Cả tỉnh chủ động ứng phó với bão số 8
(QNO) - Bão số 8 đang tiến gần vào bờ, thời điểm này lãnh đạo và nhân dân các địa phương đã và đang chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng ứng phó... Đến nay, đã có thiệt hại về người do lũ gây ra.
|
Hơn 600 hộ dân ở Duy Xuyên bị nước lũ chia cắt, cô lập
Từ tối 17.9 đến nay trên địa bàn huyện Duy Xuyên liên tục có mưa rất to khiến mực nước các sông dâng cao. Khoảng 10 giờ sáng 18.9, hơn 230 hộ dân ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) đã bị nước lũ chia cắt. Trước tình hình này, lãnh đạo UBND xã Duy Châu huy động 1 chiếc thuyền máy phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, tại xã vùng đông Duy Vinh, 330 hộ dân ở thôn Đông Bình đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Ban PCLB xã Duy Vinh nói: “Lâu nay người dân thôn Đông Bình đi lại bằng cầu phao tạm bợ nhưng do mực nước sông Thu Bồn lên nhanh và nhiều khả năng tiếp tục dâng cao trong những ngày tới nên địa phương đã huy động lực lượng xung kích tháo dỡ cầu phao để tránh bị lũ cuốn trôi”. Theo ông Sành, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCLB của xã đã nghiêm cấm tuyệt đối người và phương tiện qua lại trên các bến đò ngang, phân công cho các thành viên túc trực thường xuyên tại những khu vực nguy hiểm.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi vào lúc 19 giờ 30 phút tối nay 18.9, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban PCLB xã Duy Trinh cho biết, hơn 80 hộ dân đang sinh sống ở xóm Vạn Buồng thuộc thôn Phú Bông (xã Duy Trinh) đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, một số tuyến đường liên xóm, liên thôn trên địa bàn xã này cũng bị nước lũ tràn qua khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Được biết, theo phương án đã đặt ra, khi bão và lũ lớn xuất hiện, chính quyền các cấp cùng lực lượng liên quan của huyện Duy Xuyên sẽ khẩn trương sơ tán gần 3 nghìn hộ dân với hơn 9 nghìn nhân khẩu ở những vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở cao thuộc xã Duy Vinh, Duy Châu, Duy Thu...
Một thuyền cá chìm ở Cù Lao Chàm
Đại úy Đỗ Xuân Trinh, đồn trưởng đồn Biên Phòng Cù Lao Chàm cho biết: lúc 4 giờ chiều 18.9, mưa lớn kèm lốc đã làm chìm chiếc thuyền mang số hiệu Qna-02656 TS của ông Nguyễn Văn Lên, trú tại thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An đang neo tránh bão tại âu thuyền Cù Lao Chàm. Sau khi bị chìm, các lực lượng đã hỗ trợ trục vớt thành công, tuy nhiên do sóng lớn đánh kèm theo dòng nước chảy mạnh nên bị hư hỏng nặng.
Nam Giang: Một người bị lũ cuốn mất tích
Tại Nam Giang, lũ lớn đã cuốn mất tích một người dân khi trên đường từ rừng trở về nhà, thông tin vừa được ông Pơloong Hon, Chủ tịch xã Tàbhing xác nhận vào chiều nay, 18.9.
Vụ việc xảy ra vào 8 giờ sáng qua (17.9), nạn nhân được xác định là Alăng Mốp (20 tuổi), bị nước lũ cuốn trôi khi đang băng qua sông Thanh trở về thôn Pà Rồng, xã Tàbhing (Nam Giang). Hiện tại, chính quyền và người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là người ở xã Mà Cooih (H.Đông Giang), hiện đang tạm trú tại thôn Pà Rồng xã Tàbhing.
Do ảnh hưởng của bão, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Nam Giang đã xảy ra sạt lở nhẹ. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tích cực tìm cách khắc phục những điểm sạt lở này để đảm bảo giao thông.
