Khó đạt kế hoạch thu ngân sách

TÙY PHONG 25/09/2013 14:36

Tính đến 20.9, thu ngân sách chỉ đạt khoảng 67% dự toán. Theo tính toán của Cục Thuế, rất khó để đạt được kế hoạch khi mọi biện pháp tăng thu hay thu hồi nợ đều rất khó thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn

Theo Cục Thuế Quảng Nam, Bộ Tài chính đã giao tổng thu ngân sách Quảng Nam năm 2013 là 4.328 tỷ đồng, tăng 16,4% so với thực hiện năm 2012. Nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất thì dự toán năm 2013 khoảng 3.850 tỷ đồng, tăng 16,7% so năm 2012. Còn con số dự toán của HĐND tỉnh giao chỉ tiêu là 4.478 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất là 478 tỷ đồng), cao hơn dự toán của Bộ Tài chính 150 tỷ đồng. Dự toán này căn cứ vào hoạt động của một số doanh nghiệp (DN) mạnh như Công ty sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – KIA (tiêu thụ 12.000 xe, nộp thuế 1.308 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng tiêu thụ 1.000 xe), Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn (sản lượng 800kg vàng, nộp thuế 223 tỷ đồng), Công ty bia Quảng Nam (sản lượng 24 triệu lít, thuế phải nộp 84 tỷ đồng), Công ty CP thủy điện A Vương (100 tỷ đồng), thủy điện Sông Tranh 2 (70 tỷ đồng). Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tính tới năng lực sản xuất tăng thêm năm 2013 của 3 dự án nhà máy thủy điện thuộc lưu vực sông Bung (Sông Bung 4a, công suất thiết kế 49MW, Sông Bung 5 (57MW) và Sông Bung 6 (29MW) với tổng sản lượng điện bình quân hàng năm theo thiết kế là 546 triệu kwh thì số thu ngân sách là 40 tỷ đồng. 

Các công trình, dự án trọng điểm dở dang vì thiếu nguồn lực đầu tư.                                                                                                 Ảnh: T.PHONG
Các công trình, dự án trọng điểm dở dang vì thiếu nguồn lực đầu tư. Ảnh: T.PHONG

Đó là những con số ước định cho kế hoạch ngân sách năm 2013 của Quảng Nam. Tuy nhiên trên thực tế, con số thu không đạt như tính toán. Tính đến ngày 20.9, tổng thu mới khoảng 3.099,483 tỷ đồng, đạt 69,22% kế hoạch, trong khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kết toán ngân sách năm. Theo ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, đánh giá, rà soát tất cả nguồn thu thì dự toán 2013 đưa ra khá cao. Để đạt được chỉ tiêu này thì nền kinh tế phải thực sự vượt qua được khó khăn, giá trị một số ngành công nghiệp trọng điểm phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Thị trường ô tô du lịch phải có tốc độ tăng trưởng trên 40% và việc vận hành ổn định các nhà máy thủy điện, lẫn các năng lực mới đưa vào hoạt động năm 2013 đúng tiến độ và phải đạt công suất thiết kế, sản lượng khai thác và tiêu thụ vàng mang tính ổn định. Ông Hưng nói ngành thuế có khả năng hoàn thành dự toán Bộ Tài chính giao, nhưng khó có thể hoàn thành chỉ tiêu dự toán HĐND giao. Lý do được đưa ra là dù nguồn thu ngoài quốc doanh tăng khoảng 40%, chủ yếu là của Công ty Ô tô Trường Hải và các DN du lịch thì nguồn thu từ DN quốc doanh trung ương bị hụt. Nguồn thu chủ yếu từ thủy điện, nhưng Sông Tranh thì không tích nước, còn Đắc Mi hay A Vương lại bị thiếu hụt lượng nước. Vàng Phước Sơn gặp khó khăn về tài chính nên không nộp thuế kịp thời hoặc Ngân hàng Cathay vì vướng nợ xấu, phải trích dự phòng, không lãi nên không phát sinh thuế thu nhập DN.

Khó tăng thu

Sự sụt giảm bất ngờ và đột biến số thuế nộp của các DN, đã khiến cơ quan hành thu nghĩ tới việc tìm biện pháp tăng thu và thu hồi nợ đọng thuế để bù đắp sự thiếu hụt cho chỉ tiêu kế hoạch năm 2013, nhưng họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một điều chắc chắn rằng, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN, nhưng hầu hết đều là DN nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, nên tác động của suy giảm kinh tế đã tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất kinh doanh năm 2013. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội DN Quảng Nam, có đến 40% DN đã ngừng hoạt động. Số DN có lãi chỉ khoảng 36,6%, còn lại chỉ duy trì được sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân đã là quá sức. Phó Cục trưởng Cục Thuế Lê Mai Khắc Hưng cho biết, cơ quan thuế đã rất linh hoạt khi sẵn sàng không tiến hành cưỡng chế, tìm cách hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho DN vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất để có tiền trả nợ thuế.

Theo ông Hưng, để tăng thu, cơ quan thuế đã ráo riết khai thác nguồn thu bằng việc xác định, lựa chọn chính xác các DN có dấu hiệu “trốn thuế”, chuyển giá mà có khả năng nộp thuế để thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, tích cực thu hồi khoảng 600 tỷ đồng nợ đọng bằng cách phân loại nợ cụ thể. Nếu DN nào có khả năng nộp thì có thể kiểm tra, còn khó khăn tài chính (không tiêu thụ được sản phẩm, không tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì có thái độ ứng xử phù hợp như xin ý kiến Tổng cục Thuế phân kỳ nộp thuế, chia ra thu, xem xét miễn giảm tiền phạt nộp chậm thuế. Ông Hưng nói, tăng thu bền vững thì chỉ có cách duy nhất là tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất. Nhưng DN vẫn cứ đang trên đà suy yếu, có nợ vẫn không thể trả nổi thì không thể tăng thu bất cứ giá nào. Khả năng hụt thu theo dự toán là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, ngoài chính sách ưu đãi vốn tín dụng, giảm, giãn nợ thuế, Nhà nước cần hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giảm gánh nặng chi phí quảng bá sản phẩm, giới thiệu các kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước… để DN khỏi phải rơi vào con đường phá sản. Kết quả là ngân sách cũng sẽ hụt thu theo và mọi biện pháp tăng thu cũng không thể tìm được một con đường sáng sủa hơn!

TÙY PHONG

TÙY PHONG