“Chạy” trước mưa bão - Bài 6: Kịch bản tránh lũ cho vùng hạ lưu

DOÃN HOÀNG - BÍCH LIÊN 30/09/2013 14:13

Sau khi thủy điện cảnh báo xả lũ, hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu chạy lũ như thế nào? Trong tình huống hệ thống thông tin cảnh báo bị tê liệt do thiên tai, làm sao để dân nắm được thông tin? Người dân vùng hạ lưu đã được trang bị kiến thức, kỹ năng gì… là những tình huống đã được tính toán trong kịch bản tránh lũ.

  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 1: Nỗi lo cũ
  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 2: "Lập trình" cho hồ chứa
  • “Chạy” trước mưa bão - Bài 3: Thông đường ứng phó với mưa bão
  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 4: Mở đường thoát hiểm
  • "Chạy" trước mưa bão - Bài 5: An toàn cho ngư dân

Kết nối nhiều mạng thông tin

Quảng Nam có hệ thống sông dày đặc, nhưng ngắn và độ dốc lớn, lũ lớn xuất hiện ngay sau mưa và cường độ nguy hiểm khó lường. Các thủy điện của Quảng Nam vì vậy cũng có dung tích nhỏ hơn các hồ thủy điện phía bắc và phía nam. Tuy nhiên, thiết kế các hồ chứa thủy điện đã tính toán để đảm bảo đón lũ và giảm lũ.

Các hồ chứa thủy điện vận hành đúng quy trình sẽ giúp dân vùng hạ lưu chủ động tránh lũ.                                                     Ảnh: ĐẶNG HÙNG
Các hồ chứa thủy điện vận hành đúng quy trình sẽ giúp dân vùng hạ lưu chủ động tránh lũ. Ảnh: ĐẶNG HÙNG

Với thủy điện A Vương, việc tích nước và xả lũ đang được áp dụng theo 2 quy trình. Đó là quy trình vận hành liên hồ A Vương - Đắk Mi 4 - Sông Tranh 2, do Chính phủ chuẩn y và quy trình do Bộ Công Thương ban hành. Theo quy trình, khi có dự báo lũ, các hồ chứa thủy điện sẽ hạ thấp mực nước hồ trước lũ để đón lũ. Chẳng hạn, thủy điện Sông Tranh 2 sẽ hạ mực nước xuống khoảng 3m, dung tích khoảng 60 triệu mét khối; A Vương hạ khoảng 4m, dung tích khoảng 35 triệu mét khối; Đắk Mi 4 hạ khoảng 3m, dung tích 30 triệu mét khối. Do dung tích đón lũ không nhiều nên hiệu quả đón lũ, cắt lũ các hồ thủy điện không cao. Cũng theo quy trình, các hồ chứa sẽ thực hiện việc đón – xả lũ trước 24 giờ, tuy nhiên trong thực tế, các hồ chứa nhanh chóng sớm đầy do lũ về nhanh, thông tin của các trung tâm dự báo thủy văn vẫn còn chưa chính xác, kịp thời nên việc tính toán để xả lũ, cảnh báo lũ khó diễn ra đúng quy trình.

Giúp chính quyền các huyện vùng hạ lưu chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão (PCLB), nhân dân nắm thông tin tránh lũ, một kế hoạch chi tiết đã được Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) phối hợp xây dựng. Tại các điểm ngập sâu trên địa bàn huyện Đại Lộc, AVC lắp đặt 15 trạm thông tin tại trung tâm của 15 xã/thị trấn trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ thông tin bão lũ nhanh và kịp thời đến chính quyền và nhân dân. Cùng với các chiến dịch truyền thông được tổ chức hằng năm, đến nay 194 radio, 180 loa cầm tay, 1.000 áo phao đã được cung cấp đến các tổ xung kích PCLB từ thôn đến xã, huyện. các trang thiết bị này đã được AVC kiểm tra, bảo dưỡng, sẵn sàng phục vụ xung kích. Các trạm thông tin cảnh báo xả tràn, đo mực nước tự động kết hợp thông báo tình hình mưa lũ, khuyến cáo bà con chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đã được thiết lập nhiều nơi. Dọc các trục giao thông chính tại Đại Lộc, AVC cũng lắp đặt các bảng hiệu thông báo, nhắc nhở người dân hiểu rõ lệnh cảnh báo khi A Vương chuẩn bị xả tràn để giúp bà con chủ động phòng tránh. Tại thôn 5, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), một trung tâm thông tin và bảo trì thiết bị do AVC thành lập nhằm đảm bảo xử lý mọi tình huống đứt thông tin giữa thủy điện và chính quyền địa phương, ban ngành chức năng liên quan đến PCLB và người dân Đại Lộc.