Thăng Bình: Nhiều tàu thuyền đã tìm được nơi trú ẩn an toàn
Chiều 18.9, UBND huyện Thăng Bình cho biết hiện vẫn còn 12 tàu với 368 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa. Ngoài ra, 69 tàu khác đã vào neo đậu an toàn tại âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa). Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, vào thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn còn 20ha lúa đang chín nhưng chưa thu hoạch kịp. 16ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở vùng triều vẫn chưa được thu hoạch xong. Huyện đang chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; các tiểu ban phòng chống lụt bão của các xã, thị trấn trên địa bàn trực ban 24/24h; trạm biên phòng Bình Minh đang khẩn trương liên hệ với các chủ tàu cá, thuyền trưởng các tàu để thông báo hướng đi của bão đồng thời hướng dẫn các tàu cá đi vào nơi trú ẩn an toàn.
Tam Kỳ: sơ tán người già neo đơn, huy động dân quân đắp cao bờ ao nuôi tôm
Tại Tam Kỳ, đến 16 giờ chiều nay, vẫn còn hơn 60 thuyền thúng của ngư dân thôn Trung Thanh (xã Tam Thanh,) chưa được di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Đây là số thuyền thúng đánh bắt gần bờ, có công suất dưới 6 CV. Dù ngư dân đã dừng mọi hoạt động đánh bắt từ trước đó 3 ngày để di chuyển phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn, tuy nhiên do vướng bờ kè ven biển khá cao nên gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão địa phương đang khẩn trương huy động mọi lực lượng dân quân tự vệ và thanh niên xung kích cùng hỗ trợ ngư dân di dời phương tiện vào vị trí phía trong khu vực bờ kè để đảm bảo an toàn cho phương tiện đánh bắt khi bão đến.
Ngư dân Tam Thanh tìm cách mang thuyền đi tránh bão. Ảnh: HỮU PHÚC |
Xã Tam Thanh có khoảng 500 thuyền bè đánh bắt trên biển, trong đó có 29 thuyền công suất lớn (từ 35CV trở lên) đã được neo đậu trú ẩn an toàn tại vùng biển Kỳ Hà, Đà Nẵng. Còn lại số thuyền lưới công suất nhỏ đã được người dân chủ động tìm vị trí neo đậu an toàn. Ngoài ra còn có khoảng 4 ha hồ nuôi tôm chưa thu hoạch, lực lượng dân quân xã cũng đã xuống giúp đỡ người dân đắp đập ngăn nước hồ tràn ra ngoài, đồng thời di dời máy móc, thiết bị vào nơi an toàn. Được biết, để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, địa phương cũng đã thành lập đội xung kích phòng chống lụt bão ở mỗi thôn gồm 12 - 20 thành viên.
Ông Văn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết đã chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ sơ tán người già neo đơn, người yếu, bệnh tật… đến nơi an toàn. Đối với khu vực Dốc Ông Ổi (thôn Hạ Thanh 2) khoảng cách giữa bờ biển với nhà dân khá gần và chỉ cách nhau 1 bờ kè ven sông, có nguy cơ sạt lở cao, lãnh đạo thành phố Tam Kỳ đã chỉ đạo Ban Quản lý các công trình công cộng thành phố khẩn trương lắp đặt thêm những hộc đá để hạn chế xóa lở, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Duy Xuyên: Cử lực lượng canh các hồ chứa
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNN kiêm Phó Ban Chỉ huy PCLB huyện Duy Xuyên cho biết, tính đến 15 giờ chiều 18.9, mọi công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão ở địa phương này đã sẵn sàng. “Hiện nay, hơn 3.700 ha lúa hè thu chính vụ trên địa bàn 14 xã, thị trấn đã được bà con nông dân thu hoạch xong. Toàn bộ 400 phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn tại các âu thuyền và hói lạch. Ngoài ra, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã lên phương án di dời những hộ dân sống trong các căn nhà tạm bợ, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt sâu đến những nơi kiên cố và cao ráo”.
