“Chạy” trước mưa bão - Bài 3: Thông đường ứng phó với mưa bão
Ngành giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, sẵn sàng ứng phó và khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.
|
Sở GTVT đang quản lý hệ thống đường tỉnh (ĐT) gồm 20 tuyến với chiều dài khoảng 430km và 203km do Trung ương ủy thác quản lý ở các quốc lộ (QL) 14B, 14D, 14E. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các QL 1, 14G và đường Hồ Chí Minh do Khu Quản lý đường bộ V (Tổng cục đường bộ Việt Nam) quản lý. Cạnh đó, Quảng Nam có khoảng 307km trong tổng số 941km sông ngòi tự nhiên, đang được quản lý và khai thác, gồm 2 hệ thống sông chính là Thu Bồn và Tam Kỳ. Theo ông Lê Văn Sinh - Trưởng phòng quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT), trên tuyến ĐT610 (đèo Phường Rạnh, huyện Duy Xuyên), đoạn từ Km26 - Km41 vẫn còn đường đất khiến việc lưu thông vô cùng khó khăn trong mùa mưa bão. Một số đoạn tuyến khác ở miền núi chưa được đầu tư kiên cố nên thường xảy ra sạt lở, hư hỏng cầu cống gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, giao thông miền núi có tuyến cắt qua sông suối còn sử dụng cầu tràn như ngầm Sông Trường (Bắc Trà My) dễ bị tắc đường, nhiều trường hợp lũ xuất hiện đột ngột gây chết người. Năm 2012 mưa lụt không lớn, song thời gian mưa kéo dài hơn 3 tháng đã làm các đoạn tuyến trên QL 14E, 14D, ĐT611, ĐT614, ĐT615, ĐT616… có bề rộng mặt đường nhựa nhỏ từ 3,5 - 4,5m xuống cấp nghiêm trọng.
Chỉ cần một trận mưa tương đối lớn, đường 616 lên Trà My sẽ bị cắt nhiều đoạn do lũ, nguy cơ mất an toàn cho người dân là rất lớn. Ảnh: NG.VĂN BÌNH |
Qua nhiều năm kinh nghiệm, ngành GTVT đã xây dựng phương án bố trí vật tư, thiết bị dự phòng và phối hợp với các địa phương liên quan kịp thời ứng cứu thông xe nhanh nhất khi cầu, đường xảy ra sự cố. Năm 2012, mưa lũ đã gây sạt lở taluy dương đoạn từ Km71+700 - Km71+760 trên tuyến QL 14D và một số đoạn tuyến ĐT. Ngành chỉ đạo Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu đường sá) khắc phục ngay nhằm đảm bảo thông xe bước 1. Năm nay, doanh nghiệp (DN) tiếp tục sửa chữa kiên cố xong bước 2 tại Km71+700 - Km71+760 QL 14D. Các đơn vị chuyên trách thường trực ngoài trời khác như Thanh tra Sở GTVT, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (QLĐTNĐ) sẵn sàng túc trực nơi các điểm xung yếu thực thi công việc. DN quản lý đã chủ động ứng vốn, huy động nguyên vật liệu, máy móc nhằm đảm bảo giao thông bước 1 dù kinh phí dành cho quản lý và bảo trì chưa có. Là “lực lượng phản ứng nhanh”, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam bố trí 1 xe đầu kéo, 4 máy đào bánh xích có dung tích gàu lớn 1,1 - 13,m3, 3 máy xúc lật chuyên dụng, 4 máy đào bánh lốp, các loại xe tải, phao tại các đoạn thường xuyên hư hỏng trên tuyến ĐT606, ĐT608, ĐT609, ĐT611, ĐT616, các QL 14D, 14B, 14E để ứng cứu khi cầu, đường bị mưa lũ phá hoại nhằm đảm bảo giao thông tạm thời nhanh nhất. Đối với QL 14D nằm ở miền núi xa xôi, DN bố trí riêng 1 xe xúc lật chuyên dụng túc trực tại chỗ, giải quyết hậu quả trước mắt.
Thực hiện phối hợp kiểm tra các công trình giao thông đường thủy nội địa, đường bộ vượt trên các con sông Thu Bồn, Trường Giang và Vu Gia, Đoạn QLĐTNĐ Quảng Nam đã nhắc nhở đơn vị thi công trục vớt, thanh thải chướng ngại vật do xây dựng để lại. Trạm đường thủy nội địa Thu Bồn (Đoạn QLĐTNĐ Quảng Nam) được giao quản lý 67km đường sông từ ngã ba Sông Tranh (Km95) đến cầu Kỳ Lam (Km28), qua địa bàn 20 xã, thị trấn của các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn. Trưởng trạm - ông Lê Trung Bán cho biết, đơn vị đã làm việc với chính quyền các địa phương ven sông tiếp nhận phương án phối hợp, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn tổ chức di dời dân khi cần thiết. Sau lũ lụt, trạm lập tức kiểm tra thanh thải chướng ngại vật, luồng tuyến; đồng thời bố trí lại phao tiêu, biển báo nhằm hướng dẫn giao thông đường thủy. “Nằm vị trí trũng thấp ven sông, chúng tôi luôn đặt mình trong tình thế chủ động và thường xuyên phải nâng cao cảnh giác, triển khai PCLB và TKCN ở trạng thái tốt nhất có thể” - ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Giám đốc Đoạn QLĐTNĐ Quảng Nam nói.
CÔNG TÚ