Để hương vị truyền thống lan tỏa
Nâng cấp làng nghề nước mắm truyền thống là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm kéo người tiêu dùng về với sản phẩm “sạch” và phát triển thương hiệu trong tương lai.
Èo uột làng nghề
Đa số các làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe, Hạ Thanh, An Hòa... đều gắn liền với các cửa biển, cửa sông, nơi người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản là chính. Vào mùa vụ, khi các tàu thuyền đánh cá trở về, những gia đình chuyên làm nghề nước mắm tranh thủ mua cá nục, cá cơm tươi ướp muối để chế biến đặc sản nước mắm nhỉ, mắm nêm. Chính vì có được nguồn hải sản tại chỗ, vừa sạch, vừa tươi, cùng với những kinh nghiệm chế biến truyền thống mà người dân nơi đây đã làm nên thương hiệu nước mắm cho làng nghề của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều làng nghề nước mắm xứ Quảng gặp khó khăn trước sự cạnh tranh của nước mắm công nghiệp với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Người tiêu dùng đang có xu hướng chuộng nước mắm chế biến từ làng nghề truyền thống.Ảnh: T. LỘ |
Ông Nguyễn Phi Thạnh, một trong những người làm nước mắm có quy mô lớn ở Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cho biết: “Nghề làm nước mắm đang gặp nhiều khó khăn. Lượng cá đánh bắt hằng năm không đủ nguyên liệu chế biến. Đã vậy, mắm chai công nghiệp giờ nhiều quá, người dân thấy tiện là mua nên việc làm mắm truyền thống ngày càng bị thu hẹp”. Hiện tại, gia đình ông Thạnh sống bằng nghề chế biến nước mắm cá cơm. Mắm nhỉ nguyên chất được bán 100.000 đồng/lít, mắm ngon giá 70.000 - 80.000 đồng/lít, chỉ có những loại mắm lấy nước cuối cùng mới có giá 10.000 - 20.000 đồng/lít dùng để nêm nếm và kho. Trong khi đó, mắm hương cá hồi thương hiệu Chin-su Nam Ngư được nhiều người chọn mua chỉ bán với giá 17.000 - 18.000 đồng/chai 500ml. Mắm được quảng cáo là thượng hạng cũng chỉ vài chục ngàn đồng/lít. Bởi vậy, sản phẩm nước mắm ở các làng nghề truyền thống khó cạnh tranh về giá.
Gia đình bà Kiều Thị Ngọc Loan, thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) có cơ sở gia truyền về chế biến nước mắm còn bám trụ với nghề. Theo bà Loan, trước đây, mỗi khi vào vụ cá, gia đình bà muối 20 - 30 tấn cá để làm nước mắm. Thời gian gần đây, nghề làm mắm ở Tam Thanh đang gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, chi phí lớn nên khó tiếp tục bám lấy nghề. “Năm nay, dù cố gắng nhưng gia đình tôi cũng chỉ muối được hơn 1 tấn cá để lấy nước mắm do biển khan hiếm nguồn cá. Vả lại, hiện gia đình không còn vốn để đầu tư, mà nếu có đầu tư thì vướng phải “đầu ra” cũng đang gặp khó. Hơn hai chục cái chum, bể muối cá của gia đình cũng bỏ trống”- bà Loan cho biết.
Kéo người tiêu dùng bằng công nghệ
Trong những năm gần đây, người tiêu dùng đang có xu hướng quay lại chuộng nước mắm truyền thống, bởi chất lượng đạm khá cao, thơm ngon, không chứa nhiều chất phụ gia. Theo đó, UBND huyện Núi Thành giao cho Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và làng nghề Núi Thành lập dự án quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật làng nghề chế biến nước mắm Phú Lộc để vực dậy lại làng nghề đã một thời vang bóng.
Nhằm vực dậy làng nghề nước mắm Tam Thanh, trong những năm qua, TP.Tam Kỳ đã có nhiều khởi động và đề ra các giải pháp cụ thể để đem đến sản phẩm chất lượng chinh phục người tiêu dùng. Cùng với hội thảo khoa học về “Hỗ trợ công nghệ chế biến nước mắm Tam Thanh” do UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với trường Đại học Đà Nẵng tổ chức, TP.Tam Kỳ đã đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho người dân làng nghề nước mắm Tam Thanh 5 thùng tô nô (dụng cụ lọc chế biến nước mắm cỡ lớn), mỗi thùng trị giá 14 triệu đồng để sản xuất, chế biến nước mắm quy mô lớn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ hợp tác chế biến nước mắm Tam Thanh được ra đời với 19 thành viên tham gia, là những hộ có truyền thống làm nghề chế biến nước mắm. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền đối với sản phẩm “nước mắm Tam Thanh” của tổ hợp tác sản xuất nước mắm Tam Thanh. Việc đăng ký nhãn mác và tuân thủ về vệ sinh an toàn thực phẩm đã giúp cho Tổ hợp tác Tam Thanh thuận lợi cho việc đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, từng bước cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Huyện Thăng Bình cũng tập trung triển khai đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề nước mắm Cửa Khe - Bình Dương”. Bằng nguồn vốn khuyến công, UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp Quảng Nam ứng dụng mô hình trình diễn dây chuyền công nghệ đóng chai sản phẩm nước mắm bán tự động để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất chế biến nước mắm ở địa phương. Lần đầu tiên, công nghệ đóng chai sản phẩm nước mắm bán tự động được đưa vào sử dụng tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ giúp người dân bảo quản tốt hơn sản phẩm mà còn giảm chi phí sản xuất. Ông Phan Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Trong những năm đến, UBND xã Bình Dương sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở chế biến nước mắm tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đồng thời có chiến lược quảng bá, mở rộng thị trường nhằm đưa sản phẩm chế biến nước mắm Cửa Khe đến người tiêu dùng trong cả nước”.
TRUNG LỘ