Ngư dân vùng đông Duy Xuyên khẩn trương kéo thuyền vào bờ trú ẩn. Ảnh: Văn Sự. |
Cũng theo ông Năm, toàn huyện Duy Xuyên có 8 hồ chứa nước, trong đó có 3 hồ chứa lớn, gồm Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc. Hiện mỗi hồ chứa đều có đội cứu hộ 20-30 người, phân công trực ban 24/24 giờ và tập kết đầy đủ các loại vật tư như rọ đá, bao tải, cuốc, xẻng... để chủ động ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.
Tây Giang: Nhiều điểm sạt lở, 4 xã vùng biên tạm thời bị cô lập
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã khiến đường lên 4 xã vùng biên Tây Giang bị tạm thời cô lập do sạt lở nhiều điểm. Cụ thể, tuyến đường từ xã Lăng đi Axan xảy ra sạt lở tại thôn Abanh I, ước tính khối lượng sạt lở 400m3; tuyến đường từ xã Tr’hy đi thôn Dầm I bị sạt lở taluy âm gây đứt đường hơn 15m; tuyến đường từ trung tâm xã Axan đến thôn Arầng II, sạt lở ta luy dương 3 điểm với khối lượng sạt lở khoảng 250 m3. Đường Hồ Chí Minh và tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính huyện Tây Giang cũng xảy ra sạt lở taluy dương 5 điểm, ước tính khối lượng sạt lở 340m3 làm giao thông bị gián đoạn, chính quyền huyện đang huy động xe cơ giới tích cực khắc phục.
Nguy cơ sạt lở cũng khiến chính quyền huyện Tây Giang phải tiến hành di dời khẩn cấp 7 hộ dân tại xã Bhlêê, Avương và Atiêng. Lũ xuất hiện đột ngột đã cuốn trôi 7 con bò của người dân tại các xã Avương và Tr’Hy và Atiêng. Hiện tại một số diện tích lúa nước và các loại hoa màu bị ngập úng và sạt lở ảnh hưởng, có khả năng mất trắng hoàn toàn.
Theo thông tin từ Ban PCLB huyện Tây Giang, nhờ chủ động xây dựng kho thóc dự trữ, hiện tại đã có gần 18 tấn thóc được cất giữ trong các kho thóc tình thương của các xã, thôn, đảm bảo lương thực khi mưa lớn kéo dài.
Đông Giang: Xuất hiện sạt lở
Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, những ngày qua xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng ở huyện Đông Giang, khiến nhiều hecta lúa ruộng bị ngập úng, hư hại.
Nhiều đoạn đường đi về các thôn Tà Me, A Dinh, A Duông 2 (thị trấn P’rao) bị sạt lở nặng, gây ách tắc khiến nhiều khu vực bị cô lập. Khu vực Dốc Rùa (xã A Ting) cũng bị ngập lũ, nhiều phương tiện giao thông bị cách trở. Trong khi đó, tại khu vực trước UBND xã Arooih, hàng chục khối đất đá từ taluy dương tràn xuống lòng đường khiến giao thông về các thôn bị ách tắc, bùn đất nhão nhoẹt. Mưa lũ cũng khiến 10 ngôi nhà của người dân ở thôn A Rớt (xã A Ting) bị đất tràn vào.
Ngoài ra, nước lũ cũng khiến đập thủy lợi Riah tại thôn A Xanh (xã Zà Hung) bị hư hỏng nặng; hàng chục hecta ruộng lúa nước tại các thôn trên địa bàn huyện bị ngập úng, hư hại nặng. Đã có 2 con bò tại thôn Brùa (xã Jơ Ngây) bị chết do lũ cuốn trôi.
