Nguy cơ vỡ nợ công tại Mỹ
Giám đốc Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) Doug Ellmendoft chính thức thông báo về nguy cơ vỡ nợ công của Mỹ vào cuối tháng 10 tới…
Thông tin này đang gây quan ngại sâu sắc cho các nhà đầu tư và cả thị trường phố Wall (Trung tâm giao dịch chứng khoán New York). Theo báo cáo của CBO, khoản nợ quốc gia Mỹ sắp vượt trần cho phép 17,4 nghìn tỷ USD. Trong đó, riêng nợ công của Mỹ tính đến đầu tháng 4.2013 là gần 12 nghìn tỷ USD, chiếm 73% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao nhất trong lịch sử (ngoại trừ thời điểm năm 1945), đe dọa đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nếu quốc hội Mỹ không có những hành động khẩn cấp thì niềm tin của các nhà đầu tư giảm mạnh, gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính cũng như tái diễn kịch bản kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Ngoài ra, CBO còn dự báo, tình trạng này nếu không sớm được giải quyết thì đến năm 2038, tổng khoản nợ quốc gia của Mỹ sẽ chiếm 100% GDP.
Giám đốc CBO- Doug Ellmendoft. |
Không phải đến bây giờ tình trạng nợ công mới được loan báo mà trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng đã có thư gởi lên quốc hội nước này yêu cầu quốc hội phải hành động trước thời điểm giữa tháng 10, trước khi vỡ nợ thực sự đến. Ông Jack Lew giải thích, nếu nguy cơ này không được giải quyết thì Washington sẽ không thể tiếp tục vay tiền từ các thị trường tài chính. Đến khi đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không đủ tiền để chi tiêu và trả nợ trong khi ước tính chính phủ Mỹ phải thực hiện 80 triệu khoản chi tiêu mỗi tháng. Chuyên gia Vladimir Bragin, Giám đốc phụ trách phân tích thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô của hãng Capital, nhận định toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ có thể bị tổn thương nặng trong khi kinh tế Mỹ hiện vẫn phục hồi rất mong manh sau khủng hoảng tài chính. Ông Vladimir Bragin nói rằng, không thể nâng được mức trần nợ công sẽ là một thảm họa không kém gì sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers - một tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ đã tuyên bố phá sản (đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ) và những gì đã xảy ra hồi năm 2008. Khi đó, phản ứng dây chuyền hoàn toàn không thể tiên liệu.
CBO cảnh báo, nếu chính phủ của Tổng thống Obama và quốc hội không thống nhất được với nhau về chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, từ ngày 1.10 tới, lần đầu tiên kể từ năm 1996 chính phủ liên bang Mỹ sẽ phải đóng cửa một số công sở vì không có ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất vào ngày 15.9 vừa qua, bất chấp mọi khuyến cáo về nguy cơ vỡ nợ công sắp cận kề, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa tại quốc hội về việc nâng trần nợ công bởi ông cho rằng, đảng Cộng hòa đang muốn thiết lập một tiền lệ nguy hiểm khi sử dụng việc nâng trần nợ quốc gia để ngăn cản các chính sách của chính phủ. Hiện quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua ngân sách chính phủ cho năm 2014 mà nguyên nhân là do đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn tranh cãi về các khoản cắt giảm chi tiêu, tăng thuế…
Hẳn nhiều người còn nhớ, vào đầu năm nay, Mỹ buộc phải thông qua một dự luật nhằm tạm thời dỡ bỏ mức trần nợ công 16,4 nghìn tỷ USD và cho phép chính phủ được vay tiền để chi tiêu đến ngày 19.5, nghĩa là hiệu lực này hiện không còn. Trước đó, vào tháng 7. 2011, sau nhiều giờ thương lượng, các nhà lãnh đạo của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cuối cùng đã đạt được thỏa thuận vào phút chót về vấn đề nâng mức trần nợ công nhằm tránh kịch bản vỡ nợ cho nước Mỹ, đồng thời gây ra những phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán và tài chính Mỹ.
QUỐC HƯNG