Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc 5 năm (2007 - 2012): Gia đình - cội nguồn sức mạnh

LÊ QUÂN 17/09/2013 08:07

Hôm nay 17.9, tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, Sở VH-TT&DL tổ chức Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hóa (GĐVH) tiêu biểu, xuất sắc 5 năm (2007 - 2012). Xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Kết nối yêu thương

Năm 2013 được chọn là “Năm gia đình” với chủ đề Kết nối yêu thương nhằm củng cố các sợi dây liên hệ giữa những thành viên trong mỗi gia đình thêm gắn bó bền chặt. Bởi, chỉ có tình yêu thương mới là động lực giúp các gia đình xây dựng tổ ấm hạnh phúc, ngăn ngừa các yếu tố tiêu cực. Gia đình là cội nguồn sức mạnh giúp xã hội tồn tại và phát triển bền vững. Cùng với làng xã là nơi tái tạo, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ, văn hóa, gia đình là nơi tái tạo con người. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của giá trị gia đình, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các ngành, hội, đoàn thể của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào xây dựng GĐVH.

Tình yêu thương là động lực giúp các gia đình xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Trong ảnh: Cả nhà cùng tham gia hội thi tìm hiểu trật tự an toàn giao thông.Ảnh: VINH ANH
Tình yêu thương là động lực giúp các gia đình xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Trong ảnh: Cả nhà cùng tham gia hội thi tìm hiểu trật tự an toàn giao thông.Ảnh: VINH ANH
Ông Phạm Ngọc Khương (khối phố Lâm Sa, phường Cẩm Phô, TP.Hội An): “Xây dựng GĐVH phải gắn liền với xây dựng nếp sống văn hóa. Trong gia đình, cha mẹ cần giữ vững vai trò trụ cột, sống mực thước, luôn lấy chữ “Tâm” làm tín, chữ “Đức” làm trọng, để giáo dục, động viên con cháu”.
Già Hồ Văn Nhun (khối 5, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn): “Tôi luôn quan tâm uốn nắn lời nói, việc làm, cách ứng xử của con cháu với mọi người xung quanh... Những việc làm thiết thực đó đã giúp con cháu trong gia đình biết quý trọng sức lao động của cha mẹ, làm cho tình cảm gia đình gắn bó ấm cúng, không khí trong gia đình luôn vui tươi”.
Ông Phạm Ngọc Tý (thôn Ngọc Kinh Tây,  xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc): “Cuộc sống ngày càng văn minh, xã hội ngày càng phát triển, do đó xây dựng GĐVH là việc làm cần thiết nhằm xây dựng đạo đức lối sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Ông Nguyễn Văn Nam (thôn 2, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước): “Gia đình là tổ ấm, là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách mỗi con người; rộng hơn, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt, thì con người, xã hội mới tốt”.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Từ năm 2007 đến nay, Ban Chỉ đạo các cấp đã tiến hành 464 đợt kiểm tra về công tác xây dựng GĐVH. Qua đó, phát hiện những vướng mắc, tồn tại, khuyết điểm của phong trào để có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, giúp phong trào phát triển”. Hiệu quả dễ nhìn thấy từ phong trào là năm 2012 toàn tỉnh có hơn 307 nghìn hộ được công nhận danh hiệu GĐVH, với đời sống kinh tế ổn định, gia đình thuận hòa, hạnh phúc. Toàn tỉnh hiện có 547 Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc với hơn 17 nghìn thành viên. Những câu lạc bộ này có trách nhiệm vận động gia đình và cộng đồng chấp hành đúng pháp luật, chính sách về hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn để xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, hiện đại, thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Xác lập giá trị mới

Năm năm qua, Báo Quảng Nam, Bản tin Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Tạp chí văn hóa Quảng Nam, Bản tin Ban Tuyên giáo... đã phát hành hơn 25 nghìn bản tin, bài viết về xây dựng GĐVH. Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố đã phát sóng hàng trăm lượt tin, bài, phóng sự nói về những gương điển hình trong thực hiện phong trào xây dựng GĐVH. Đội thông tin lưu động tỉnh, các huyện, thành phố đã tổ chức gần 200 đợt tuyên truyền có nội dung về phong trào xây dựng GĐVH thông qua các kịch bản thông tin, chương trình văn nghệ...

Ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Các gia đình được tôn vinh chính là những “tế bào” tiêu biểu, toàn diện, là tấm gương để các gia đình khác học tập. Từ năm 2013, các phong trào trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa sẽ tập trung đi sâu vào chất lượng, xây dựng mô hình điểm trước khi triển khai trên diện rộng, kết hợp với công tác xây dựng nông thôn mới”. Đó là hướng đi cần thiết, bởi hiện nay nhiều vấn đề bức xúc của xã hội có chiều hướng gia tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với đời sống văn hóa gia đình và xã hội. Trong khi đó, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng dẫn đến nguy cơ phá vỡ giá trị đạo đức truyền thống và văn hóa ứng xử, ảnh hưởng đến chất lượng GĐVH.

Trong thời đại hiện nay, chúng ta có thể bổ sung các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động để xác lập gia phong mới phù hợp thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên cái mới cũng không nằm ngoài cơ sở nền tảng truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp sẵn có. Có như thế mới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng GĐVH ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững để  gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Thời gian tới, theo ông Đinh Hài, các cấp sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình Câu lạc bộ GĐVH, Xây dựng gia đình phát triển bền vững...; tổ chức Liên hoan GĐVH các cấp. Trong đó, coi trọng vai trò nòng cốt của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong quá trình vận động, tổ chức thực hiện phong trào ở cơ sở.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN