Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em
Những buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) về chủ đề biển - đảo được triển khai trong 3 năm học qua đã giúp học sinh nhà trường nâng cao nhận thức, tình yêu biển - đảo quê hương.
Em Đỗ Bích Ngọc, lớp 9/4, thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc |
Nâng cao nhận thức
Cứ vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều của ngày thứ Hai hằng tuần, sau lễ chào cờ, trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) tổ chức tiết sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về chủ quyền biên giới, biển - đảo, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Trong đó phần thi viết “Thư gửi Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu”, thi vẽ “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em”, nhà trường dành cho học sinh khối lớp 6, 7. Riêng với học sinh khối lớp 8 và 9 sẽ thi thuyết trình tìm hiểu về chủ quyền biên giới biển - đảo và các văn bản pháp luật như Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, những vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông những năm gần đây... Trừ phần thi viết, các hình thức thi còn lại đều được tổ chức vào giờ chào cờ mỗi đầu tuần. Vì thế, không khí ở trường vào giờ này luôn sôi nổi, hào hứng. Và đây cũng là một trong những giờ được các em học sinh háo hức mong đợi. Không chỉ thuyết trình suông, một số chi đội còn có sáng kiến lồng ghép những hoạt cảnh, tranh minh họa, thơ, nhạc... vào phần thi của đội mình, góp phần tăng sự hấp dẫn, có tính thuyết phục và thu hút sự chú ý của thầy cô, phụ huynh và bạn học. Nhiều phụ huynh khi đưa con đi học buổi sáng hay đón con vào buổi chiều đầu tuần, cũng đã cố tình nán lại để được nghe, được xem các lớp thể hiện tình yêu biển - đảo.
Em Đỗ Bích Ngọc, học sinh lớp 9/7, bộc bạch: “Qua những lần sinh hoạt ngoại khóa như thế này, em càng yêu đất nước Việt Nam mình hơn và tự dặn lòng phải học tập, rèn luyện thật tốt để sau này góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. Còn Nguyễn Dương Tuấn Anh, học sinh lớp 9/4 thì chia sẻ: “Không chỉ có thêm những kiến thức về Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển mà em còn biết các thế lực đã và đang xâm lấn vùng biển - đảo của Việt Nam như thế nào. Dù em không được trực tiếp bảo vệ Tổ quốc nhưng em xin hứa là sẽ ra sức thi đua học tập thật tốt để sau này có đủ khả năng và trình độ để phục vụ, bảo vệ đất nước”.
Truyền tình yêu biển - đảo
Từ thực tế các em học sinh ngày càng ít quan tâm đến bộ môn lịch sử và khá hời hợt khi nắm bắt những sự kiện, thời sự chính trị, xã hội của đất nước, trường THCS Lý Tự Trọng đã lồng ghép những nội dung này trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh nhà trường. Với mục đích đó, 3 năm qua, nhà trường đã tập trung giới thiệu trong học sinh về lịch sử đất nước thông qua những tấm gương anh dũng hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, sự gian khổ của các chiến sĩ bộ đội đang ngày đêm canh giữ bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Trong bức thư gửi các chú bộ đội ở Trường Sa, một học sinh lớp 6 viết: “Cháu được sinh ra trên đất liền, tuy chưa một lần đặt chân lên đảo, nhưng cháu vẫn luôn ý thức rằng Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Cháu ước mơ một ngày được ra Trường Sa, đặt chân lên hầu hết các hòn đảo ở đây để hiểu hơn về cuộc sống của các chú bộ đội và người dân trên đảo. Đặc biệt, khi ra Trường Sa, cháu sẽ cố gắng ghé thăm đảo Phan Vinh - hòn đảo chìm mang tên người anh hùng của quê hương Quảng Nam chúng cháu. Các chú ơi, ở nơi đó các chú hãy cố gắng canh gác cho vùng biển quê mình thật bình yên các chú nhé. Nơi này chúng cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt và lớn lên sẽ đóng góp một phần công sức cho đất nước như các chú”. Về tranh, đa số các em vẽ về hình ảnh các chiến sĩ hải quân đang tuần tra, canh gác vùng biển quê hương; vẽ cảnh những con tàu hải quân Việt Nam uy dũng trên biển, vẽ hình ảnh cột mốc chủ quyền... Em Hồ Uyên Phương, học sinh lớp 8/3, cho biết, khi tìm đọc sách báo để bổ sung tư liệu cho bài thuyết trình của mình, em hiểu hơn sự hy sinh của các chú bộ đội trên đảo, hiểu hơn sự gian khổ của những ngư dân ngày đêm bám biển và càng yêu quý cuộc sống hòa bình.
Theo Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng - Nguyễn Tấn Sĩ, những buổi sinh hoạt ngoại khóa đã giúp các em học sinh sáng tạo, tìm hiểu sâu, từ đó nâng cao nhận thức, chia sẻ suy nghĩ, tình yêu của mình về biển - đảo quê hương. Không dừng lại ở những bộ môn do ngành giáo dục tổ chức thi, trường THCS Lý Tự Trọng còn tự tổ chức thi những bộ môn lịch sử, công dân, địa lý để học sinh có những kiến thức về nguồn gốc của đất nước, hiểu rõ về chủ quyền biên giới, biển - đảo. “Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường muốn giúp cho học sinh có cái nhìn tổng quan về biển - đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà trường còn mang kỳ vọng, các em học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực về biển - đảo” - thầy Nguyễn Tấn Sĩ nói.
ĐIỆN NGỌC - CHÂU NỮ