Đại Lộc: Nước sông Vu Gia đang lên nhanh
Tại Đại Lộc, từ 17 giờ chiều ngày 17.9, huyện đã triển khai công tác phòng chống cơn bão số 8 đến 18 xã, thị trấn. Các địa phương sẽ tổ chức theo dõi, thông tin kịp thời thông qua hệ thống loa truyền thanh 2 giờ/lần về diễn biến cơn bão để người dân nắm bắt, chủ động đối phó. Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN Đại Lộc - ông Phan Đức Tính cho biết, huyện nhấn mạnh phải tổ chức nhân dân chèn chống nhà cửa, rà soát, bổ sung phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng ngập sâu, nhà không kiên cố đến nơi an toàn. Củng cố các đội xung kích thôn, xã nhằm chủ động trong công tác cứu nạn, cứu hộ khi có bão. Tổ chức canh gác, ngăn chặn người và phương tiện đi lại ở những nơi ngập sâu, nước chảy xiết do mưa lũ. Nghiêm cấm việc sử dụng các ghe thuyền không đảm bảo an toàn, bè tự tạo để đưa đón khách, vớt củi, đi dạo chơi trong mưa lũ.
Nhân viên Công ty CP Chiếu sáng và xây dựng Quảng Nam tháo dỡ đèn hoa trên tuyến ĐT609. Ảnh: CÔNG TÚ |
Lúc 2 giờ chiều ngày 18.9, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đo được 7,8m, dưới mức báo động 2 là 0,2m. Nước đang lên nhanh cộng thêm mưa rất to, ông Phan Đức Tính lo ngại lũ lụt sẽ tràn vào nhà dân ngay trong đêm nay. |
Cũng theo ông Phan Đức Tính, huyện nhấn mạnh bà con phải lo máy gạo, chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm đối phó với thiên tai có thể kéo dài dài ngày. Địa phương cũng dự trữ khoảng 30 tấn gạo, 1 nghìn thùng mì ăn liền trong kho, sẵn sàng cứu trợ khi khẩn cấp. Những giờ cuối cùng buổi sáng ngày 18.9, Đại Lộc đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học. Trong khi đó, bà Võ Thị Nguyệt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường cho hay, đầu giờ chiều nay, xã đã họp nhanh với các trưởng thôn để kiểm tra lại công tác chuẩn bị PCLB. Sẵn sàng di dời hộ dân ở vùng thấp lụt, vùng sạt lở nhất là các hộ sống ven sông Thu Bồn qua thôn Quảng Đại 1, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Trà My: Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ hôm qua (17.9) đến nay, ở vùng Trà My liên tục có mưa lớn kéo dài, lượng mưa trung bình trong 2 ngày qua khoảng gần 80mm. Mưa lớn làm mực nước các sông suối dâng cao và gây ngập lụt, chia cắt cục bộ tại một số địa phương. Từ tối 17.9, điện lưới vùng Trà My bị mất và gián đoạn liên tục.
Hàng trăm phương tiện và người bị mắc kẹt tại ngầm Sông Trường trên tuyến ĐT616 (Ảnh chụp trưa 18.9). Ảnh: Nguyễn Văn Bình. |
Riêng tại ngầm Sông Trường trên tuyến ĐT616, thuộc địa phận thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, khoảng 8 giờ sáng nay 18.9, nước lũ bắt đầu băng qua ngầm và liên tục dâng cao hơn nửa mét, chia cắt và cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My và 6 xã vùng cao Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka của huyện Bắc Trà My. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện và Công an xã Trà Sơn phải bố trí lực lượng túc trực, lập chốt chặn, ngăn không cho người và phương tiện qua lại ngầm để đảm bảo an toàn. Và đã có hàng trăm người và phương tiện bị mắc kẹt hai bên đầu cầu ngầm này.
Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, nước đổ về lòng hồ tăng mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Lân - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, vào trưa 18.9, nước đổ về hồ chứa bình quân 768,89m3/s, mực nước lòng hồ đã dâng lên cao trình 142,25m, vượt mực nước chết hơn 2m. Công ty đã huy động phát liên tục tối đa 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước hồ chứa nhưng lượng nước thoát tối đa qua tua bin 2 tổ máy chỉ khoảng 220m3/s nên mực nước hồ chứa sẽ còn tiếp tục tăng. Dự báo, nhiều khả năng nếu có mưa lớn tiếp tục, mực nước hồ chứa có thể dâng cao đến cửa xả tràn (cao trình 160m). Công ty thủy điện Sông Tranh đã mở sẵn toàn bộ 6 cửa xả tràn, đề đón và xả lũ trong trường hợp lũ lớn về.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống, giảm nhẹ thiên tai huyện Bắc Trà My, đây là đợt mưa lũ kéo dài và lớn nhất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra các biến cố thấm, chảy nước và động đất kích thích liên tục. Do vậy công tác phòng chống lụt bão đã được huyện Bắc Trà My và Công ty Thủy điện Sông Tranh triển khai rất khẩn trương, đồng bộ và chủ động.
Ngay trong sáng nay 18.9, UBND huyện Bắc Trà My tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các địa phương tạm dừng các hoạt động hội họp không cần thiết để tập trung ứng phó mưa bão. UBND huyện và Công ty Thủy điện Sông Tranh luôn giữ liên lạc thường xuyên, bố trí sẵn các lượng lượng xung kích và phương tiện cơ giới ở các địa điểm xung yếu, chủ động xử lý ứng phó khi cần thiết.
Nhân dân tập trung chằng chống nhà cửa
Trưa 18.9, chỉ kịp ăn vội miếng cơm, cha con ông Dương Bê (thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) đã mang áo mưa bắc thang leo lên mái nhà. Hàng chục bao tải cát được họ đưa lên chần quanh mái tôn nhà dưới. Ông Bê nói: “Cách đây 2 năm, do không lo chần mái, bão dữ ào tới cuốn phăng mái tôn làm 10 bao lúa vừa gặt về và rất nhiều vật dụng đắt tiền trong gia đình bị ướt, hư hỏng. Trưa ni, nghe đài báo chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là bão số 8 sẽ trực tiếp đổ bộ vào Quảng Nam. Lo chuyện cũ lặp lại, tôi vội vã chạy xuống chợ Bàn Thạch mua 30 cái bao tải rồi kéo xe bò ra bãi xúc cát đưa về đổ vào bao để chuyển lên chần mái”.
Người dân ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) khẩn trương chần mái nhà. Ảnh: Văn Sự |
Trước những diễn biến hết sức phức tạp của bão số 8, từ sáng sớm nay 18.9, chính quyền các địa phương trên địa bàn Quảng Nam, nhất là ở các xã vùng đông của tỉnh liên tục phát những thông tin mới nhất về cơn bão này trên hệ thống truyền thanh cơ sở và xe tuyên truyền lưu động. Cạnh đó, tích cực vận động nhân dân khẩn trương chằng chống nhà cửa để hạn chế những thiệt hại do bão gây ra. Ngoài xã Duy Vinh của huyện Duy Xuyên, nhiều giờ qua, có mặt tại các nơi khác thuộc huyện Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức... chúng tôi chứng kiến cảnh cả nghìn hộ dân và hàng loạt cơ quan, trường học, doanh nghiệp đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư hối hả chần mái tôn và chằng chống nhà cửa, công sở để chủ động ứng phó với gió bão.
Núi Thành: 2 tàu đang cá đang bị mất liên lạc
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, sáng nay 18.9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Núi Thành họp khẩn triển khai các biện pháp cấp bách phòng tránh bão số 8.
Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện quán triệt nội dung Công điện của UBND tỉnh và chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện về các biện pháp cấp bách phòng tránh bão số 8. Theo đó, các đơn vị Biên phòng, Cảnh sát biển theo dõi tàu thuyền, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, có phương án di dời dân vùng ven sông, ven biển, vùng trủng thấp, vùng có nguy cơ sạt lỡ đất; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình, hồ đập chứa nước; bố trí nơi trú ẩn cho tàu thuyền; kiểm tra lương thực dự trữ, thực hiện phương án “4 tại chỗ” trong phòng tránh bão số 8; thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều ngày 18.9 và một số biện pháp cấp bách khác.