Chiều 28.9, ngay khi nhận được tin bão số 10 hình thành trên biển Đông, tổ thường trực PCLB của AVC đã phát đi tín hiệu cảnh báo bão lũ đầu tiên thông qua hệ thống thông tin tự động trên sóng điện thoại di động, các loa phóng thanh được lắp đặt tại các vị trí thấp lụt của Đại Lộc. Các còi hụ công suất lớn lắp đặt trên địa bàn huyện và loa phóng thanh trên xe PCLB chạy dọc tuyến quốc lộ 14B và các tuyến đường chính của huyện để thông tin tình hình xả tràn đến người dân. Từ thông tin Ban chỉ huy PCLB huyện và tỉnh cung cấp, hệ thống cảm biến báo mức ngập lụt tại các vị trí thấp lụt của huyện do AVC lắp đặt sẽ xác định mức ngập lụt vùng hạ lưu, tự động gửi thông tin về Ban chỉ huy PCLB công ty để có hướng điều tiết xả tràn hợp lý.

Theo ông Ngô Xuân Thế - cán bộ Phòng kỹ thuật AVC, để kết nối thông tin được an toàn, thông suốt, các kênh thông tin liên lạc gồm nhiều loại điện thoại hữu tuyến, cố định không dây, internet qua cáp quang, qua vệ tinh… của nhiều mạng điện thoại kết nối giữa các vị trí vận hành hồ đập - nhà máy với Ban chỉ huy PCLB không ngừng được hoàn thiện để giảm tối đa việc mất thông tin liên lạc trong quá trình chỉ đạo điều hành xả tràn hồ chứa trong mưa bão. Hai kênh thông tin hiện đại là điện thoại vệ tinh ISATPHONE và hệ thống bộ đàm vô tuyến tầm xa ICOM kết nối Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đã được AVC trang bị cho lực lượng cán bộ, công nhân viên.

Phối hợp chặt chẽ

Ông Lê Văn Toàn - Trưởng ban dân chính khu Nghĩa Nam (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) cho hay, khu Nghĩa Nam thuộc vùng trũng thấp, có nhiều hộ dân sống dọc hai bên bờ Vu Gia, đợt mưa lũ vừa rồi, toàn bộ hệ thống giao thông, đường sá tại khu vực này đều bị chia cắt, cô lập. Với mức báo động lũ cấp 2, cấp 3, khu vực này nước ngập sâu nhà dân từ 1 - 2m, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của bà con, ít nhất có 24 nhân khẩu phải di dời. Ban chỉ huy PCLB và các thành viên tổ xung kích PCLB của khu được cấp phát 8 áo phao, cấp đài radio phục vụ PCLB. “Nhờ  rút kinh nghiệm từ cơn lũ các năm trước, năng lực “tác chiến” trong mưa bão của anh em càng dày dạn hơn. Những ngày có thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão và nguy cơ lũ xuất hiện, các thành viên thuộc tổ xung kích và Ban chỉ huy PCLB Nghĩa Nam luôn “trực chiến” 24/24 giờ theo dõi thông tin, chủ động di dời, sơ tán dân theo kế hoạch, đồng thời cảnh báo bão lũ qua hệ thống loa cầm tay để bà con chủ động phòng tránh”.

