Sửa sai
Kể từ ngày 30.8.2013, Quyết định 2685 của UBND tỉnh ban hành một số quy định về chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao tỉnh Quảng Nam có hiệu lực, thay thế Quyết định 2309 (17.7.2012) của UBND tỉnh về quy định tạm thời một số chế độ chính sách đối với HLV, VĐV, học sinh năng khiếu thể thao tỉnh Quảng Nam. Việc ban hành quyết định với nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ vượt trội so với trước đây đã tạo không khí phấn khởi trong lực lượng VĐV, HLV của trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam; đồng thời có thể coi đây là động thái “sửa sai” cho quyết định trước đó.
Khen thưởng kịp thời sẽ động viên rất lớn đến tinh thần cho các VĐV.Ảnh: ANH SẮC |
Sở dĩ gọi là “sửa sai” bởi quy định về thời gian chi trả chế độ chính sách trong Quyết định 2309 của UBND tỉnh trước đây đã tạo ra nhiều “luận bàn” không đáng có để rồi phải điều chỉnh ở Quyết định 2685. Sau thời gian thực hiện theo Quyết định 450 (28.1.2010), các ngành chức năng nhận thấy một số định mức chi về chế độ chính sách đối với VĐV không còn phù hợp nên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 2309. Chưa kịp mừng khi các định mức về chế độ dinh dưỡng cao hơn trước đây, nhiều nhà quản lý thể thao, HLV và VĐV đã bày tỏ lo lắng trước quy định về thời gian được hưởng quá bất hợp lý. Cụ thể, thời gian để tính chi trả chế độ cho VĐV, HLV chỉ là 304 ngày/năm, trừ các ngày lễ, tết, Chủ nhật. Nhiều VĐV chia sẻ với chúng tôi “ngày Chủ nhật, ngày lễ chẳng lẽ bọn em không ăn uống”; còn các nhà chuyên môn bảo “Chủ nhật là ngày nghỉ giúp các VĐV hồi phục sức khỏe để chuẩn bị cho tuần tập luyện tiếp theo kia mà”. Có thể nói đó là bước thụt lùi trong suy nghĩ của những người làm chính sách. Vậy mà, khi trả lời chúng tôi, một vị có trách nhiệm tỏ ra tỉnh bơ cho rằng “chuyện đó có gì đâu” (!?).
Nhận thấy sự bất hợp lý đó, Quyết định 2685 đã loại bỏ hoàn toàn quy định “304 ngày/năm, trừ các ngày lễ, tết, Chủ nhật” về thời gian chi trả chế độ dinh dưỡng, thay vào đó là “số ngày VĐV, HLV có mặt thực tế tập trung tập luyện theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Đồng thời, chấm dứt câu chuyện “ăn hay không ăn ngày Chủ nhật” vốn là đề tài bàn tán trong một thời gian dài của các VĐV, HLV và tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của nền thể thao thành tích cao đất Quảng.
Với một tỉnh dân số lên đến 1,5 triệu người, chắc chắn Quảng Nam đủ sức để chăm lo với những điều kiện tốt nhất có thể cho gần 200 tài năng thể thao của tỉnh nhà. Có điều, cơ chế chính sách hợp lý, được điều chỉnh kịp thời so với thực tế là kỳ vọng và yêu cầu cần thiết đối với những nhà làm chính sách của tỉnh. Khi thể thao đang được Đảng và Nhà nước coi trọng không kém bất cứ ngành nào khác như hiện nay, sự quan tâm đầu tư của tỉnh qua việc nâng chế độ chính sách cho VĐV vừa qua là điều rất đáng trân trọng.
ANH SẮC