Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Không nên tăng tuổi hưởng lương hưu
Sau hơn 6 năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) dần đi vào đời sống, mang lại nhiều quyền và lợi ích cho người lao động, nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập. Vì thế, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được soạn thảo, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH. Dự thảo gồm 10 chương, 122 điều, bãi bỏ chương về bảo hiểm thất nghiệp và gộp một số điều, bổ sung một số điều. Đối với dự thảo luật lần này, vấn đề nhiều người quan tâm chính là lợi ích của người lao động như tăng tuổi hưởng lương hưu, tăng thời gian đóng BHXH, thực hiện chế độ...
Các đại biểu góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).Ảnh: D.L |
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra phương án từ năm 2016 trở đi, đối với cán bộ - công chức - viên chức quy định tuổi đời hưởng lương hưu theo cách “cứ 3 năm sẽ tăng mức nghỉ hưu lên 1 tuổi” cho đến đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Kể từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi hưởng lương hưu với các đối tượng còn lại theo lộ trình tương tự. Nếu tăng tuổi hưởng lương hưu đến đủ mức như dự thảo đưa ra, thì nam phải làm việc thêm 2 năm, nữ thêm 5 - 7 năm tuổi làm việc. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu thể trạng, sức khỏe của người Việt Nam có đảm bảo hay không? Tại cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành về Dự thảo Luật BHXH do Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức, phần lớn ý kiến cho rằng việc tăng tuổi hưởng lương hưu để cân đối mức đóng và hưởng BHXH trong tương lai là rất cần thiết, nhưng phải có lộ trình phù hợp và trên hết là nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Hiện nay, đa số lao động nữ đến tuổi 55, lao động nam đến tuổi 60 đã bị già hóa về nhiều mặt: sức khỏe, thể chất, trí tuệ... (nhất là các ngành may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, các ngành công nghiệp, thủy lợi...). Trong khi, lớp trẻ phần đông ra trường không có việc làm, nếu tăng tuổi hưu sẽ gây nhiều khó khăn cho chính người lao động khi tuổi cao, sức yếu vẫn phải tiếp tục làm việc. Mặt khác, điều này còn gây trở ngại cho vấn đề tạo việc làm, giảm mất cơ hội thăng tiến của lớp trẻ. Do đó, về tuổi hưởng lương hưu, các đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
DIỄM LỆ