Nguyễn Tri Phương và nghệ thuật quân sự chống ngoại xâm
(QNO) - Ngày 28.9, tại di tích Thành Điện Hải (TP.Đà Nẵng), Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học về “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha, 1858-1860”. Tại đây, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định vai trò của ông đối với những ngày đầu kháng Pháp tại Đà Nẵng.
Quang cảnh thành Điện Hải (Đà Nẵng) sau khi bị quân Pháp đánh chiếm. |
Nguyễn Tri Phương là danh tướng triều Nguyễn, cuộc đời trận mạc của ông trải dài khắp đất nước: chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn từ năm 1860 đến năm 1861, chỉ huy chiến đấu tử thủ Hà Nội năm 1873…nhưng tên tuổi của ông được lưu danh thiên cổ, khẳng định tài năng và nghệ thuật quân sự của ông, có lẽ đó là cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp -Tây Ban Nha từ năm 1858-1860 trên mặt trận Đà Nẵng.
Nguyễn Tri Phương (Nguyên tên là Nguyễn Văn Chương) tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân, tức ngày 9 tháng 9 năm 1800. Quê quán thôn Chí Long (còn gọi là Đường Long nay là thôn Trung Thạnh), xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội KHLS TP.Đà Nẵng, cho rằng: “Chính nhờ được người đứng đầu đất nước cho luân chuyển để đào tạo - nói theo ngôn ngữ công tác cán bộ bây giờ - mà Nguyễn Tri Phương có điều kiện thâm nhập thực tế chiến trường Đà Nẵng từ trước chiến tranh và nhờ vậy so với các tư lệnh mặt trận tiền nhiệm như Lê Đình Lý hay Chu Phước Minh… Ông có cái nhìn toàn cục hơn về hệ thống phòng thủ cửa Hàn, không chỉ am hiểu từng pháo đài đồn lũy mà còn trực tiếp chỉ đạo xây dựng pháo đài Phòng Hải ở đảo Mỏ Diều. Điều quan trọng hơn là nhờ sớm thâm nhập thực tế chiến trường Đà Nẵng nên khi trở lại mặt trận Đà Nẵng vào tháng 10.1858, thời điểm cả phòng tuyến Điện Hải và An Hải đều bị vỡ, Nguyễn Tri Phương có thể nhanh chóng cho xây dựng phòng tuyến Liên Trì nhằm thực hiện thành công kế sách “lấy thủ làm chiến, xây dựng thêm đồn lũy để dần dần tiến bức địch”. Và quả thực, Pháp bị đội quân của Nguyễn Tri Phương “cầm chân” đến mức rơi vào bế tắc và chấp nhận rút toàn bộ quân đội viễn chinh khỏi Đà Nẵng vào 23.3.1860.”.
Súng thần công của quân đội triều Nguyễn trong những ngày đầu bảo vệ thành Đà Nẵng trong cuộc chiến Mậu Ngọ, 1855. |
PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định: Những tướng được triều Nguyễn điều động vào Đà Nẵng lúc bấy giờ đều là những tướng tài và có kinh nghiệm. Ngay sau khi nắm quyền chỉ huy, Nguyễn Tri Phương cùng với quân dân ở đây đã tiến hành thực hiện những kế sách đánh Pháp hợp lý, cho lập đồn Liên Trì và đắp lũy dài từ Hải Châu cho đến Phúc Ninh, rồi chia quân ra phòng giữ. Cùng với việc xây dựng đồn lũy, Nguyễn Tri Phương còn vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo như đánh du kích làm tiêu hao lực lượng của Pháp hay đã cùng với nhân dân lấy lưới bủa vây làm cho bánh lái, chân vịt của tàu Pháp bị vướng gặp khó khăn trong lúc di chuyển.
Mộ liên quân Pháp - Tây Ban Nha bị quân đội triều Nguyễn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đánh tử trận tại Tiên Sa (Sơn Trà, Đà Nẵng). |
Đặc biệt, trong Hội thảo này, nhà báo, nhà văn Hồ Trung Tú đã kiến giải mới về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha dưới góc độ “bản đồ học” bằng việc phân tích tấm bản đồ chiến sự năm 1858. Tấm bản đồ có tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane” - Vị trí Đà Nẵng, với dòng chú thích tiếng Pháp tạm dịch: “Bản đồ Đà Nẵng (do Liên quân Pháp - Tây Ban Nha - PV) tìm được trong nhà một ông quan (người Việt - PV) ngày 15-9.1859” mới phát hiện được trên mạng theo đường dẫn của thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris.
Suốt 52 năm làm quan, trải ba đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Tri Phương luôn thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc và ý chí chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, với tư tưởng canh tân đất nước, ông đã từng dâng lên triều đình nhà Nguyễn những kế sách để phát triển kinh tế, quốc phòng như việc mở đồn điền ở biên giới phía Tây Nam. Chủ trương mở các đồn điền ở biên giới phía Nam của ông không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự. Ông là người có công lớn trong việc bình Xiêm, ổn định biên giới phía Nam; đánh dẹp các lực lượng thổ phỉ Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc; là vị tướng chỉ huy tối cao ở các mặt trận chống quân Tây dương xâm lược tại Đà Nẵng, Nam Kỳ và Hà Nội... |
Nhà báo, nhà văn Hồ Trung Tú diễn giải: “Xem tấm bản đồ được vẽ một cách chi tiết với tỷ lệ chính xác một cách đáng ngạc nhiên, chúng ta không chỉ nhận ra lực lượng hai bên cùng những bố trí phòng tuyến, lũy hào, vị trí các đồn canh, trạm gác, mà khi đối chiếu với các nguồn sử liệu chúng ta ngạc nhiên nhận ra tấm bản đồ như còn mô tả được chi tiết những gì đã xảy ra trong những ngày tháng hào hùng và anh dũng này”.
Tuy nhiên, bản gốc của tấm bản đồ này vẫn chưa được giới sử học trong nước tiếp cận nên chưa thể khẳng định chắc chắn là do triều Nguyễn vẽ. Bởi lẽ, sự bao quát chính xác đến từng chi tiết của tấm bản đồ này khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nghi ngờ rất có thể tấm bản đồ này do người Pháp dùng khinh khí cầu để vẽ (!?).Nguồn gốc tấm bản đồ này vẫn là một “ẩn số” nhưng công trạng của Nguyễn Tri Phương trong những ngày đầu kháng Pháp tại Đà Nẵng đã được lịch sử lưu danh, một bằng chứng của sự anh dũng kiên cường của người Việt trước ngoại xâm.
NGUYÊN KHÔI