Do ảnh hưởng bão số 8, tại huyện Núi Thành, từ ngày 17.9 trời bắt đầu mưa to, nhiều nơi ngập nước như Khu dân cư Nam Định, đoạn mở rộng quốc lộ 1A thuộc xã Tam Anh Nam; các xã Tam Mỹ Tây, Tam Anh Nam mất điện từ đêm 17.9. Đặc biệt, huyện Núi Thành có 91 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với 2.600 lao động hiện đang ở trên các vùng biển khu vực Trường Sa, Trung Sa và Hoàng Sa, trong đó, xã Tam Quang có 23 tàu với 369 lao động. Đến thời điểm này, hầu hết các tàu đã vào nơi trú ẩn, một số tàu không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 8.
Tuy nhiên, điều đáng lo hiện tại là có 2 phương tiện đang trên đường vào bờ nằm trong vùng bão số 8. Đó là tàu ông Ngô Ri (xã Tam Hải) và tàu ông Nguyễn Vinh (xã Tam Giang), lúc 10 giờ sáng nay, địa phương đã liên lạc bằng điện thoại nhưng không được. Huyện Núi Thành đang yêu cầu Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, Đồn Biên phòng Tam Thanh, Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam và Vùng Cảnh sát biển 2 theo dõi công tác cứu hộ 2 tàu nói trên.
Ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Núi Thành đã trực tiếp xuống các địa bàn nắm tình hình và đôn đốc công tác phong tránh bão số 8. Ông Trần Đình Phú (thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành) cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các mùa mưa bão năm trước, bước vào mùa mưa bão năm nay bà con luôn quan tâm cập nhập thông tin diễn biến về tình hình bão lũ. Nhận thông tin về cơn bão số 8 và tình hình trời liên tục có mưa lớn nên ngay từ sáng sớm nay, bà con địa phương đã triển khai công tác chằng chống nhà cửa, đưa tài sản đến nơi cao ráo để đề phòng trường hợp nước dâng cao gây hư hại”. Tại xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão đã trực tiếp xuống hiện trường để đôn đốc nhân chằng chống nhà cửa, chặt hạ cây cối có nguy cơ bị ngã đổ. Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết: “Đối với 8 thôn vùng phía đông của xã có nguy cơ cao về ngập lụt cục bộ, gây chia cắt, ngay trong sáng nay cán bộ địa phương đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường, chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời tài sản, và người dân đến nơi cao ráo, an toàn”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, huyện Núi Thành phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra.
Hội An: sẵn sàng “5 tại chỗ”
Sáng nay 18.9, UBND TP.Hội An đình chỉ tất cả các cuộc họp, công việc không cần thiết, tổ chức cuộc hộp khẩn với các xã, phường, ban ngành, các lực lượng vũ trang để bàn kế hoạch ứng phó với bão số 8 và khả năng sau đó là lũ.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An, hiện nay có 24 nhà cổ và di tích trên địa bàn phường Minh An đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy có sụp đổ. Trong đó có 5 nhà cổ không có chủ, cán bộ của Trung tâm đã phối hợp cùng lực lượng dân quân phường Minh An tích cực chằng chống.
Người dân ven sông Thu Bồn chuẩn bị ứng phó với lũ. Ảnh: Minh Hải |
Tại cuộc họp, ông Lễ Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp chống đỡ, khổng để xảy ra trường hợp di tích sụp đổ khi bão đổ bộ vào đất liền, đồng thời di dời và sơ tán người ra khỏi những nhà cổ đã xuống cấp.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An chỉ đạo cho lực lượng bộ đội chủ động phương án, phương tiện và nhân lực sẵn sàng ứng cứu nhân dân kịp thời trong bão và nếu xảy ra lũ. Bên cạnh đó, các ngành y tế, tài nguyên môi trường, Công ty Công trình công cộng, Đoàn thanh niên… sẵn sàng thuốc men, Phòng LĐ-TB&XH chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong tình khẩn cấp.
