“Nông dân tự chịu trách nhiệm”
Xoay quanh câu chuyện đầu ra sản phẩm, dự báo thị trường, quy hoạch vùng trồng cao su…, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT. Ông Quang nhấn mạnh, người trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) phải chủ động liên kết với doanh nghiệp (DN) trong đầu ra sản phẩm, tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng chỉ đứng ra hỗ trợ kỹ thuật, thông tin thị trường…
Ông Nguyễn Thanh Quang. |
Người trồng CSTĐ thường bị các cơ sở, công ty thu mua mủ “làm giá” gây thiệt hại không nhỏ. Nhà nước khi khuyến khích trồng CSTĐ chưa dự lường hậu quả này?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Về nguyên tắc chung, bất cứ hàng hóa nào cũng đều tuân theo cơ chế thị trường, chịu sự điều phối của thị trường. Trước khi sản xuất cái gì, người dân cần tính toán cung – cầu ra sao cho phù hợp, biết sản phẩm do mình làm ra sẽ bán cho ai chứ. Nhà nước chỉ hỗ trợ họ về thông tin, kỹ thuật, định hướng thị trường... Trước đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển cây cao su đại điền (CSĐĐ), DN vào đầu tư người dân nơi đó hưởng lợi về hạ tầng cơ sở, giải quyết lao động tại chỗ, xóa đói giảm nghèo... Do vậy, CSTĐ phải dựa vào CSĐĐ thông qua các hình thức mua giống, chuyển giao kỹ thuật, ký kết hợp đồng bán mủ cho công ty. Tuy nhiên, người dân thì trồng tràn lan, mua giống trôi nổi trên thị trường và không chịu thỏa thuận, liên kết với DN trong khâu đầu ra. Bây giờ sản lượng mủ CSTĐ còn ít, chứ sau này nhiều lên, dự báo sẽ gặp khó khăn hơn, báo chí dự báo tình trạng này là rất cấp thiết. Mấy ông DN trồng CSĐĐ nói là tổ chức thu mua mủ cho dân, chứ ổng còn phải lo cho công ty của mình trước. Tôi nói thiệt, CSĐĐ chưa là chỗ dựa vững chắc cho CSTĐ, vai trò “bà đỡ” chưa rõ lắm. Do vậy, các địa phương không nên phát triển CSTĐ tràn lan, tự phát mà phải có sự vào cuộc, liên kết lẫn cam kết của DN.
Lo lắng của người trồng cao su tiểu điền là tiêu thụ sản phẩm. |
Thị trường giống cây trồng xâm nhập tràn lan, trong khi ngành chức năng chậm vào cuộc giám sát, cảnh báo khiến người dân chịu thiệt khi sản xuất, ông nghĩ sao về việc này?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Quả thật là thị trường giống cây trồng tự do khó kiểm soát. Thời gian qua, khi phát hiện người dân ở huyện Phước Sơn mua hàng chục nghìn giống cây cao su “dỏm”, ngành đã đến khuyến cáo họ lập tức bỏ. Phải kiểm định chất lượng giống ngay từ đầu dù là CSĐĐ hay CSTĐ. Hiện nay, chúng tôi đang giao bộ phận chuyên môn cấp giấy chứng nhận cho một số đơn vị chuyên sản xuất giống đảm bảo chất lượng, đây là cơ sở để người dân an tâm lựa chọn. Tóm lại, nếu người dân không liên kết với DN sản xuất thì sẽ rất bất lợi, khó phát triển bền vững.
Chúng ta khuyến khích người dân phát triển cao su trong khi lại thiếu quy hoạch đồng bộ, DN vào đầu tư thì theo kiểu mạnh ai nấy làm, lỗi do đâu?
Ông Nguyễn Thanh Quang: Tôi nhấn mạnh, đến nay Quảng Nam chưa có bản đồ quy hoạch một cách “danh chính ngôn thuận” về vùng trồng cao su. Lý do: Nhà nước chưa có nguồn kinh phí bỏ ra nghiên cứu, khảo sát bài bản. Nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao chưa có quy hoạch mà triển khai trồng cao su, nhưng đó là thực tế. Quy hoạch của ta là dựa vào nhà đầu tư, thường thì DN đến nghiên cứu, lập dự án, quy hoạch chi tiết vùng trồng xong, các ngành chức năng đồng ý, thẩm định thì cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch luôn. Chúng ta đang làm “quy hoạch ngược”, nghĩa là có dự án khả thi thì mới quy hoạch. Về phát triển CSTĐ, quy hoạch từ cơ sở mới quan trọng, bởi lẽ chính quyền địa phương nắm chắc nguồn lực đất đai, khả năng đầu tư của nhân dân. Quan điểm của tôi là không nên trồng CSTĐ tự phát, thiếu liên kết với DN. Hiện nay, mô hình trồng cao su tại vùng cao Tây Giang rất hay. Dân có đất, DN đến thỏa thuận với chính quyền, người dân trồng cây cao su với cam kết về quyền lợi và trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng. Cái lợi là dân không sợ mất tư liệu sản xuất, được tạo công ăn việc làm, nhận trồng, chăm sóc cao su trên mảnh đất của mình…
Xin cảm ơn ông!
HỮU PHÚC (thực hiện)