Đã tính toán kỹ thời gian từ cảnh báo đến xả lũ
Trước lo ngại của chính quyền và nhân dân các địa phương nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi các hồ chứa thủy điện xả lũ, rằng thời gian từ lúc cảnh báo đến thời điểm xả lũ chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sẽ rất khó khăn cho việc triển khai di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ông Nguyễn Trâm giải thích: “Đây là khoảng thời gian đã được cân nhắc, tính toán kỹ khi xây dựng quy trình vận hành và đã được Chính phủ, các bộ, ngành phê duyệt. Thật ra, 2 giờ đồng hồ là thời điểm mà hồ chứa thủy điện bắt đầu kéo cửa xả đầu tiên, trong khi đó, thông tin cảnh báo lũ đã được cảnh báo trước do công tác PCLB luôn thường trực, chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu đều đã nắm rất rõ rồi. Và trong lúc này, lũ đã hiện diện trên các sông, hồ thủy điện chỉ xả một phần dung tích. Việc xả lũ là để đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện và đã được Chính phủ, các bộ ngành phê duyệt trong quy trình vận hành.
Trong khi đó, theo ông Võ Văn Điềm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các hồ chứa thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh gần như được thiết kế đập tràn, sẽ tự động xả lũ khi nước về tràn hồ, mức độ ảnh hưởng không lớn, công tác cảnh báo PCLB vì vậy cũng không quá khó. Hồ chứa Phú Ninh cũng đã có quy trình vận hành riêng, việc xả lũ thường diễn ra sớm, nhiều năm qua không có sự cố đáng tiếc nào do xả lũ không đúng quy trình.

Đây cũng là một phần của kế hoạch PCLB được AVC phối hợp chặt chẽ với chính quyền Đại Lộc. Trong tháng 8.2013, AVC phối hợp Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc ban hành quy chế phối hợp thông tin trong công tác vận hành hồ chứa mùa mưa bão. Quy chế quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong phối hợp PCLB: trước khi xả tràn, AVC báo cáo cấp bộ ngành liên quan và Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc trước 2 tiếng đồng hồ bằng fax, điện thoại, email. Trong tình huống khẩn cấp, để đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối, Tổng Giám đốc AVC sẽ thông báo đến Ban chỉ huy PCLB Đại Lộc để chỉ đạo chống lũ cho vùng hạ lưu. Thông tin xả tràn bao gồm mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu, lưu lượng nước xả qua các tổ máy, bản tin dự báo mực nước hồ và lưu lượng đến hồ, thời điểm dự kiến kết thúc xả tràn… sẽ được cung cấp cho Ban chỉ huy PCLB huyện. Cùng với đó, chính quyền tỉnh và huyện có trách nhiệm thông báo tình hình vận hành (đóng, mở các cửa xả tràn) của các thủy điện và thông tin bão lũ kịp thời đến Ban chỉ huy PCLB các xã, chỉ đạo đài phát thanh và các trạm truyền thanh xã thông báo kịp thời đến người dân. Ban chỉ huy PCLB huyện liên tục thông báo về tình hình ngập lụt trên địa bàn huyện và mực nước đo được tại trạm thủy văn Ái Nghĩa cho AVC. Chính quyền thôn các địa phương tiếp nhận thông tin PCLB qua hệ thống radio, đồng thời thông báo về tình hình vận hành hồ chứa đến nhân dân nắm rõ…

Theo ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc AVC, cùng với việc thành lập các “Tổ quan hệ cộng đồng”, AVC cũng thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho người dân và chính quyền vùng hạ lưu. Mới đây, trong chương trình truyền thông tổ chức tháng 8.2013, AVC đã cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu để chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu sông Vu Gia nắm, giới thiệu về vai trò của AVC và các công trình thủy điện khác trên sông Vu Gia trong việc cung cấp điện phục vụ quốc gia, điều tiết nước và giảm một phần lũ cho hạ lưu.

 DOÃN HOÀNG - BÍCH LIÊN

DOÃN HOÀNG - BÍCH LIÊN