Từ chiều nay 18.9, học sinh nghỉ học Hôm nay 18.9, Sở GDĐT ban hành văn bản 1153/SGDĐT-VP về phòng tránh bão số 8. Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học từ chiều hôm nay 18.9. Ở những vùng dễ bị lũ lụt, cần chỉ đạo, quán triệt cho học sinh và phụ huynh đề phòng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất,… đảm bảo an toàn trong việc đi lại để tránh thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Sở GDĐT công bố số điện thoại của lãnh đạo để các đơn vị trường học liên hệ khi cần thiết: 0510.38113370-381255005 (văn phòng); 0510. 3506599 (Phó Giám đốc), 0913.478357 (Chánh văn phòng), 0905.731282 (Phó Văn phòng). (BẢO NGUYÊN) |
Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế thống kê lại diện tích lúa, hoa màu và hồ nuôi, đồng thời hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch. Các địa phương vùng trũng thấp phải tính đến phương án lũ lớn để chủ động sơ tán dân, vật nuôi. Đặc biệt, đề phòng lũ lớn trong đêm để giảm thiệt hại về người và tài sản. Lực lượng công an nghiêm cấm các phương tiện chở khách thăm quan du lịch khu phố cổ và các bến đò. Cử lực lượng xung kích giúp dân chằng chống nhà cửa, cử lực lượng trực 24/24 giờ.
Điện Bàn: cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sáng nay 18.9, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCBL huyện Điện Bàn - Đặng Hữu Lên chủ trì cuộc họp khẩn với Chủ tịch UBND 20 xã, thị trấn trên địa bàn và các thành viên Ban Chỉ huy PCLB huyện. Bí thư Huyện ủy - Lê Thân, Chủ tịch UBND huyện - Lê Trí Thanh tham dự và chỉ đạo phương án phòng chống.
Trước thông tin về cơn bão số 8 đổ bộ vào khu vực Trung Trung bộ với sức gió cấp 7 cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa to đến rất to, UBND huyện đề ra 8 nhóm nhiệm vụ cấp bách để phòng chống cơn bão số 8 và lũ lớn sau bão. Trọng tâm là thông tin nhanh đến nhân dân về diễn biến của bão, lũ; phát huy phương châm “5 tại chỗ”, di dời ngay các hộ dân ở ven sông, nơi đang xây dựng dở dang có nguy cơ mất an toàn ở xã Điện Thọ, Điện Dương, Điện Ngọc đến nơi an toàn. Đồng thời triển khai ngay lực lượng xung kích giúp dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học. Các trường trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học, các cơ quan, ban ngàng, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác phòng chống bão. Lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phân công người trực 24/24 giờ, số còn lại tăng cường chỉ đạo và giúp dân trong công tác phòng chống .
Ngư dân đưa ngư lưới cụ rời khỏi tàu thuyền tránh bão. Ảnh: Văn Sự. |
Ngay sau cuộc họp Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các ngành chức năng của huyện được phân công tỏa về 20 xã, thị trấn để phối hợp chỉ đạo phòng tránh bão.
* Ông Đặng Hữu Lên cho biết, qua kiểm tra cho thấy các địa phương đều cử cán bộ về cơ sở cùng trưởng thôn đôn đốc, nhắc nhở người dân lo chằng chống nhà cửa, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi kiên cố, điểm cao. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 100ha lúa (chủ yếu tại Điện Ngọc, Điện Dương) và 160ha bắp (nhiều ở vùng Gò Nổi) chưa thu hoạch. Địa phương tiếp tục vận động bà con gặt lúa ngay trong chiều nay, còn 160ha bắp có thể để sau khi bão lụt xong mới bẻ.
