Góp hương cho đời
Trong số 46 gia đình được tuyên dương lần này, mỗi trường hợp là một bông hoa đẹp góp thêm hương sắc cho mảnh đất Quảng Nam.
1. Gia đình ông Trần Trung Dũng (thôn Bình Hiệp, Bình Phục, Thăng Bình) là một trong những tấm gương “vượt lên chính mình” của người dân vùng quê nghèo. “Tôi xác định muốn làm được việc gì thì phải có hiểu biết, kinh nghiệm và tôi tìm hỏi bạn bè, người thân, tìm đọc sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất chăn nuôi … Sau khi có được những kiến thức nhất định về cung cách, phương thức làm ăn, vợ chồng tôi cùng bàn bạc nên làm gì cho phù hợp với sức người, sức của hiện có và đi đến quyết định là lấy chăn nuôi làm chủ lực để đầu tư” - ông Dũng tâm sự. Từ số tiền dành dụm được, ông làm tạm chuồng trại, nuôi một con bò sinh sản và một con heo nái để rút kinh nghiệm, rồi từng bước nhân rộng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh nên việc chăn nuôi của gia đình ngày một phát triển. Những năm trở lại đây, gia đình ông đều có đàn bò sinh sản 5 - 6 con, đàn heo nái 4 - 5 con, tổng nguồn thu nhập từ chăn nuôi sau khi trừ chi phí khoảng 60 triệu đồng/năm.
Từ ý chí quyết thoát khỏi cái nghèo, ông đã truyền niềm tin đến tương lai cũng như nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các con mình. Hiện nay, con trai đầu của ông đang học nghiên cứu sinh chuyên ngành xây dựng tại Pháp theo chương trình học bổng của Nhà nước. Con gái thứ 2 của ông cũng đã tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài. Hiện nay, dù sức khỏe không tốt nhưng với sự tín nhiệm của người dân địa phương, ông vẫn tham gia làm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn. Luôn xông xáo trong các công tác tuyên truyền, lúc nào cũng làm việc hết sức mình với “tâm - tín - tình” nên ông nhận được sự quý mến của bà con trong khu dân cư.
2. Mặc dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng vợ chồng ông Trương Vũ Hùng (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, Núi Thành) luôn coi trọng việc giáo dục con cái trong gia đình. Ngoài việc thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của con, vợ chồng ông luôn quan tâm, chăm sóc, bảo ban, giáo dục con cái, kịp thời động viên các con học hành. Sự quan tâm của cha mẹ, cộng với tư chất, ý chí của bản thân, các con của ông Hùng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan trò giỏi. Hiện nay, con gái lớn của ông Hùng đã là sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh. Trước đó, con gái ông luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi tại trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ). Còn cậu con trai của ông năm nay học lớp 9 trường THCS Trần Cao Vân (xã Tam Hiệp) với thành tích 8 năm liền là học sinh giỏi.
Gia đình ông Hùng là hộ chuyên kinh doanh sản xuất lốp đắp ô tô. Hiện nay, cơ sở của ông sản xuất 1.500 lốp/năm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường trong nước, tập trung các tỉnh Tây Nguyên… Cơ sở của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông luôn đi đầu trong phong trào ủng hộ các hoạt động từ thiện ở địa phương như quỹ Vì người nghèo, quỹ Nạn nhân chất độc da cam, quỹ Khuyến học, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông chia sẻ rằng, với vai trò là người trụ cột, ông luôn tìm cách tạo không khí hòa thuận, ấm cúng cho tổ ấm của mình, xây dựng cuộc sống gia đình yên vui, đầy ắp tiếng cười. Mọi thành viên trong gia đình đều tôn trọng nhau, luôn lắng nghe ý kiến và cùng nhau chung sức khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống.
3. Năm 2009, xã Tam Phước (Phú Ninh) được Trung ương chọn làm địa bàn điểm xây dựng nông thôn mới.Ông Đoàn Văn Đức (thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) nhận ra rằng, việc xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) gắn với nông thôn mới không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho mỗi thành viên trong gia đình mà đem lại hạnh phúc cho cả cộng đồng. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó mà mỗi thành viên trong gia đình ông đều chung tay góp sức xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới tại địa phương. Ông Đức cho biết, khi địa phương phát động phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn, gia đình ông đã hiến gần 200m2 đất để làm đường giao thông. Ngoài ra ông tích cực vận động người thân, làng xóm hiến đất hai bên để mở rộng đường giao thông vào thôn xóm.
Trong 46 gia đình tiêu biểu, xuất sắc được tỉnh tuyên dương, có 16 gia đình được chọn tham dự hội nghị Tuyên dương GĐVH tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc tại Hà Nội. |
Trong cuộc sống, gia đình ông Đức luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp hòa thuận và giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, khi khó khăn hoạn nạn. Các thành viên trong gia đình đều tích cực tham gia sinh hoạt vào các tổ chức chính trị xã hội và là hội viên tiêu biểu trong các hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Gia đình ông cũng luôn tích cực tham gia, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của khu dân cư như tham gia xây dựng thực hiện quy ước nếp sống văn hóa; xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; vận động bà con nhân dân trong xóm cùng giữ sạch môi trường... Chia sẻ về những đóng góp của gia đình mình, nhất là trong phong trào xây dựng GĐVH gắn với nông thôn mới, ông Đức nói: “Trước hết mỗi thành viên trong gia đình phải nhận thức sâu sắc và toàn diện về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cả 2 phong trào. Phải coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có biện pháp thích hợp vận động các gia đình tích cực chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Còn rất nhiều điển hình được tôn vinh dịp này như gia đình ông Coor Dênh (thôn Vinh, xã Tà Pơ, Nam Giang), Võ Thị Việt (thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, Tiên Phước), Phạm Phú Lộc (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, Nông Sơn), Ngô Thị Hương (thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My)... Và việc tuyên dương, khen thưởng như một cách để khẳng định tầm quan trọng của vai trò gia đình trong cuộc sống hiện đại. Tất cả những chủ gia đình chúng tôi gặp đều chia sẻ, nếu không có nền tảng gia đình họ sẽ không có được thành công như hôm nay.
SONG ANH