Liên hiệp quốc xác nhận Syria dùng vũ khí hóa học

NAM VIỆT 18/09/2013 08:18

Sau nhiều ngày điều tra, sáng 17.9 (theo giờ Việt Nam), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã xác nhận chính thức kết luận của các chuyên gia LHQ về việc Syria đã tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21.8 khiến 1.400 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng tại quốc gia Trung Đông này.

Thanh tra LHQ đã thực hiện các xét nghiệm bệnh phẩm thu thập được tại hiện trường, kết quả có 85% mẫu máu cho kết quả dương tính với sarin - một chất độc cực mạnh, được sử dụng như một chất độc thần kinh. Trong lĩnh vực quân sự, nó được dùng làm vũ khí hóa học và được LHQ xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việc sản xuất và tích trữ sarin bị cấm bởi Hiệp định Vũ khí hóa học năm 1993. Theo bản báo cáo này, vũ khí hóa học sarin đã được sử dụng trên một phạm vi tương đối lớn tại khu vực Syria như Ein Tarma, Moadamiyah và Zalmalka, nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em. Dựa trên kết quả phân tích, các chuyên gia LHQ cho biết khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn tên lửa “đất đối đất” và bắn vào khu vực Ghouta, ngoại ô Damascus hôm 21.8.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon thông tin về kết quả điều tra chính thức tại Syria ngày 17.9.                                                                                                                              Ảnh: UN
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon thông tin về kết quả điều tra chính thức tại Syria ngày 17.9. Ảnh: UN

Ngay trong bài thông báo kết quả điều tra, mặc dù không lên tiếng xác nhận bên nào tại Syria hay thủ phạm nhưng ông Ban Ki-moon lên án vụ tấn công hóa học ở Syria là “tội ác chiến tranh” và kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ cân nhắc những biện pháp để bảo đảm rằng, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tuân thủ kế hoạch thỏa thuận của Nga và Mỹ nhằm kiểm soát và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Với kết quả điều tra chính thức đầu tiên này, ông Ban Ki-moon cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm đảm bảo các loại vũ khí hóa học không bao giờ trở thành công cụ chiến tranh một lần nữa. Trước đó, ngay sau khi báo cáo được trình lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon, đại sứ 3 nước Mỹ, Anh và Pháp tại LHQ đều cho rằng bản báo cáo đã chứng minh Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.

Theo các chuyên gia phân tích, báo cáo này thực sự đến trễ khi mà vừa kết thúc cuộc tấn công 21.8, người ta đã nói đến việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Nhưng, đây rõ ràng là bước đi thận trọng, cũng là nỗ lực đáng kể của LHQ trong cuộc chiến chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cũng như trên toàn thế giới. Ngay sau khi LHQ thông báo kết quả đầu tiên này, người ta cũng dễ dàng nhận thấy quan điểm của các cường quốc trong Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu như trước đây cộng đồng quốc tế dường như thở phào và có những động thái tích cực sau khi Nga và Mỹ tìm được sự đồng thuận trong vấn đề Syria, thì nay thông báo xác nhận chính thức của LHQ hôm qua cũng khiến không ít người lo ngại. Ngay trong cuộc họp gần nhất tại thủ đô Paris (Pháp), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh William Hague đã thảo luận về ngôn từ trong bản dự thảo nghị quyết mới của LHQ đều lên tiếng cho rằng, họ cần thực hiện những bước gây sức ép quân sự để Syria chấp nhận thỏa thuận tại Geneva (Thụy Sĩ) vừa qua: Syria phải hoàn toàn từ bỏ vũ khí hóa học, nếu làm trái cam kết sẽ chịu hậu quả nặng nề.

Trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Pháp - ông Francois Hollande nói: “Lựa chọn quân sự vẫn còn đó, nếu không sẽ không có sức ép”. Đây được xem là phản ứng của Pháp trong vấn đề này. Cả giới lãnh đạo chính quyền Pháp và Mỹ đều cho rằng chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công một tháng trước và hiện các nước này chưa hoàn toàn từ bỏ ý định tấn công quân sự vào Syria. Ngay thời điểm này, Pháp, Mỹ, Anh đang vận động Hội đồng Bảo An LHQ ra nghị quyết về Syria, có thể diễn ra vào cuối tuần này. Còn các nhà ngoại giao Pháp, Mỹ cũng đã lên đường sang gặp người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov để thuyết phục Nga chấp thuận những ý tưởng của nghị quyết này.

 NAM VIỆT

NAM VIỆT