Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi: Điểm sáng Tam An

VINH ANH 27/09/2013 08:09

Nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể xã, đến nay 100% người cao tuổi (NCT) trên địa bàn xã Tam An, huyện Phú Ninh đã có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Có bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Xuân Kỳ cùng nhiều người cao tuổi ở xã Tam An thường xuyên đi khám sức khỏe.  Ảnh: VINH ANH
Có bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Xuân Kỳ cùng nhiều người cao tuổi ở xã Tam An thường xuyên đi khám sức khỏe. Ảnh: VINH ANH

Vào cuộc đồng bộ

Mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về NCT do bà Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã về làm việc tại Quảng Nam để kiểm tra công tác NCT tại địa phương. Đi kiểm tra thực tế ở xã Tam An (Phú Ninh), Đoàn công tác hết sức bất ngờ khi nghe Hội NCT xã báo cáo kết quả công tác chăm sóc NCT, trong đó nổi bật là tỷ lệ tham gia BHYT đạt 100%. Bởi, trước đó đoàn đã đi kiểm tra nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước nhưng hiếm thấy địa phương nào có xã, phường đạt được tỷ lệ NCT tham gia BHYT tuyệt đối như vậy. Phát biểu tại buổi làm việc với xã Tam An, bà Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, việc 100% NCT tham gia BHYT thực sự là một “điểm sáng” trong công tác chăm sóc NCT hiện nay. Điều này cần nhân rộng ra các xã, phường khác trên toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chủ tịch Hội NCT xã Tam An cho rằng, kết quả như ngày hôm nay, trước tiên là sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương đối với NCT. Đó là sự chỉ đạo thường xuyên, đẩy mạnh tuyên truyền Luật NCT và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCT trên hệ thống đài truyền thanh xã, kết hợp với pa nô khẩu hiệu; lồng ghép trong các chương trình tổ chức sinh hoạt, cuộc họp của các tổ chức hội đoàn thể. Hội NCT còn tăng cường thông tin tuyên truyền luật và các chính sách liên quan đến NCT về tận từng khu dân cư, hội viên.

Hiện nay, tỷ lệ NCT xã Tam An có BHYT là 895/895 cụ, trong đó có 366 cụ mua BHYT tự nguyện, 529 cụ có BHYT miễn phí và hưởng các chế độ khác như NCT thuộc hộ nghèo, hưu trí, bệnh binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ…

Được biết, hằng năm UBND xã Tam An chi từ nguồn ngân sách và hỗ trợ cho công tác chăm sóc khám chữa bệnh cho NCT khoảng 25 triệu đồng. Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp với đội ngũ y - bác sĩ Bệnh xá Biên phòng tỉnh hằng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các cụ từ 60 tuổi trở lên. Đối với các cụ ốm đau đi lại khó khăn sẽ được cán bộ y tế xã đến tận nhà kiểm tra sức khỏe. Đảng ủy xã còn chỉ đạo Mặt trận và các hội, đoàn thể lồng ghép Luật NCT vào nội dung chương trình hoạt động của hội mình trong việc tuyên truyền, nêu cao trách nhiệm gia đình, con cháu đối với ông bà, cha mẹ, cùng với địa phương chăm lo cho NCT được tốt hơn.

Lợi ích “kép”

Năm nay đã 80 tuổi và có hơn 1 nhiệm kỳ giữ chức vụ Chủ tịch Hội NCT xã Tam An, niềm vui lớn nhất của ông Kỳ là khi tất cả NCT trong xã đều có BHYT. Nhiều năm qua, tuổi cao, sức khỏe không còn như lúc trước khiến ông thường đau ốm. Tuy nhiên, có thẻ BHYT nên hễ có việc gì là ông lại đến cơ sở y tế khám, kịp thời phát hiện bệnh hay triệu chứng trước khi phát bệnh để điều trị kịp thời. Nhờ vậy, ông rất yên tâm về sức khỏe của mình và sẵn sàng cống hiến cho phong trào NCT trên toàn xã. Từ “lợi ích” rút ra qua thực tế bản thân, ông đã tích cực vận động NCT trên toàn xã cùng tham gia BHYT. “Ai đau ốm đi viện rồi mới hiểu được lợi ích của thẻ BHYT. Như tôi và nhiều cụ già trong làng, trong xã, BHYT giống như một “lá bùa” khi tuổi xế chiều” - ông Kỳ hóm hỉnh nói.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động không phải ai cũng nghe. Ở quê, nhiều gia đình, NCT không dám bỏ ra số tiền hơn 600 nghìn đồng/năm để mua BHYT. Bởi vậy, nhiều năm qua, cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể xã, ông Kỳ luôn tích cực đi đầu trong việc vận động NCT, con cháu mua bảo hiểm cho cha, mẹ. Ông Kỳ cho hay, để vận động hiệu quả phải lấy thực tế để dẫn chứng. “Tôi thường bảo với mọi người rằng, đừng để đến khi có đau, ốm đi viện mới thấy hối tiếc vì không mua BHYT. Không có bảo hiểm, mỗi lần đi viện, chỉ tính riêng chi phí cho việc nằm điều trị tại bệnh viện thì số tiền bỏ ra mua BHYT có thấm vào đâu. Đó là chưa nói đến tiền thuốc, tiền khám…” - ông Kỳ cho hay. Như trường hợp của cụ Nguyễn Đến (ở thôn An Hòa), cũng vì không mua BHYT nên mỗi lần đau ốm đi bệnh viện là tiền ra như “nước”. Nhưng từ ngày có BHYT, định kỳ hằng tháng ông đến Trạm Y tế xã để kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp... vừa đảm bảo sức khỏe vừa bớt được khoản chi phí khá lớn khi đi bệnh viện.

VINH ANH

VINH ANH