Người dân Điện Quang khẩn trương chèn nhà bằng dây cáp. Ảnh: CÔNG TÚ |
Thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, sáng ngày 18.9, xã Điện Quang đã họp các trưởng thôn để triển khai công tác PCLB&TKCN. Ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã thông tin: “Chúng tôi yêu cầu các thôn vận động nhân dân chèn chống nhà cửa cho đảm bảo, đưa lương thực, tài sản lên nơi cao ráo. Đối với 121 hộ là người già cả, neo đơn đang sinh sống trong nhà tạm, xã chỉ đạo cho cơ sở phải di dời họ vào ở chung với hàng xóm, nếu không đi sẽ tiến hành cưỡng chế nhằm đảm bảo tính mạng người dân”.
Khẩn trương neo đậu tàu thuyền
9 giờ sáng nay 18.9, trời mưa như trút nước nhưng ông Nguyễn Văn Tư ở thôn Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) cùng 5 thuyền viên vẫn hì hục kéo chiếc tàu cá mang số hiệu QNa 03595 vào sâu trong âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) neo vào các trụ bê tông lớn. Ông Tư nói: “Năm 2007, cũng vì quá chủ quan nên bão lũ ập tới cuốn trôi mất chiếc tàu câu mực lá của tôi. Để có kế mưu sinh nhằm trang trải cuộc sống gia đình, cách đây 3 năm tôi vay mượn khắp nơi mua lại chiếc thuyền này. Bão số 8 đang tiến sát vào bờ, chừ phải neo thuyền thật kỹ chứ nếu lỡ nó bị cuốn trôi hoặc đánh chìm gây hư hỏng nặng thì sẽ khổ bội phần”. Ông Tư cho biết, tàu cá QNa 03595 của ông đang rập ghẹ trên vùng biển tỉnh Quảng Bình thì sáng qua 17.9 nhận được tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8. Lập tức, ông và 5 thuyền viên khẩn trương thu ngư cụ, nhổ neo chạy về.
Hàng trăm phương tiện đã vào trú ẩn an toàn tại âu thuyền Hồng Triều. Ảnh: Văn Sự. |
Không riêng gì ông Tư, suốt cả buổi sáng nay, có mặt tại âu thuyền Hồng Triều chúng tôi thấy hàng trăm ngư dân khác cũng hối hả đưa phương tiện đánh bắt của mình vào nơi tránh trú. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, ngoài 400 chiếc tàu của ngư dân 3 xã vùng đông huyện Duy Xuyên, đến 10 giờ 15 phút sáng nay tại âu thuyền Hồng Triều còn có cả trăm phương tiện khác của ngư dân Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn vào nơi neo đậu an toàn...
* Trong khi đó, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 11h sáng nay, Quảng Nam vẫn còn 102 tàu cá hoạt động trên biển với 2.703 lao động. Trong đó, tàu cá sản xuất ven bờ là 11 chiếc/78 ngư dân. Số tàu xa bờ còn hiện diện trên biển là 91/2.625 lao động ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số 91 phương tiện khai thác xa bờ, có 6 phương tiện đang chạy vào bờ. Hiện tại, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tập trung lực lượng, theo dõi, nắm chắc diễn biến của bão số 8 đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh để chủ động ứng phó bão.
Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hiện tại, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, sẵn sàng cơ động ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy đến. Ngoài việc tham mưu cho các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống bão số 8, lực lượng biên phòng cũng đang sẵn sàng giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, giúp đỡ ngư dân đưa tàu cá đến trú ẩn tại những địa điểm an toàn.
Hiện tại, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức lực lượng thường trực tại 5 địa bàn xung yếu là TP.Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Cùng với việc chuẩn bị sơ tán người và tài sản đến những nơi an toàn, đơn vị cũng đã sẵn sàng giúp nhân dân thu hoạch lúa và hoa màu để tránh thất thoát nông sản.
Nhóm PV - CTV