Bỏ thì thương, vương thì tội!

M.ĐỨC 20/09/2013 08:53

Đó là tâm lý chung của nhiều người dân nuôi tôm tại các vùng triều trên địa bàn tỉnh. Bỏ ao hồ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng bằng tiền mồ hôi nước mắt thì không nỡ, nhưng không dám tiếp tục đầu tư vì sợ nguy cơ ôm nợ một lần nữa…

Trước đây, vì cuốn theo “cơn sốt” nuôi tôm nước lợ, nhiều gia đình đã “khai phá” những ruộng lúa, hoa màu, rừng ngập mặn… rồi vay mượn đổ vào đầu tư ao nuôi tôm vùng triều. Nhiều địa phương cũng bị cuốn theo con tôm nên quy hoạch, lập dự án, hình thành cánh đồng nuôi tôm nước lợ tập trung để cho dân thuê đất sản xuất. Trong “cơn sốt”, chi phí đầu tư liên quan cũng “sốt” theo như giá đất, công lao động đắp hồ, chi phí lắp đặt máy móc… cao ngất ngưởng. Có nhiều hộ trúng lớn, mua sắm, xây dựng nhà cửa, tiếp tục vay mượn mở rộng diện tích thả nuôi nhưng rồi điêu đứng với nhiều vụ thua lỗ liên tiếp. Trong khi đó, các dịch vụ ăn theo như đội ngũ “bỏ mối” thức ăn cho tôm phải “gối đầu” cho người nuôi, chờ cuối vụ thanh toán nhưng cũng khốn khổ vì ôm “nợ xấu” với nhiều chủ ao nuôi có tôm mắc phải dịch bệnh, chết hàng loạt… Bây giờ không ít người xốn xang với đống của cải hàng trăm triệu đồng đang trôi theo sông nước; nhiều hộ sản xuất cầm chừng, được chăng hay chớ, mỏi mòn rồi cũng bỏ mặc ao hồ. Môi trường nước nhiều con sông ở vùng đông của tỉnh đang ở mức báo động vì ô nhiễm, nhiều cánh rừng ngập mặn ven sông đã cơ bản “xóa sổ”, những cánh đồng lúa tươi tốt xưa kia giờ chỉ còn là những vuông bờ bãi xói mòn… Hệ lụy của việc phát triển nuôi tôm ồ ạt quá lớn, mà nhất là món nợ với “môi trường” đang hiện hữu – món nợ vốn không có người chịu trách nhiệm hoàn trả như nợ với con tôm.

Theo thống kê, hiện có hàng trăm héc ta nuôi tôm ở khu vực ven sông trên địa bàn tỉnh đang bỏ hoang hoặc bị hư hại, nhưng số diện tích không bỏ hoang nhưng không sinh lợi, thậm chí thua lỗ hoặc đang sản xuất trong phập phồng may rủi với nhiều loại con giống thiếu ổn định thì khó thống kê được. Thậm chí có người còn nói, nghề nuôi tôm nước lợ vùng triều tàn rồi, không tin đến đó mà xem! Làm gì với những ao nuôi tôm nước lợ “kém hiệu quả” đang là bài toán hóc búa. Cách đây chưa lâu, một bạn đọc của Báo Quảng Nam phản hồi với tòa soạn, ông có hơn 1ha nuôi tôm ven sông Trường Giang (thuộc xã Tam Giang, Núi Thành) bị bỏ hoang từ lâu, bây giờ ông muốn trồng rừng ngập mặn vào đó thì phải xin phép ai? Vay vốn ra sao, Nhà nước hỗ trợ gì…? Câu trả lời là khó vô cùng, hãy đợi Nhà nước có chính sách, chủ trương cụ thể. Ý tưởng trồng rừng ngập mặn để sinh lợi (rất khó khả thi), để “trả nợ” thiên nhiên (nghe rất lãng mạn) nhưng là ý tưởng cụ thể, không xa rời thực tế của một người biết trăn trở với những vùng đất bỏ hoang. Và còn rất nhiều người như ông đang loay hoay với hậu quả của kiểu sản xuất đang tồn tại lâu nay: “Không làm biết lấy gì mà ăn”!

M.ĐỨC

M.ĐỨC