trải qua hơn 12 năm “vác tù và hàng tổng”, ông Thanh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Miệng nói tay làm, lăn xả vào công việc. Chính vì nói được làm được và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân mà ông Thanh đã tập hợp và xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân; những bất đồng, định kiến trước đây đều được giải quyết ổn thỏa, nhân dân tin yêu, nhiệt tình ủng hộ xây dựng địa phương trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước. Ngoài việc vận động nhân dân đoàn kết, tình làng nghĩa xóm gắn bó, thời gian qua ông Thanh còn vận động bà con nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ, sử dụng các loại giống chất lượng cao, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra nước tưới, thường xuyên thăm đồng kịp thời phát hiện dịch bệnh góp phần tăng năng suất lúa. Ông còn vận động nhân dân đưa 30ha đất hoang hóa vào trồng dưa leo trái vụ, sau khi thu hoạch dưa leo xong bà con nông dân đưa vào sản xuất đậu phụng vừa tăng thu nhập vừa giữ được độ phì của đất để trồng dưa leo vụ sau. Cách làm mới này đã giúp nhiều hộ dân cải thiện kinh tế gia đình.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, nhân dân phấn khởi, tập trung thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hơn 3.200m kênh mương thủy lợi, 6.500m đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa với tổng kinh phí hàng tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 40%. Riêng kinh phí đầu tư phục dựng đình làng Ngọc Mỹ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tường rào cổng ngõ nhà sinh hoạt văn hóa với gần 1 tỷ đồng hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Đặc biệt, phong trào gia đình, tộc họ hiếu học được chú trọng, góp phần đưa công tác khuyến học - khuyến tài địa phương không ngừng phát triển. Ngoài lễ tuyên dương khen thưởng tại các chi hội khuyến học tộc họ, hàng năm cứ vào ngày 28.6 (ngày gia đình Việt Nam) và ngày lễ quốc khánh 2.9, Ban nhân dân thôn tổ chức tuyên dương khen thưởng hàng chục con em có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập, nhất là gặp mặt động viên đối với con em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học…
Chuẩn bị bước sang cái tuổi “lục tuần”, ông Thanh muốn xin thôi giữ chức trưởng thôn để dành thời gian chăm sóc gia đình nhưng xem ra không dễ bởi ông đã có được lòng tin ở dân.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC